Trường mầm non mất chuẩn vì sáp nhập

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:10, 28/04/2022

Sắp xếp các cơ sở mầm non, phổ thông công lập bảo đảm tinh gọn, gắn với sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Song chiếu theo quy định hiện hành, nhiều trường mầm non trong tỉnh đã mất chuẩn sau khi sáp nhập.


Trường Mầm non Sao Đỏ (Chí Linh) không còn đạt chuẩn quốc gia sau khi sáp nhập

Nhiều trường mầm non sau khi sáp nhập khó có thể đạt chuẩn quốc gia nếu áp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường đều mong muốn quy định sớm được sửa đổi phù hợp.

Mất chuẩn

Đang đạt chuẩn lại mất danh hiệu là thực trạng của nhiều trường mầm non sau khi sáp nhập. Theo khoản 2, điều 5 Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thì để đạt chuẩn, trường mầm non phải có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm, lớp. Đây cũng là tiêu chuẩn duy nhất mà nhiều trường mầm non sáp nhập khó đạt do vượt quy mô 20 nhóm, lớp.

Trước năm 2019, 100% số trường mầm non của TP Chí Linh đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên. Sau sáp nhập, căn cứ theo Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì địa phương có 2 trường mầm non sáp nhập không còn đạt chuẩn quốc gia, 1 trường từ chuẩn mức độ 2 xuống chuẩn mức độ 1.

Trường Mầm non Sao Đỏ (Chí Linh) được sáp nhập từ 2 Trường Mầm non Sao Mai và Sao Đỏ. Trước khi sáp nhập, Trường Mầm non Sao Mai có 16 nhóm, lớp, Trường Mầm non Sao Đỏ có 15 nhóm, lớp. Cả 2 trường đều đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Sau khi sáp nhập, trường có 31 nhóm, lớp, vượt 11 nhóm, lớp so với quy định. 

Tương tự, Trường Mầm non Phả Lại được sáp nhập từ 2 Trường Mầm non Phả Lại và Nhiệt điện Phả Lại với 36 nhóm, lớp. Trước khi sáp nhập, Trường Mầm non Phả Lại đã đạt chuẩn mức độ 1, Trường Mầm non Nhiệt điện Phả Lại đạt chuẩn mức độ 2. Khi chưa có Thông tư 13, trường đạt chuẩn mức độ 1 nhưng theo quy định của Thông tư 13 thì trường sẽ không thể đạt chuẩn do vượt quy mô 16 nhóm, lớp. 

Huyện Kim Thành cũng có 3 trường mầm non sáp nhập là Kim Liên, Đồng Cẩm và Tuấn Việt vượt quy mô nhóm, lớp theo quy định. Cô giáo Hứa Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Liên cho biết tháng 11.2021, nhà trường đã làm hồ sơ đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nhưng UBND tỉnh không công nhận do vượt quy mô nhóm, lớp. Năm 2020, sau khi sáp nhập hai Trường Mầm non Kim Khê, Kim Lương thành Trường Mầm non Kim Liên thì quy mô thành 29 nhóm, lớp, vượt 9 nhóm, lớp.

Ngoài TP Chí Linh và Kim Thành, còn nhiều địa phương khác cũng có trường mầm non sáp nhập vượt quy mô nhóm, lớp nên không thể đạt chuẩn quốc gia theo quy định.

Trường Mầm non Kim Liên (Kim Thành) vượt quá 9 nhóm, lớp theo quy định trường đạt chuẩn quốc gia

Thiệt thòi

Theo nhiều lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tiêu chuẩn này hơi cứng nhắc, gạt bỏ mọi sự cố gắng, nỗ lực của các trường trong nhiều năm qua.

Cô Đào Thị Thuý Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Đỏ cho rằng quy định chỉ phù hợp khi mỗi trường có quy mô dưới 10 nhóm, lớp để sáp nhập và phải căn cứ vào quy mô dân số. Ngoài ra, hằng năm quy mô dân số tăng, các trường sáp nhập đã đủ tiêu chuẩn cũng sẽ dần tăng số trẻ, tăng quy mô nhóm, lớp và có thể lại "mất chuẩn".

Sau khi sáp nhập, nhiều trường mầm non "tụt hạng" khiến các trường thiệt thòi, ảnh hưởng đến sự tin tưởng của phụ huynh, mục tiêu huy động trẻ ra lớp cũng khó khăn hơn... Nếu đạt chuẩn, các trường sẽ được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ theo quy định, huy động nguồn lực cũng thuận lợi hơn; đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng sẽ được nâng cao trình độ... từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết việc sắp xếp các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gắn với sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; giảm đầu mối, giảm tối đa các điểm trường nhỏ lẻ... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Chủ trương đúng đắn, cần thiết này còn tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh công tác xã hội hóa thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, điều kiện về số lượng nhóm, lớp đang gây khó khăn cho các trường. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi thông tư cho phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 45 trường mầm non vượt trên 20 nhóm, lớp, trong đó có 9 trường mầm non sau sáp nhập không còn đạt chuẩn là Cộng Hoà, Sao Đỏ (Chí Linh), Tuấn Việt, Kim Liên, Đồng Cẩm (Kim Thành), Phạm Mệnh, Thái Sơn (Kinh Môn), Thanh Hải (Thanh Hà), thị trấn Thanh Miện. Ngoài ra có 6 trường sau sáp nhập vẫn đạt chuẩn (sáp nhập trước khi Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành) nhưng có thể sẽ mất chuẩn trong chu kỳ thẩm định lại tiếp theo (5 năm 1 lần) là Trường Mầm non Phả Lại (Chí Linh), thị trấn Nam Sách, Thanh Quang (Nam Sách), An Phượng (Thanh Hà), Ngọc Châu (TP Hải Dương), thị trấn Tứ Kỳ.

THẾ ANH