Mở rộng tấn công tham nhũng và lãng phí
Chính trị - Ngày đăng : 08:35, 13/04/2022
Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều điểm nhấn rất quan trọng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Kết luận chỉ rõ cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế, lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng. Vẫn còn xảy ra những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận.
Không khó để dẫn chứng cho đánh giá trên mà điển hình là vụ án liên quan đến kit xét nghiệm của Công ty Việt Á đến nay vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng. Hàng chục lãnh đạo, cán bộ, doanh nhân, kế toán vướng vòng lao lý với số tiền “hoa hồng” rất lớn; nhiều cán bộ cấp tướng bị xử lý kỷ luật với hình thức nghiêm khắc khi mắc khuyết điểm, vi phạm và cả cán bộ cấp cao đang đối diện mức kỷ luật do vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Liên quan đến lãng phí, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội vừa qua chỉ ra những “con số biết nói” về lãng phí trong lĩnh vực công giai đoạn 2016-2021. Số liệu dù mới được tổng hợp bước cho thấy phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn định mức gần 2.553 tỷ đồng. 6 năm có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN lãng phí, sai chế độ đã được phát hiện với số tiền 883,2 tỷ đồng. Số dự án thực hiện chậm tiến độ rất lớn (8.580 dự án trong giai đoạn 2016-2020).
Trong khi đó, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước chưa được bảo toàn; công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN và Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu tăng 32.219,25 tỷ đồng và 756.999 USD. Một số dự án thua lỗ lớn, gây thất thoát, mất vốn, tài sản nhà nước. Các dự án hoàn thành không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ là 78.285 dự án…
Chính vì vậy, bên cạnh việc tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, vốn, tài sản nhà nước ở các doanh nghiệp; đầu tư công, dịch vụ công,..., Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước; xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém tại các dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Đây được coi là “một trong hai mũi giáp công” bên cạnh thực hành tiết kiệm, nhằm đảm bảo nguồn lực của đất nước được sử dụng hiệu quả để phát triển, nhất là trong điều kiện nước ta còn khó khăn.
Điều quan trọng hơn, Kết luận nhấn mạnh khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Trong đó khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán...
Đây chính là những lĩnh vực “nóng” trong thời gian qua khi hàng loạt quan chức ở nhiều địa phương cũng như doanh nghiệp, cán bộ sai phạm phải hầu tòa, bị bắt và nhận những bản án nghiêm minh. Dư luận, cử tri đặc biệt quan tâm và các ý kiến của cơ quan có trách nhiệm cũng thẳng thắn chỉ ra trên nhiều diễn đàn quan trọng, trong đó có Quốc hội.
Một điểm đáng quan tâm khác chính là “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”. Trước đó, nội dung này đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, song do là vấn đề mới và khó nên việc triển khai thực hiện cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn.
Tham nhũng khu vực ngoài nhà nước là những hành vi do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm hành vi tham ô tài sản, hành vi nhận hối lộ và hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. Thực tế cho thấy nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng không chỉ dừng lại trong khu công mà đã và đang lan sang cả khu vực ngoài nhà nước, có sự kết nối đan xen công – tư ở nhiều lĩnh vực. Do đó, việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước cũng chính là để phòng, chống tham nhũng khu vực công hiệu quả hơn.
“Giữ lửa” chống tham nhũng trên tinh thần “không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm”, Kết luận nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở.
Tại cuộc họp ngày 11.3 vừa qua, Bộ Chính trị cũng giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (ban chỉ đạo cấp tỉnh).
Các ý kiến bày tỏ ủng hộ chủ trương trên nhằm tạo sự thống nhất từ Trung ương tới địa phương và kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”; thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”, chống lợi ích nhóm, chống những biểu hiện suy thoái, tham nhũng ở địa phương cũng như kịp thời xử lý các vụ việc khi có sai phạm.
Trong Kết luận, Bộ Chính trị cũng lưu ý tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí phù hợp với hoạt động đặc thù của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan này.
Kết luận với rất nhiều vấn đề được yêu cầu rõ ràng, cụ thể trên tinh thần “phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc”, hy vọng sẽ tiếp tục tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo VOV