Thị trường xuất khẩu lao động “ấm dần”

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 10:41, 19/03/2022

Sau một thời gian bị "đóng băng" do dịch Covid-19, nay thị trường xuất khẩu lao động đang sôi động trở lại. Nhu cầu tuyển dụng lớn, chi phí giảm tạo nhiều cơ hội cho người lao động Hải Dương.


Tập đoàn ICOGroup chi nhánh Hải Dương tổ chức cho người lao động thi tuyển xuất khẩu lao động sang Nhật Bản

Thị trường xuất khẩu lao động từng bị "đóng băng" do dịch Covid-19 thì nay đang "ấm dần" trở lại. Cánh cửa xuất khẩu lao động đã mở. Người lao động Hải Dương háo hức chờ ngày xuất cảnh. 

Sẵn sàng xuất cảnh

Hoàn thành khóa đào tạo và thủ tục để sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc từ tháng 5.2021 nhưng anh Nguyễn Văn Hưng (ở xã Lê Lợi, Gia Lộc) phải đợi gần 1 năm mới có thể sang làm việc theo kế hoạch vào cuối tháng 3 này. “Giữa tháng 5 năm trước, dịch Covid-19 bùng phát và lan nhanh khiến Đài Loan tạm thời không nhận lao động nước ngoài. Suốt một thời gian dài ở nhà chờ việc, gia đình tôi ai cũng sốt ruột. Số tiền vay ngân hàng để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) khá lớn nên tôi phải đi làm công nhân thời vụ trong thời gian chờ xuất cảnh. Cũng may hiện nay tình hình dịch bệnh đã bớt căng thẳng, Đài Loan bắt đầu tuyển rất nhiều lao động nên tôi sẽ được sang đó làm việc”, anh Hưng cho biết.

Bắt đầu từ giữa tháng 3, nhu cầu tuyển dụng lao động từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức sôi động trở lại. Theo chị Mạc Thị Thủy, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty CP Nhân lực Kiyokawa (ở phường Tân Bình, TP Hải Dương), trước đây để phòng chống dịch Covid-19, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã phải ban hành các quy định cấm hoặc hạn chế nhập cảnh công dân nước ngoài. Cùng với đó, việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và một số nước, vùng lãnh thổ đã khiến nhiều lao động mắc kẹt ở lại thì nay tình hình đã sáng sủa hơn. Từ đầu tháng 3, Nhật Bản thông báo mở cửa để đón lao động Việt Nam sang làm việc. Hiện tại công ty đang hoàn thiện thủ tục để cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới sẽ đưa 200 lao động Hải Dương sang đất nước này. 

Theo khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cuối năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, thị trường XKLĐ vẫn khá ảm đạm. Những thị trường tuyển dụng nhiều thì đến đầu tháng 3 mới bắt đầu mở cửa cho phép nhập khẩu lao động trở lại. Hai tháng đầu năm nay, số lao động được đi làm việc tại nước ngoài giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng từ đầu tháng 4 này sẽ khác, rất nhiều doanh nghiệp XKLĐ của tỉnh đã sẵn sàng đưa số lao động phải chờ xuất cảnh suốt thời gian qua đi làm việc tại nước ngoài như mong muốn. Tình hình XKLĐ trên địa bàn tỉnh sẽ khả quan hơn nhiều so với thời gian trước.

Cơ hội lớn

Đánh giá về tiềm năng cũng như cơ hội để nhiều lao động của Hải Dương sang làm việc tại nước ngoài vào thời điểm này, ông Đinh Tiến Được, Giám đốc Tập đoàn ICOGroup chi nhánh Hải Dương (có trụ sở ở phường Thanh Bình, TP Hải Dương) nhận định, hiện nay Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia, Đức bắt đầu thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp tại các quốc gia này sau một thời gian “ngủ đông” vì dịch bệnh thì nay bắt đầu “thức giấc” bởi hàng loạt các gói hỗ trợ, kích thích phát triển nền kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ rất lớn.

Trước đây do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tuyển dụng lao động thấp nên cơ hội để lao động trúng tuyển đơn hàng đi làm việc ở các nước khó khăn hơn hiện nay. Anh Được lấy ví dụ: “Trước đây, từ 5-6 lao động có nhu cầu sang Nhật Bản làm việc thì chỉ lấy được 1 nhưng hiện nay do nhu cầu bên đó tăng cao nên tỷ lệ chọi thấp hơn nhiều, thậm chí nhiều đơn hàng lao động cứ nộp hồ sơ, đáp ứng được các nội dung đào tạo là có thể đi làm”. Cùng chung nhận định như trên, ông Vũ Quang Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Lacoli (ở xã Gia Xuyên, TP Hải Dương) cho biết: “Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang thiếu lao động phổ thông ở các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, thủy sản, may mặc, điều dưỡng... Không ít doanh nghiệp nước ngoài đã liên hệ hỏi chúng tôi có tuyển được nhân lực ngay thời điểm này hay không. Trước cơ hội lớn này, công ty đang tích cực liên kết với các địa phương tuyển dụng để đưa lao động đi làm việc trong thời gian tới”.

Do nhu cầu tăng và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực nước ngoài nên hiện nay chi phí để người lao động có thể XKLĐ đã giảm rất nhiều so với trước. Nếu như trước đây người lao động phải trả từ 120-150 triệu đồng mới có thể sang Nhật Bản thì nay chỉ cần khoảng 100 triệu đồng là có thể đi được. Nhiều thị trường XKLĐ truyền thống của Hải Dương như Nhật Bản, Đài Loan đang thực hiện chính sách ưu đãi với người lao động nước ngoài qua chế độ lương, thưởng, phúc lợi xã hội… “Tôi được biết Chính phủ Nhật Bản đang áp dụng chính sách ưu đãi đối với những lao động Việt Nam. Nếu tôi có 3 năm làm việc tốt thì sẽ không phải về nước nữa mà được chuyển đổi sang visa Tokutei. Visa này sẽ giúp người lao động Việt Nam được hưởng mức lương cao như lao động chính thức bên Nhật Bản mà không phải hưởng mức lương thực tập sinh như trước”, chị Hoàng Thị Hoa, học viên của Công ty CP Nhân lực Kiyokawa cho biết.

Hải Dương là một trong số những tỉnh có số lượng người xuất khẩu lao động thuộc nhóm cao trong cả nước. Bình quân mỗi năm Hải Dương đưa khoảng 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc, chủ yếu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Ba Lan, Australia… XKLĐ đã giúp nhiều gia đình trong tỉnh có cơ hội thoát nghèo, làm giàu. 

HẢI MINH