Cổ tích về “đôi đũa lệch”
Gia đình - Ngày đăng : 15:09, 22/05/2022
Vượt qua những dị nghị, vợ chồng anh Phong đã nắm tay nhau đi đến bến bờ hạnh phúc
Đó là suy nghĩ, phương châm sống đẹp của anh Trịnh Văn Phong, sinh năm 1991, ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà).
Chàng trai “tí hon”
Cửa hàng sửa chữa điện thoại “Phong lùn mobile” của vợ chồng anh Phong có mặt tiền rộng tới gần 9 m ở cạnh đường tỉnh 390B luôn có khá đông khách đến mua và sửa chữa điện thoại. 4 năm qua, cửa hàng này đã trở thành địa điểm mua hàng tin tưởng của nhiều người vì giá cả hợp lý, hậu mãi nhiệt tình. Với người khác, cơ ngơi của vợ chồng anh Phong có thể bình thường, nhưng với anh, đây là tâm huyết và nước mắt nhiều năm gây dựng, đặc biệt với thể chất trời sinh khác biệt của mình.
Anh Phong chỉ cao 1,3 m, nặng 37kg. Khi sinh ra anh có cân nặng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng khi học mầm non, chiều cao của anh phát triển kém hơn bạn bè cùng lứa, nên gia đình cho anh học lùi lại 2 năm để có thể theo kịp các bạn. Thay vì đi học năm 1997 thì đến năm 1999 anh mới vào lớp 1. Thấy con thấp hơn nhiều bạn bè, gia đình đã đưa anh đi khám tại Bệnh viện K (TP Hà Nội). Tại đây, các bác sĩ kết luận anh bị thiếu hormone tăng trưởng. Theo tư vấn của các bác sĩ, để tăng chiều cao, anh Phong cần tiêm loại hormone này với giá thời điểm đó khoảng 15 triệu đồng/lần và phải tiêm nhiều lần. Tuy nhiên, hormone có thể hiệu quả hoặc không tùy theo cơ thể từng người. Gia đình khó khăn không thể lo cho anh tiếp tục điều trị. Từ năm học lớp 2, trung bình mỗi năm anh chỉ cao thêm 2 cm. Anh nỗ lực bơi, tập xà đơn hằng ngày để cải thiện vóc dáng nhưng năm học lớp 10 thì anh ngừng phát triển chiều cao.
Thân hình chỉ bằng một đứa trẻ nhưng anh Phong không chán nản hay mất niềm tin vào bản thân mà luôn mong muốn tìm một công việc phù hợp để không trở thành gánh nặng của gia đình. Đến năm 2016, anh quyết định đi học nghề sửa chữa điện thoại tại Hà Nội. Hơn 1,5 năm học và làm nghề tại thủ đô, khi đã có kinh nghiệm nhất định, năm 2018 nhờ sự động viên, hỗ trợ của gia đình, bạn bè, anh Phong đã mạnh dạn vay 500 triệu đồng để thuê mặt bằng mở cửa hàng “Phong lùn mobile”. Thời gian đầu vắng khách, cửa hàng hoạt động cầm chừng, nhiều đêm liền anh Phong mất ngủ vì lo phá sản. Nhưng "có công mài sắt, có ngày nên kim", đến nay cửa hàng luôn có lượng khách nhất định và đem lại mức thu nhập ổn định cho vợ chồng anh.
Bức ảnh cưới ấn tượng nhưng để lại nhiều xúc động của vợ chồng anh Phong, chị Diệu
Gia đình ấm áp
Đầu tháng 4 vừa qua, tin tức về đám cưới của anh Phong với cô dâu “chân dài”, “xinh như hoa hậu” thu hút nhiều người đọc báo mạng. Cô dâu là chị Lê Thị Diệu, sinh năm 1997, quê ở xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Để đi đến mái ấm hôm nay, anh chị đã trải qua một hành trình không dài nhưng đủ đầy mọi cung bậc cảm xúc thăng trầm.
Chuyện tình của anh chị bắt nguồn từ 2 năm trước, khi chị Diệu theo bạn đến Hải Dương làm công nhân, sau đó học và làm nghề mi, móng ở gần nhà anh Phong. Đến cửa hàng nhiều lần để sửa chữa, mua điện thoại, chị có cảm tình với ông chủ cửa hàng nhỏ người nhưng nhiệt tình và chiều khách. Sau 3 tháng trò chuyện, chị Diệu nhận lời anh cùng tìm hiểu.
Theo chị Diệu, kỷ niệm từ khi quen nhau đến nay thì có rất nhiều nhưng đáng nhớ nhất là tai nạn khi cặp đôi này tham gia chuyến đi du lịch ở đảo Cát Bà. "Lần đó chúng tôi bị lạc nhịp khi đi xe đạp đôi vì khác biệt ngoại hình, tôi bị ngã xước hết chân tay. Lúc đó anh xung phong cõng tôi về dù kém tôi hơn 10 kg. Tuy nhiên anh cõng được một đoạn thì cả hai cùng bị ngã, chúng tôi phải gọi taxi về. Dù thấp bé nhưng anh rất ga lăng và yêu thương, chăm lo cho tôi hết mực”, chị Diệu nhớ lại.
Có lẽ đó là lý do khiến chị Diệu kiên quyết muốn lập gia đình với anh Phong dù bị bố mẹ phản đối. Ngày anh Phong về ra mắt gia đình chị, mẹ chị từ chối thẳng thừng với lý do “cuộc sống sau này khó khăn, gian khổ có chịu được không, vấn đề con cái thế nào”. Sau nhiều lần kiên trì, thuyết phục bố mẹ, cuối tháng 3 vừa qua, vợ chồng chị Diệu đã chính thức về chung một nhà với lời chúc phúc của họ hàng hai bên cùng bạn bè và bà con chòm xóm.
“Cũng có lần vợ chồng tôi bị trêu là chị em hay thậm chí là mẹ con nhưng tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định của mình. Có nàng dâu nào muốn đi làm mà mẹ chồng bảo “sắp đến tháng 5 rồi, nắng nóng đi làm vất vả không chịu được đâu, ở nhà thôi con ạ” không. Anh Phong và bố mẹ chồng đều cho tôi cảm giác ấm áp thực sự của gia đình”, chị Diệu tâm sự.
“Dẫu rằng như đũa so le/ Muốn so đôi khác sợ e không bằng” - với khác biệt về ngoại hình, vợ chồng anh Phong đã nắm tay đi qua gian nan để đến bến bờ hạnh phúc, viết nên câu chuyện cổ tích về “đôi đũa lệch”, truyền cảm hứng cho nhiều người với niềm tin yêu cuộc sống mãnh liệt, sinh ra không hoàn hảo nhưng chọn cách hoàn hảo để yêu thương.
VIỆT QUỲNH