Lương hưu thấp, thời gian chờ thụ hưởng dài khó cản người rút bảo hiểm một lần?
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:24, 18/04/2022
Người rút BHXH cũng tính toán thiệt hơn
Thời gian gần đây, tại TP Hồ Chí Minh người rút BHXH một lần tăng mạnh và chưa có xu hướng giảm, gây sự lo lắng cho những nhà hoạch định chính sách. BHXH cũng lên tiếng cảnh báo về các thiệt hại, nhiều ý kiến cũng phê phán người lao động không ý thức được tính thiệt hơn khi rút BHXH.
Người lao động đến rút BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không thể phê phán chủ quan những người rút BHXH một lần. Mà theo họ, nhiều người cũng đã tính toán kỹ càng, thiệt hơn cho bản thân mới quyết định rút BHXH, và đặc biệt là để giải quyết nhu cầu thực tại.
Theo chuyên gia lao động Trần Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực & thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh), thật ra chính sách BHXH mục đích là dẫn đến hưu trí, đây là cái lợi cho người hết tuổi lao động, đi kèm là BHYT. Nhưng do Việt Nam có một đặc thù, đó là tình hình tỷ số giá cả thường tăng, làm giảm đi ý nghĩa của BHXH.
Khi đến lúc hưởng hưu trí, dù tổng số tiền hoàn toàn được hưởng theo pháp lý, nhưng so với giá trị thực tế của cuộc sống thì lại không đảm bảo trong tình hình như hiện nay. Từ đó, dẫn tới tính thiếu thuyết phục để người lao động nghĩ đến sự lâu dài. Thứ hai, đa số người lao động khi nghỉ việc không còn thu nhập tích lũy, họ cần nguồn vốn đề chuyển sang việc khác như mở cửa tiệm nhỏ làm ăn để tạo vốn liếng, đảm bảo cho cuộc sống khi không còn đi làm hay xin được việc làm khác.
“Khi đó, vô tình BHXH lại là cứu cánh cho nhu cầu thực tế của họ. Trước mắt là họ có nguồn vốn để khỏi vay mượn, đó chính là điểm rơi về nhu cầu thực tại của chính bản thân họ”, theo ông Tuấn.
Còn theo Thạc sĩ Lê Văn Thành (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh), chuyện rút BHXH một lần, nhiều người cho rằng người lao động thiếu hiểu biết, nhưng thực ra, cũng có nhiều người tính toán, đưa lên bàn cân kỹ càng. Họ thấy rút một lần có lợi cho chính bản thân họ hơn là chờ đợi đến khi hưởng lương hưu.
“Nên nếu cứ phê phán người rút BHXH một lần là không thuyết phục được họ và cũng không cản được xu hướng này”, ông Thành nêu quan điểm.
Theo ông Thành, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là người rút BHXH một lần họ có thể dùng để kinh doanh hay làm chuyện khác để nuôi sống bản thân và có khi tạo được sự tích lũy lớn hơn cho tương lai.
Người lao động đổ xô đi rút BHXH một lần là do nhu cầu thực tế của bản thân
Trong khi đóng BHXH 20 năm, chờ đến tuổi hưu hưởng thì chưa biết thế nào, vì thời gian rất xa và cũng rất mờ mịt. Cho nên, rút BHXH một lần là nhu cầu thực tế, khi họ rút thì họ yên tâm hơn vì tiền đã nằm trong túi.
Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy số tiền bảo hiểm xã hội một lần trên thực tế được dùng để giải quyết một số nhu cầu cấp thiết về an sinh mà hệ thống hiện tại chưa thể đáp ứng cho người lao động.
Chẳng hạn, số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể được dùng như một loại hình trợ cấp thất nghiệp cho các hộ gia đình trong thời gian mất việc làm, hoặc được dùng làm nguồn kinh phí nuôi dạy con trẻ. Do dó, có thể cân nhắc triển khai trợ cấp trẻ em để giảm áp lực tài chính cho những người lao động có nhu cầu trang trải những khoản chi phí này để họ không phải dùng đến số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đặc biệt là đối với lao động nữ trẻ và có con nhỏ.
Tính toán lại cơ cấu tiền lương
Cũng theo ông Thành, lương hưu thì nặng về tương lai, trong khi nhiều người lại tính toán thực tế đến nhu cầu hiện tại.
Theo ông, Nhà nước cần xem lại chế độ BHXH làm sao khi người lao động bỏ lên bàn cân thì có thể chấp nhận được, do đó cần có bài toán cân đối phù hợp.
Cụ thể, ông Thành đề xuất cần cần tính toán lại cơ cấu tiền lương vì hiện nay rất bất cập. Trong tổng thể cơ cấu lương hiện nay chưa tính toán hết được nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương. Nếu cơ cấu lương hợp lý, tiền đóng BHXH cao, thụ hưởng lương hưu cao thì tự thân người lao động sẽ yên tâm tính toán cho tương lai dài hơn.
Nhân viên BHXH tiếp nhận và trả kết quả cho người lao động rút BHXH một lần
“Phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy vì sao người ta rút BHXH một lần, mình cứ cảnh báo thiệt hại về tương lai nhưng người lao động lại nhìn vào nhu cầu thực tế hơn. Không tính toán lại thì chuyện rút BHXH một lần vẫn xảy ra và nhiều người vẫn rút”, ông Thành cảnh báo.
Đồng quan điểm, chuyên gia Trần Anh Tuấn thừa nhận, chính sách BHXH là ưu việt, nhưng nhu cầu thực tế là có thật và hiển hiện trước mắt. Lao động nghèo họ cũng khó tin sau khi đóng đủ BHXH 20 năm thì số tiền họ hưởng sau này có đủ sống hay không?
Ông Tuấn cũng chỉ rõ, vấn đề hiện nay là cân đối giữa tiền lương tạo nên lợi nhuận với tổng tiền lương không cân bằng. Giải pháp cho việc này chỉ có cách Nhà nước phải tập trung phát triển kinh tế, nâng cao kỹ năng lao động để tạo ra năng suất lao động mới có thể hiện thực hóa mục tiêu ưu việt của BHXH.
Theo các chuyên gia, chính sách BHXH linh hoạt và phù hợp sẽ tạo động lực thu hút người đóng BHXH, giảm việc rút một lần
“Chính sách BHXH là đúng đắn, nhưng chưa cân đối với tình hình diễn biến bên ngoài của cuộc sống. Do đó, chưa thể tạo được lòng tin thu hút người đóng BHXH. Ngay cả nhiều người có thu nhập cao còn không đóng BHXH, vì họ dùng số tiền dư dôi để có thể mua được mảnh đất nhỏ như là “sổ tiết kiệm” cho tương lai hơn là đóng BHXH với mức thụ hưởng thấp như hiện nay.
Theo Vietnamnet