Hành trình chinh phục “giấc mơ Mỹ” của một học sinh chuyên văn Hải Dương
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:04, 06/06/2022
Tăng Vân Khanh (hàng sau cùng, thứ 2 từ trái sang) trong chuyến tình nguyện tại Hà Giang. Ảnh nhân vật cung cấp
Thông thường là học sinh chuyên văn, các em hay chọn học các môn xã hội và theo học một trường đại học trong nước. Hiếm có học sinh nào chọn cho mình lối rẽ đặc biệt với “giấc mơ Mỹ” như Tăng Vân Khanh.
Vân Khanh cho biết em có ý định du học từ năm lớp 10, nhưng đến đầu năm lớp 11 em mới chắc chắn lựa chọn Mỹ là điểm đến tiếp theo cho hành trình của mình. Đã có những cuộc tranh luận trong gia đình em về vấn đề này. Tuy vậy, khi thấy được sự nỗ lực và kiên trì của em trong một thời gian dài, bố mẹ đã ủng hộ và hết lòng hỗ trợ em.
Em tự lên mạng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và bắt đầu chinh phục giấc mơ du học bằng cách tự đăng ký học SAT I và SAT II (những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số trường đại học tại Mỹ). Nhưng không may, tính đến thời điểm nộp hồ sơ, em không thể tham gia 2 bài thi chuẩn hóa này do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Em không nhụt chí mà càng cố gắng hơn để hoàn thiện hồ sơ của mình.
Chia sẻ về quá trình học SAT, Khanh cho biết do ở Hải Dương không có nhiều trung tâm ôn luyện SAT nên em quyết định lên Hà Nội luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ này. Vừa tan học ở trường là em lên Hà Nội ngay để kịp giờ học. Do công việc của bố mẹ bận không đưa đón được, em thường phải tự bắt xe đi một mình. Dù tắc đường, hay mưa to, em vẫn quyết tâm không bỏ buổi học nào.
Bài luận khiến em trăn trở nhiều nhất là phải viết thế nào để Ban tuyển sinh hiểu được con người mình trong 650 từ. Nữ sinh chia sẻ em đã phải viết đi viết lại hơn 20 bản nháp để có được bài luận ưng ý. Quá trình 9 tháng viết bài luận cũng giúp em hiểu rõ bản thân hơn và nhận thấy mỗi sự vật nhỏ bé xung quanh đều tác động đến bản thân theo một cách đặc biệt nào đó.
Trong bài luận chính gửi tới Ban tuyển sinh, Vân Khanh thể hiện sự thay đổi trong góc quan sát của mình đối với các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Từ quan sát về chiến tranh Việt Nam không chỉ có đau thương, mất mát mà vẫn tiềm tàng các nét đẹp văn hóa dân tộc, em nhận ra khi quan sát mọi vấn đề đều cần những góc nhìn đa chiều hơn. Quá trình viết luận đã khiến Khanh nhận ra sự phiến diện trong cách quan sát và đánh giá một vấn đề trước đây của mình, để rồi sau đó em và những người bạn thân thiết đã viết nên cuốn sách “Chiến tranh Việt Nam: Vượt lên quầng sáng cuối trời”. Cuốn sách nói lên một góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam. Nó tái hiện cuộc sống của người lính trong thời kỳ hậu chiến và vẻ đẹp kiên cường của người Việt sau chiến tranh.
Khanh chia sẻ: “Để thực hiện cuốn sách, em cùng các bạn đã gặp gỡ các cựu chiến binh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trải nghiệm này khiến em nhận ra sự hy sinh, những cống hiến thầm lặng của những cựu chiến binh ngay cả khi đất nước đã vắng bóng quân thù”.
Vân Khanh tin rằng bài luận là một trong những yếu tố quan trọng nhất để em thuyết phục Ban tuyển sinh các trường đại học của Mỹ.
Sự năng nổ của em trong các hoạt động xã hội cũng là điểm nhấn trong bộ hồ sơ. Vân Khanh khao khát giữ gìn, bảo tồn các nét đẹp văn hóa của dân tộc và địa phương. Khanh đã sáng lập nên website “Bảo tàng triều đại lịch sử Việt Nam”, nơi lưu giữ các giai thoại về các triều đại trong lịch sử phong kiến nước ta. Ngoài ra, em còn lập ra website “Di sản Văn hóa Hải Dương” nhằm quảng bá nét văn hóa độc đáo của quê hương qua các bài em viết.
Ngay từ khi học lớp 10, Khanh đã sáng lập nên dự án Ideas Of Bliss, dự án giáo dục trực tuyến hỗ trợ người trẻ Việt Nam hội nhập và phát triển qua việc giúp họ rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Em cũng là trưởng ban nội dung câu lạc bộ STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) của trường.
Tăng Vân Khanh trong buổi giao lưu của câu lạc bộ STEM (áo đỏ ngồi hàng đầu). Ảnh nhân vật cung cấp
Điều ấn tượng nhất về em là sự thông minh, sáng tạo, khao khát khám phá thế giới và không ngừng học hỏi. Vân Khanh đã tự mình viết đề án nghiên cứu nhằm lý giải cho các hành vi bảo vệ động vật của chính quyền Đức quốc xã qua học thuyết “Máu và Đất”. Đối với đề án nghiên cứu này, em đã tự thử thách bản thân mình với lĩnh vực chính trị thế giới.
“Quá trình chủ động tìm đọc các nguồn tư liệu và viết đề án trong 9 tháng là bước đầu để em chuẩn bị cho các nghiên cứu khoa học sau này. Nghiên cứu một đề tài mới lạ khiến em cảm thấy rất hứng thú. Nó thôi thúc em tự thử thách bản thân ở các đề tài khác biệt hơn mà chưa ai từng khai thác”, Khanh bộc bạch.
Mọi nỗ lực trong học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa đã được đền đáp xứng đáng khi em được lọt vào vòng tiền chung kết cuộc thi Thử thách Toán học trẻ quốc tế (IYMC) 2021, đoạt huy chương đồng vòng loại khu vực tại cuộc thi Olympic Toán châu Á (AIMO) 2021, cùng nhiều giải thưởng khác như giải nhì và bài viết được yêu thích nhất tại cuộc thi viết Hidden Me, giải nhất đồng đội tại cuộc thi Truy tìm đại sứ xanh…
Với những thành tích đáng nể, nữ sinh tự tin nộp hồ sơ cho các trường đại học Mỹ và được 7 trường đồng ý cấp hỗ trợ tài chính và học bổng. Bên cạnh đó, Tăng Vân Khanh còn vào danh sách chờ của 5 trường đại học khác của Mỹ. Sau khi cân nhắc, tìm hiểu, em lựa chọn Đại học nam Florida.
Chia sẻ về bí quyết nộp đơn tại các trường đại học Mỹ, Vân Khanh tin rằng: “Yếu tố quyết định sự thành công của hồ sơ nộp đi Mỹ là yếu tố con người”. Em cho rằng đối với các bạn đang có ý định du học Mỹ nên chuẩn bị càng sớm càng tốt, trau dồi khả năng ngoại ngữ và cố gắng không ngừng để tìm kiếm những cơ hội mới cho bản thân.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp Tăng Vân Khanh cho biết, em là học sinh chăm chỉ, thông minh, học giỏi đều các môn và có ý chí, có mục tiêu, có động lực để đạt được mục tiêu đã đề ra. Em là minh chứng cho thấy những học sinh chuyên văn hoàn toàn có thể chinh phục “giấc mơ Mỹ” và đạt được những gì mình mong muốn.
NGUYỄN THỊ LAN ANH