Đức nói có thể từ bỏ dầu thô của Nga vào cuối mùa Hè

Tin tức - Ngày đăng : 16:12, 02/05/2022

Đức tuyên bố đang đạt được tiến bộ trong việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga và kỳ vọng sẽ hoàn toàn độc lập với dầu thô Nga vào cuối mùa Hè năm nay.

Bể chứa khí đốt tại một nhà máy hóa chất ở Oberhausen (Đức)

Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức cho biết nước này đã tìm cách để chuyển sang nhập khẩu dầu thô và than đá từ các quốc gia khác trong thời gian ngắn. Điều này có nghĩa là việc chấm dứt phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô Nga từ cuối mùa Hè năm nay là thực tế.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck ngày 1.5 cho biết nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã giảm tỷ trọng nhập khẩu năng lượng của Nga xuống còn 12% đối với dầu thô, 8% đối với than đá và 35% đối với khí đốt tự nhiên.

Bộ trưởng Habeck cho biết: “Tất cả những bước chúng tôi đang thực hiện đòi hỏi nỗ lực chung to lớn từ tất cả các bên và chúng cũng có nghĩa cả nền kinh tế và người tiêu dùng đều cảm nhận được cái giá phải trả”. Ông bổ sung rằng những động thái này là cần thiết.

Tuyên bố của Đức được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc trừng phạt dầu mỏ của Nga sau khi ra quyết định cấm nhập khẩu than đá Nga từ tháng 8 tới. Mỗi ngày, EU trả cho Nga 850 triệu USD để mua dầu mỏ và khí đốt. Đức là một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu năng lượng của Nga.

Đức đã chịu áp lực lớn từ Ukraine và nhiều quốc gia châu Âu khác về việc cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Tuy nhiên, việc Đức xa rời khí đốt tự nhiên của Nga lại mang thách thức lớn hơn. Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24.2, hơn một nửa số khí đốt tự nhiên Đức nhập khẩu bắt nguồn từ Nga. Con số này đã giảm xuống còn 35% sau khi Đức tăng cường mua khí đốt tự nhiên của Na Uy và Hà Lan.

Để giảm hơn nữa nhập khẩu của Nga, Đức lên kế hoạch đẩy nhanh xây dựng các trạm đầu mối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức tiết lộ nước này đặt mục tiêu đưa một số trạm nổi LNG vào hoạt động sớm nhất là trong năm nay hoặc năm sau.

Đức đã lưỡng lự trước đề nghị của EU về việc tẩy chay khí đốt tự nhiên Nga. Berlin cũng theo dõi sát sao thông tin Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi hai nước này từ chối chi trả cho khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng ruble.

Ngân hàng trung ương Đức cho biết việc cắt giảm hoàn toàn khí đốt của Nga có thể đồng nghĩa với việc sản lượng kinh tế bị mất đi 5 điểm phần trăm và lạm phát cao hơn.

Theo TTXVN