Tăng lương tối thiểu

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:21, 14/04/2022

Có dịp chứng kiến bữa cơm đạm bạc của 2 nữ công nhân trọ ở khu dân cư Tứ Thông, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) mới thấy đời sống người lao động (NLĐ) đang gặp không ít khó khăn.

Họ bảo những ngày qua phải tiết kiệm chi tiêu hơn bởi từ sau Tết Nguyên đán đến nay, doanh nghiệp ít tăng ca nên thu nhập cũng chỉ được hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó tiền gas, tiền thực phẩm gần đây tăng chóng mặt. Tiền thuê trọ cũng không còn được chủ nhà hỗ trợ như trước. Vì thế, số tiền họ bỏ ra để tiết kiệm hay gửi về gia đình ngày càng hao hụt...

Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), trong năm 2021 có tới 21% số NLĐ phải ăn mỳ tôm; hơn 48% phải giảm lượng thịt hằng ngày; 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa; 60% tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân... Đời sống của NLĐ gặp khó khăn vì mức lương tối thiểu đã không đáp ứng được nhu cầu.

Hơn 2 năm qua, khi dịch Covid-19 ập tới, mọi mặt đời sống của người dân bị ảnh hưởng, với công nhân, lao động còn chịu tác động nặng nề. Việc tăng lương tối thiểu cũng đã bị trì hoãn 2 năm. Nhận thấy mức lương tối thiểu vùng không còn phù hợp, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tổ chức họp bàn về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Sáng 12.4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Dẫu biết việc tăng lương tối thiểu giai đoạn này sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Bởi mức lương tối thiểu được nhiều doanh nghiệp lấy làm cơ sở để đóng các khoản bảo hiểm và nhiều chi phí khác cho NLĐ. Trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn như hiện nay thì đây là điều không dễ chấp nhận. Thế nhưng trong tương lai, việc tăng lương tối thiểu sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực và lan tỏa. Khi mức lương được tăng lên, NLĐ không phải đắn đo mua một bộ quần áo hoặc chọn cho mình một chuyến du lịch xả hơi... Điều này cũng đồng nghĩa với công nhân ngành may mặc có nhiều việc làm, hướng dẫn viên du lịch và những người làm dịch vụ đi kèm có thêm thu nhập. Bản thân doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều đơn hàng. 

Để việc tăng lương tối thiểu có ý nghĩa thì cần giải quyết tốt hai vấn đề. Thứ nhất, tăng lương phải đi kèm với kiềm chế lạm phát. Bởi nếu lương tối thiểu được điều chỉnh tăng không theo kịp lạm phát thì đời sống NLĐ cũng khó được cải thiện. Giải bài toán này cần chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, hiệu quả, đồng thời có giải pháp cụ thể để hạn chế việc tăng giá xăng dầu - một mặt hàng có tác động không nhỏ đến giá cả hàng hóa hiện nay.

Chìa khóa thứ hai là tăng lương phải đi kèm với tăng năng suất lao động. Năng suất lao động tác động rất lớn đến “sức khỏe” cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi năng suất lao động cao thì doanh nghiệp không phải tốn thêm chi phí tuyển nhiều lao động. Đơn hàng làm nhanh, doanh thu tăng và đây chính là mấu chốt để doanh nghiệp chấp nhận tăng lương tối thiểu vùng một cách vui vẻ chứ không gượng ép.

Có thể thấy, ngoài chính sách hỗ trợ tiền cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và mới đây là hỗ trợ tiền thuê nhà thì việc tăng lương tối thiểu là biện pháp căn cơ bền vững để NLĐ yên tâm làm việc, vượt qua khó khăn.

HẢI MINH