Cách nào hạ nhiệt giá xăng dầu?

Kinh tế - Ngày đăng : 13:05, 15/05/2022

Thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% từ đầu tháng 4 nhưng theo các chuyên gia, vẫn như "muối bỏ bể" trước đà tăng giá thế giới.

Trong vòng 2 tháng, giá bán lẻ xăng trong nước đã hai lần lập đỉnh. Gần nhất, hôm 11/5, mỗi lít xăng RON95 tăng lên mức 29.980 đồng, cao nhất lịch sử. Đà tăng của giá bán trong nước được nhà điều hành lý giải cùng chiều với biến động giá thế giới, nhưng biên độ tăng thấp hơn 1-3%.

Giá xăng lên sát 30.000 đồng một lít và còn có thể tăng thêm nếu giá thế giới vẫn xu hướng đi lên, sẽ ảnh hưởng tới tiêu dùng, phục hồi kinh tế và lạm phát. Nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng giảm 0,5 điểm phần trăm.

Với đà tăng hiện nay, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét, giá xăng dầu bình quân sẽ tăng khá cao, ảnh hưởng trực diện tới vận tải, khai thác thuỷ sản và tiêu dùng.

Ông Lâm cho rằng, nhà điều hành cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu và các loại thuế, phí để kìm đà tăng của loại nhiên liệu này.

Hiện, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng 38-40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%. Thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% từ đầu tháng 4 đến hết năm nay.

Nhận xét điều hành nếu chỉ dựa vào giảm thuế là chưa căn cơ, song TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng là hai loại thuế có thể cân nhắc giảm trong ngắn hạn để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Hiện mức thuế suất (thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT) đang áp dụng với mỗi lít xăng là 10%.

"Việc giảm các loại thuế gián thu trong ngắn hạn sẽ linh hoạt hơn là giảm thuế tuyệt đối như thuế bảo vệ môi trường, giúp kìm đầu ra tăng giá hàng hoá, dịch vụ; khôi phục kinh tế sau dịch tốt hơn", ông nêu quan điểm.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng đồng tình, hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào "van" thuế. Song ông lưu ý, cơ quan điều hành phải nghiên cứu kỹ và có phương án bù đắp nguồn thu ngân sách nếu giảm thêm loại thuế này.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ này đang cùng Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu xem có thể giảm thêm thuế nào trong cơ cấu giá bán lẻ để hạ giá xăng dầu. Tuy nhiên, giảm loại thuế nào thì "cần tính toán phù hợp để chống nhập lậu xăng dầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu này làm đầu vào sản xuất, nhu cầu người dân".

Trong khu vực ASEAN, Lào là quốc gia có giá xăng cao thứ hai, sau Singapore. Hiện mỗi lít xăng tại nước này là 1,742 USD, tương đương 40.226 đồng. Để kìm giữ giá xăng, Quốc hội nước này hôm 9/5 đã thông qua Nghị quyết giảm gần một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu trong 3 tháng. Mức thuế sau giảm với xăng là 16%, dầu là 11%.

Cây xăng góc đường Lý Chính Thắng - Trương Định (quận 3, TP HCM) tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Cây xăng góc đường Lý Chính Thắng - Trương Định (quận 3, TP Hồ Chí Minh) tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài phương án giảm thêm thuế, ông Ngô Bích Lâm góp ý, Chính phủ cần có phương án dự trữ, giải pháp và chiến lược "rất đặc biệt với mặt hàng xăng dầu", nhất là tăng dự trữ xăng dầu quốc gia và làm tốt hơn dự báo để tránh rơi vào thế bị động về nguồn cung.

"Xăng dầu không dự trữ tốt sẽ tác động rất lớn đến tăng chỉ số lạm phát", nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu, tại hội thảo dự báo kinh tế diễn ra tuần này.

Ông phân tích, hiện dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ được 5-7 ngày, nên cần tăng lượng lên gấp chục lần hiện nay với phương án dự trữ bằng hàng thay vì bằng tiền. Việc này nhằm giúp tránh bị động về nguồn cung, khi có tình huống xảy ra, có hàng cung ứng ngay.

"Các nền kinh tế lớn họ làm rất tốt, như Mỹ có dự trữ đáp ứng cho nền kinh tế trong vòng 1 tháng. 29 quốc gia trong Tổ chức năng lượng thế giới cũng có quy định phải dành ra bao nhiêu phần trăm kinh phí để dự trữ xăng dầu...", ông Lâm chia sẻ.

Vì thế, Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn.

Hồi tháng 3 khi trả lời chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng từng cho biết, Việt Nam chưa có hệ thống kho riêng nên giao việc dự trữ xăng dầu quốc gia cho các doanh nghiệp đầu mối. Đây là cơ chế bất hợp lý, nên Bộ này sẽ nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia và thương mại, đồng thời tăng dự trữ xăng dầu quốc gia, để đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong 1-2 tháng.

Theo VnExpress