Chuyến thăm Ukraine hé lộ chiến lược mới của phương Tây đối với Nga
Tin tức - Ngày đăng : 09:36, 27/04/2022
Theo đài RT, đó là những gì mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các phóng viên vào ngày 25.4, một ngày sau khi cùng Ngoại trưởng Mỹ tới Kiev để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các thành viên trong nội các.
Khi được hỏi ông sẽ xác định mục tiêu thành công của Mỹ ở Ukraine như thế nào, ông Austin nói rằng Mỹ muốn Ukraine vẫn là một lãnh thổ có chủ quyền, một quốc gia dân chủ, có thể bảo vệ lãnh thổ có chủ quyền của mình. Tuy nhiên, ông không đề cập đến việc Tổng thống Volodomyr Zelensky đã cấm đảng đối lập lớn nhất và lãnh đạo của đảng này là Viktor Medvedchuk đã bị bắt.
Sau đó, ông Austin cho biết thêm rằng Mỹ muốn thấy Nga suy yếu do cuộc xung đột đang diễn ra với Ukraine. Ông nói: “Nga đã mất rất nhiều năng lực quân sự và rất nhiều binh sĩ” và nói muốn thấy Nga không có khả năng tái tạo nhanh năng lực đó.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ca ngợi tác động của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt, tuyên bố rằng chiến lược hỗ trợ lớn cho Ukraine, gây áp lực lớn chống lại Nga đang có kết quả thực sự.
Ông nói: “Chúng tôi thấy rằng khi nói đến mục tiêu chiến tranh của Nga, Nga đang thất bại, Ukraine đang thành công… và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine trong tương lai… cho đến khi chúng tôi thấy thành công cuối cùng”.
Tuy nhiên, Nga vẫn khẳng định rằng hoạt động quân sự đang diễn ra theo kế hoạch và đang đạt các mục tiêu.
Ngày 25.4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch cử Đại sứ Mỹ hiện tại ở Slovakia là bà Bridget Brink làm Đại sứ Mỹ tại Ukraine. Tuy nhiên, bà Brink sẽ chưa ở Ukraine mà thay vào đó sẽ thực hiện các chuyến đi trong ngày từ Ba Lan đến Lvov ở miền tây Ukraine cho đến khi Mỹ mở lại đại sứ quán ở Kiev.
Chuyến thăm vào ngày 24.4 của ông Blinken và Austin được giữ bí mật vì lý do an ninh cho đến khi hai quan chức này rời Ukraine ngày 25/4. Trong cuộc họp với các quan chức Ukraine, hai quan chức Mỹ cũng đưa ra lời hứa sẽ gửi thêm cho Ukraine vũ khí trị giá hàng trăm triệu USD và nâng cấp hệ thống phòng không nhằm đưa quốc gia Đông Âu này đạt tiêu chuẩn NATO. Mỹ đã chuyển hỗ trợ an ninh trị giá 3 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi ông Joe Biden làm tổng thống.
Nga đã nhiều lần lên án việc Mỹ và các nước NATO gửi vũ khí cho Ukraine, nói rằng chúng chỉ gây bất ổn tình hình trên thực tế và cản trở triển vọng hòa bình. Nga cũng khẳng định rằng các đoàn xe chở vũ khí phương Tây sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của lực lượng Nga khi tiến vào lãnh thổ Ukraine.
Theo kênh CNN, quan điểm mà hai quan chức Mỹ đưa ra sau chuyến thăm Ukraine cho thấy Mỹ và đồng minh bắt đầu truyền đi một mục tiêu mới, dài hạn cho cuộc chiến ở Ukraine. Đó là đánh bại Nga trên chiến trường một cách quyết liệt để ngăn chặn nước này thực hiện một cuộc tấn công tương tự.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia nói rằng những bình luận của ông Austin phù hợp với những mục tiêu của Mỹ trong nhiều tháng qua, mà một trong số đó là biến cuộc chiến ở Ukraine trở thành thất bại chiến lược đối với Nga.
Người phát ngôn này nói: “Đó là lý do tại sao chúng tôi trang bị cho Ukraine vũ khí và thiết bị để tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga và đó là lý do tại sao chúng tôi sử dụng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu trực tiếp nhằm vào ngành quốc phòng của Nga để cắt giảm sức mạnh kinh tế, quân sự Nga”.
Các quan chức Mỹ đi cùng ông Austin cho biết đó chính là thông điệp sẽ được nhắc lại. Các quan chức Mỹ khác cũng đã nhắc tới mục tiêu làm cho Nga suy yếu hơn bao giờ hết sau xung đột ở Ukraine. Trước đó, các quan chức Mỹ không tuyên bố một cách rõ ràng rằng mục tiêu của Mỹ là nhìn thấy Nga thất bại và bị vô hiệu hóa về mặt quân sự trong thời gian dài, mà vẫn lạc quan thận trọng rằng có thể đạt được một số thỏa thuận thương lượng.
Một quan chức Đông Âu nói với CNN: “Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là Ukraine phải giành chiến thắng”.
Thay đổi trong chiến lược đã diễn ra trong vài tuần qua, bằng chứng là các nước đã gửi các loại vũ khí phức tạp hơn cho Ukraine.
Theo các quan chức Mỹ và phương Tây, giới chức phương Tây ngày càng nhận ra rằng họ cần Nga bị tổn thương nhiều về kinh tế và trên chiến trường.
Các quan chức chính quyền Mỹ lạc quan rằng đó là một mục tiêu có thể đạt được. Họ tin rằng việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể dẫn đến những đòn giáng mạnh vào Nga, làm suy giảm khả năng quân sự lâu dài của Nga, từ đó mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ.
Hiện tại, Mỹ đã bắt đầu gửi các thiết bị hạng nặng và tinh vi hơn mà trước đây Mỹ đã hạn chế cung cấp cho Ukraine, trong đó có 72 pháo và máy bay không người lái chiến thuật Phoenix Ghost. Một nguồn tin ở Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang coi đây là một khoản đầu tư để làm suy yếu lục quân và hải quân Nga trong thập kỷ tới”.
Theo Báo Tin tức