Trung tâm Y tế cấp huyện chồng chất khó khăn
Văn hoá-Xã hội - Ngày đăng : 17:45, 20/10/2021
Nhiều Trung tâm Y tế cấp huyện ở tỉnh Hải Dương - lá chắn tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang "kêu cứu" về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực.
Sau hơn 1 năm sáp nhập từ 3 đơn vị: Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Dân số - KHHGĐ, các Trung tâm Y tế cấp huyện chưa có nhiều đổi khác. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số đơn vị rất khó khăn.
Vào Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc nếu không hỏi thăm hoặc không có người dẫn đường chắc chắn sẽ không thể tìm được nơi cần đến. Cổng trung tâm cũng là lối vào của Bệnh viện Đa khoa huyện (cũ) vốn chật, thấp, càng trở nên chật chội vào những ngày nhiều người ra vào. Các toà nhà làm việc, khám chữa bệnh ngoằn ngoèo nối với nhau bằng nhiều kiểu cầu thang được xây dựng chắp vá qua nhiều năm. Những cánh cửa gỗ có vẻ được lắp từ những năm 1980 lung lay ở một vài lối đi. Nhiều khoảng tường, đoạn trần nhà bong tróc. Theo lời các nhân viên y tế ở đây, đã có những mảng vữa trát trần nhà to bằng cả cái mâm rơi xuống khi họ đang làm việc...
Khoa Nhi và Thận nhân tạo, Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc xây từ thập kỷ 80. Toàn bộ khu nhà làm việc này đã xuống cấp nghiêm trọng, hiện một số khu vực phải chăng dây để cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, một phần của khu nhà đã được cải tạo, vẫn là nơi điều trị cho bệnh nhi. Một số phòng điều trị bệnh nhi chật chội, ẩm thấp, thiếu khí và ánh sáng. Dù không đông bệnh nhân nhưng mùi khai và ẩm mốc vẫn bốc lên trong các phòng bệnh.
Khu vực điều trị của Trung tâm Y tế huyện Bình Giang gồm 6 khối nhà, trong đó nhiều công trình được xây từ những năm 1980 trở về trước. Khu vực điều trị truyền nhiễm là nhà cấp 4, được xây từ trước năm 1970, đến tháng 3.2020 khu nhà được cải tạo từ mái ngói thành mái tôn. Theo một số bệnh nhân đi khám thì nơi đây chưa có gì đổi khác nhiều trong 20 năm đã qua.
Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện có cảnh quan khang trang, xanh, đẹp nhưng các khối nhà khám chữa bệnh xây cách nhau khá xa, thiếu liên kết nên rất vất vả trong việc di chuyển của đội ngũ y, bác sĩ, bệnh nhân. 12 Trung tâm Y tế cấp huyện trong tỉnh hiện còn nhiều khó khăn tương tự nhau về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm cho nhiều trung tâm trông giống như "tấm áo vá" nhiều lớp.
Khó khăn về cơ sở vật chất chủ yếu do kinh phí trong năm tài chính chi cho một cơ sở để nâng cấp, sửa chữa còn rất hạn chế. Nhiều công trình đã xuống cấp nhưng chưa bố trí được kinh phí để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp theo đề xuất. Có những khoa, phòng, dãy nhà của các Trung tâm Y tế đã được xây dựng nửa thế kỷ, nay bị xuống cấp, bong tróc, rất nguy hiểm nhưng vẫn chưa được phá dỡ.
Nguồn kinh phí tái đầu tư của các đơn vị từ nguồn thu sự nghiệp còn hạn chế, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế phụ thuộc nhiều từ phân bổ của Sở Y tế. Kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng tài sản tương đối lớn. Nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các đơn vị gần như không có.
So với quy định của Bộ Y tế, UBND tỉnh, số lượng trang thiết bị đặc thù của các đơn vị trong ngành y tế mới đáp ứng được khoảng 30-40% danh mục theo định mức. Nguyên nhân do nguồn lực để đầu tư theo đủ định mức là rất lớn, các đơn vị chưa có sẵn nhân lực để sử dụng trang thiết bị...
Cùng lúc, các Trung tâm Y tế tuyến huyện cũng phải gánh chịu cảnh "chảy máu" nguồn nhân lực y tế. Do nhiều lý do, trong đó chủ yếu do chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế không cao nên số cán bộ ngành y đã bỏ đơn vị, chuyển sang làm việc tại hệ thống y tế tư nhân ngày càng nhiều. Điều này còn dẫn tới việc chưa sử dụng hết công suất của những trang thiết bị y tế hiện đại. Nhiều đơn vị chưa có cán bộ chuyên trách, chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm để phụ trách quản lý trang thiết bị y tế.
Kinh phí để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh một cơ sở y tế là tương đối lớn nên việc bố trí kinh phí đối với các cấp, ngành có thẩm quyền còn vướng mắc, khó khăn. Các cơ quan, đơn vị chưa nắm rõ quy định, thủ tục về đầu tư xây dựng nên còn nhiều công trình chưa thể hoàn thiện để thanh quyết toán.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, nguồn thu của các đơn vị giảm sút, trong đó đa phần các đơn vị đều tự bảo đảm chi thường xuyên (đối với khối điều trị), nên việc mua sắm, đầu tư từ nguồn thu sự nghiệp bị hạn chế. Trong khi để mua sắm trang thiết bị hiện đại, chất lượng tốt, phải có chi phí rất lớn.
Làm thế nào để có trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại?
Làm gì để có nguồn nhân lực cao vận hành hiệu quả trang thiết bị y tế?...
Đó là những câu hỏi đang cần tìm lời giải cho Trung tâm Y tế cấp huyện.
Trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, càng thấy rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của các Trung tâm Y tế cấp huyện. Ngành y tế đang đề nghị tỉnh quan tâm bố trí kinh phí, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đã được giao trong những năm tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị Thường trực HĐND tỉnh dịp cuối tháng 9, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân chia nguồn thu từ đất phải bám sát định hướng phát triển của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tập trung nguồn vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm. Trong đó, đồng chí cũng lưu ý đến việc xây dựng danh mục các dự án đầu tư công về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao để lựa chọn đầu tư theo thứ tự ưu tiên.
Ngoài ra, nhiều giải pháp quan trọng cần triển khai để có thể tạo nguồn lực cho các cơ sở y tế như: tăng cường xã hội hóa, mở rộng liên doanh, liên kết để thu hút nguồn lực đầu tư. Các cơ sở y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút được nhiều bệnh nhân, qua đó tăng nguồn thu, có vốn để đầu tư cơ sở vật chất. Cần đầu tư tập trung, tránh dàn trải, manh mún...
THU MINH - HÀ NGA - HÀ VY
Đồ họa: TUẤN ANH