Nhà thơ Xuân Diệu "nhập gia tùy tục"

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 08:19, 16/04/2022

Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê gốc ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Bình Định.

Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê gốc ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Bình Định. Xuân Diệu là thành viên thứ 7, cũng là thành viên cuối cùng của nhóm Tự lực văn đoàn, một trong những tổ chức văn nghệ sĩ tiêu biểu và nổi tiếng nhất ở miền Bắc thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Ông là cây bút chủ đạo trong mục Thơ Mới trên báo Ngày Nay, tờ báo của Tự lực văn đoàn. Bên cạnh sáng tác thơ ca, ông còn tham gia viết báo, phê bình văn học, dịch sách… Với tài năng của mình, cách nhìn nhận vấn đề, phê bình của nhà thơ Xuân Diệu rất thâm thúy, sâu sắc. 

Một lần, nhà thơ Xuân Diệu đến thăm động Kính Chủ và nói chuyện thơ ở nơi này. Động Kính Chủ là danh thắng nổi tiếng ở Kinh Môn (Hải Dương). Nơi đây, thời Trần đã sản sinh ra danh nho Phạm Sư Mạnh. Bởi vậy, xã này có tên là xã Phạm Mệnh (nay sáp nhập với xã Thái Sơn thành phường Phạm Thái).

Trong buổi nói chuyện thơ của mình với cán bộ và nhân dân trong xã, Xuân Diệu đã cố tình nói như sau:

- Thời Lý, có ông Lý Kiệt viết bài "Nam quốc sơn hà". Thời Trần có ông Trần Đạo viết bài "Hịch tướng sĩ". Hai ông ấy là danh nhân của đất nước.

Trong số khán giả có một vị là cán bộ xã Phạm Mệnh lúc bấy giờ liền giơ tay ngắt lời Xuân Diệu:

- Thưa nhà thơ, có lẽ nhà thơ nhầm chăng? Theo tôi được biết, tác giả bài "Nam quốc sơn hà" là Lý Thường Kiệt và tác giả bài "Hịch tướng sĩ" là Trần Hưng Đạo, chứ không phải… Lý Kiệt, Trần Đạo đâu ạ!

Xuân Diệu cười:

- Đúng là như thế! Sở dĩ tôi bớt mỗi vị một cái tên đệm là vì như tục ngữ nói "nhập gia tùy tục". Ở đây, ở xã này các vị đã nêu một tấm gương giản tiện cho con cháu noi theo là bớt của danh nho Phạm Sư Mạnh chữ "Sư", chỉ còn là Phạm Mệnh! Cho nên tôi đã học tập các vị gọi Lý Thường Kiệt là Lý Kiệt, Trần Hưng Đạo là Trần Đạo…

Mọi người cười ồ.

LÊ HỒNG BẢO ANH(st)