Chất lượng bữa ăn cho công nhân

Xã hội - Ngày đăng : 19:13, 24/04/2022

Đã không ít lần tôi có dịp ngồi ăn cùng công nhân, lao động trong công ty của họ. Bữa cơm tập thể trong doanh nghiệp thật không thể so sánh với bữa ăn gia đình.

Dù có đầy đủ rau, thịt, trứng, đậu... nhưng vì chế biến với số lượng lớn, không còn nóng hổi nên cảm giác ngon miệng đã giảm đi nhiều. Đó là chưa kể nhiều khi công nhân còn bắt gặp cả rau già, cỏ úa, lông gia cầm, mùi lạ... trong suất ăn. Ở những nơi doanh nghiệp quan tâm thì chất lượng bữa ăn sẽ tốt hơn.

Nói vậy để thấy rằng bữa cơm trong doanh nghiệp không phải dễ ăn. Tôi được biết có công nhân vì không thể ăn được những món ăn chế biến tập thể ấy nên đã tự nấu ăn ở nhà mang đi, mua bánh mỳ, thậm chí là chỉ ăn gói mỳ tôm cho qua bữa. Có người chỉ ăn qua loa chiếu lệ để lấy sức làm việc đến chiều, nên suất ăn bỏ lại còn hơn một nửa... Nhưng công nhân, lao động vẫn phải khắc phục để gắn bó với công việc, kiếm miếng cơm manh áo, lo cho con cái, gia đình.  

Vẫn biết theo quy định của pháp luật, không bắt buộc người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp phải thực hiện chế độ phụ cấp ăn trưa, ăn giữa ca hay các loại phụ cấp khác cho người lao động. Tuy nhiên, để người lao động dành thời gian và sức lực nhiều hơn cho công việc thì việc hỗ trợ ăn ca đối với họ rất cần thiết. Bởi khoảng thời gian nghỉ trưa rất ngắn, nếu công nhân, lao động phải tự lo ăn uống họ sẽ không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, làm việc tốt hơn. Đó là còn chưa kể đến việc tự lo thì chất lượng bữa ăn của công nhân, lao động cũng sẽ khó bảo đảm chất lượng.

Năm 2016, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 07c/NQ-BCH về chất lượng bữa ăn ca của người lao động. Nghị quyết nêu rõ các công đoàn cơ sở trong khu vực doanh nghiệp và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở) khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất là 15.000 đồng, khuyến khích các doanh nghiệp nâng mức bữa ăn ca cao hơn. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, tính đến cuối năm 2021, ở Hải Dương có 654/791 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn (bằng 82,7%) hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động, trong đó có 613 doanh nghiệp hỗ trợ từ 15.000 đồng/bữa trở lên, còn lại 178 doanh nghiệp hỗ trợ mức thấp hơn 15.000 đồng/người/bữa.

Chúng ta đang hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 (từ ngày 15.4-15.5) và sắp tới là Tháng Công nhân (tháng 5). Một trong những hoạt động thiết thực nhất trong những tháng hành động này đó là công đoàn cơ sở cần đẩy mạnh việc thương lượng, giám sát để công nhân, lao động thực sự có những bữa ăn chất lượng. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tích cực phối hợp kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, vì chỉ tính riêng năm 2021 ở tỉnh Hải Dương đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm ở 2 doanh nghiệp thuộc các huyện Bình Giang, Thanh Hà, nhiều công nhân đã phải nghỉ việc điều trị. 

Về lâu dài, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tính toán lại định mức khuyến khích doanh nghiệp trợ cấp bữa ăn ca cho người lao động, vì so với năm 2016 - thời điểm ban hành Nghị quyết số 07c/NQ-BCH, hiện giá cả các loại mặt hàng, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm đã tăng đáng kể. Những doanh nghiệp ở Hải Dương chi phụ cấp ăn ca cho công nhân, lao động dưới mức 15.000 đồng/người/bữa nên xem xét điều chỉnh kịp thời. Không chỉ quan tâm về mức độ hỗ trợ, mà các doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm cả chất lượng thật của các bữa ăn, đặc biệt tránh để xảy ra những vụ ngộ độc tập thể. Doanh nghiệp cần thấy rõ việc chăm lo cho công nhân, lao động cũng chính là hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của mình. Vì vậy, ngoài chế độ tiền công, việc quan tâm để công nhân, lao động có những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng là rất cần thiết, vì đó là việc "lợi cả đôi đường".

NGỌC THANH