Hiệu quả từ các mô hình HTX kiểu mới

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:05, 11/04/2022

Sau 10 năm Luật HTX đi vào thực tiễn, các HTX trong tỉnh đã hoạt động theo mô hình mới góp phần thay đổi tư duy sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của HTX Đại Dương đem lại hiệu quả kinh tế cao

HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh, xã An Thanh (Tứ Kỳ) được thành lập vào năm 2005. Đến năm 2016, HTX chuyển sang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Trong giai đoạn đầu, HTX gặp rất nhiều khó khăn về vốn, sản lượng các loại nông sản đạt thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh. Nhằm đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các thành viên, HTX đã tiến hành củng cố lại bộ máy tổ chức theo Luật HTX năm 2012. Trong đó ưu tiên sắp xếp lại nhân sự một cách khoa học, hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất... Nhờ đó, xã An Thanh ngày nay đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

"Hiện chúng tôi đã quy vùng được khoảng 120 ha trồng lúa hữu cơ cho năng suất đạt 170 tấn/năm. Trong đó có 95 ha gieo cấy giống lúa ST25 tại bãi rươi. Nhờ liên kết với các doanh nghiệp nên sản xuất đến đâu là tiêu thụ hết đến đó và giá cũng cao hơn từ 10-15% so với ngoài thị trường. Đến nay, các sản phẩm như rươi, cáy, lúa hữu cơ của HTX đều có chỗ đứng trên thị trường và là sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh trong nhiều năm nay", ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh cho biết.

Con rươi là sản phẩm chủ lực của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh

Trước đây, các thành viên của HTX Công nghiệp CP Mai Hồng tại thị trấn Phú Thái (Kim Thành) hoạt động theo hình thức "mạnh ai nấy làm", sản phẩm chủ yếu cung cấp cho người dân trong huyện, thiếu sức cạnh tranh với thị trường bên ngoài. Do quy mô sản xuất nhỏ, năng suất không cao nên mẫu mã và chất lượng sản phẩm cũng bị hạn chế. Năm 2012, nhờ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nên HTX Công nghiệp CP Mai Hồng đã đầu tư mua sắm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. Cũng trong thời gian này, HTX đã cải tổ lại bộ máy tổ chức, điều tiết lại các khâu sản xuất bảo đảm các thành viên đều được tham gia. Nhờ đó mà bộ máy của HTX hoạt động trơn tru hơn, mẫu mã đa dạng hơn và dần chiếm lĩnh được các thị trường khó tính nước ngoài.

"Trung bình mỗi năm chúng tôi cung ứng cho thị trường trong nước và ngoài nước khoảng 500-600 sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ. Năm 2021, doanh thu của HTX đạt 4 tỷ đồng, cho lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Hiện HTX đang tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với mức thu nhập từ 8-9 triệu đồng/người/tháng", ông Trần Văn Thụ, Giám đốc HTX Công nghiệp CP Mai Hồng cho biết.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao. Một trong số đó là mô hình chăn nuôi thỏ New Zealand theo hướng liên kết của HTX Đại Dương. Hiện HTX này có tổng đàn thỏ lên đến 20.500 con, trong đó có 17.000 con thỏ thương phẩm. Trung bình mỗi tháng HTX xuất bán ra thị trường khoảng 12.000 tấn thỏ. Với giá bán 75.000 đồng/kg hiện nay, 1 tấn thỏ cho thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Doanh thu bình quân của HTX Đại Dương đạt trên 3 tỷ đồng/năm, trung bình mỗi hộ liên kết lãi từ 150-300 triệu đồng/năm. Hiện mô hình nuôi thỏ của HTX Đại Dương đã được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Nhờ hoạt động theo mô hình mới nên HTX Công nghiệp CP Mai Hồng liên tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh

Theo Liên minh HTX tỉnh, đến nay toàn tỉnh có khoảng 800 tổ hợp tác, 1 Liên hiệp HTX và 522 HTX. Trong đó có 370 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, 152 HTX phi nông nghiệp. Hầu hết các tổ hợp tác, HTX đều hoạt động tích cực, hiệu quả, thu hút nhiều thành viên tham gia. Năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của các HTX và doanh nghiệp thành viên ước đạt 20.717 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2020. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 287.540 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2020. Doanh thu bình quân của các HTX ước đạt 750 triệu đồng, thu lãi khoảng 375 triệu đồng/HTX. 

"Thực tế cho thấy, các HTX kiểu mới hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực với nhiều mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua các HTX trong tỉnh đã có những đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 200.000 cá nhân, gia đình, pháp nhân là thành viên trong các HTX, Liên hiệp HTX. Trên 80% số hộ dân trên địa bàn tỉnh tham gia HTX Dịch vụ nông nghiệp hoặc có sử dụng dịch vụ của HTX", bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết.

Sau 10 năm đi vào thực tiễn, Luật HTX đã giúp nền kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên cũng tồn tại một số hạn chế cần sửa đổi. Đơn cử, một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, Luật HTX 2012 chưa quy định cụ thể mức góp vốn tối thiểu và tối đa của thành viên nên trong thực tiễn đã gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Để phát huy tối đa nội lực của nền kinh tế tập thể, Luật HTX năm 2012 cần sớm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

ĐỖ QUYẾT