Các dự án đường vành đai: Cần giám sát để hạn chế sai sót
Tin tức - Ngày đăng : 15:28, 10/06/2022
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường vành đai 2. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Sáng 10.6, Quốc hội tiến hành thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều ý kiến các đại biểu đưa ra về việc bố trí vốn cũng như cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai hay cơ chế kiểm tra, giám sát để hạn chế các sai sót không cần thiết.
Kiểm tra, giám sát để hạn chế các sai sót
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Hoài Trung - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để hạn chế các sai sót không cần thiết.
Theo đại biểu, hai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh còn gắn với những đột phá về cơ sở hạ tầng để thực hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2025, 2030 và là những khu vực có ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng qua kinh nghiệm quốc tế, khi xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề về tính hiệu quả, vi phạm... Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai các dự án, đại biểu kiến nghị nên có cơ chế về chuyên môn.
Đơn cử như có thể thành lập các nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật, các địa phương và các nơi khi có vấn đề giống như những cái nhóm lưu động.
Đại biểu Lê Hoài Trung - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: quochoi.vn)
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần có một khóa đào tạo về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương, kể cả các cơ quan, các nhà đầu tư…, từ đó giúp giảm bớt những sai sót không cần thiết. Mặt khác, đại biểu cho rằng nên có cơ chế giám sát, kiểm tra cũng như quan tâm đến lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư.
Cần chú trọng bố trí đủ nguồn vốn
Đại biểu Khuất Việt Dũng - Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và quyết tâm chính trị của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện nhiều nhiệm vụ phải triển khai trong nhiệm kỳ này.
Đại biểu cho rằng cả hai dự án này đều đầy đủ cơ sở về chính trị, pháp lý, thực tiễn, rất cấp bách về nhu cầu, sẽ tạo đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông, tạo cơ hội, dư địa để thực hiện đột phá về thể chế, về phát triển nguồn nhân lực.
Theo đại biểu, về ngắn hạn, các dự án này tạo cơ hội phục hồi, phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, tạo doanh thu, tạo việc làm cho người lao động. Về dài hạn, hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ tạo cơ sở để các bộ, ngành, các địa phương bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội.
Vì vậy, đại biểu Khuất Việt Dũng đề nghị Quốc hội thông qua các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ đồng thời cần có các cơ chế đặc biệt, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, nếu cần thì cho phát hành trái phiếu để thu hút nguồn lực.
Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với phương án giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch, quy mô hoàn chỉnh để tiết kiệm chi phí, sớm đảm bảo đời sống của nhân dân.
Nghiên cứu khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc.
Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc cho phép Thủ tướng quyết định chỉ định thầu, về mặt pháp lý quyền này vẫn thuộc về Thủ tướng, song Thủ tướng có thể ủy quyền theo nhu cầu cụ thể. Nếu có vấn đề phát sinh thì chủ tịch các ủy ban tỉnh, thành cũng phải có chế độ báo cáo về việc thực hiện như thế nào.
Liên quan đến vấn đề khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc, qua khảo sát ở Việt Nam và nhiều nước khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu dẫn chứng việc khai thác quy đất hai bên đường cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều quốc gia phải xây bức tường trên đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị việc khai thác quỹ đất xung quanh hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước.
“Thông thường, đường cao tốc ở các nước chỉ bố trí các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ hai bên đường, chứ không cho phép các khu dân cư mở 'cắm' vào đường cao tốc như cách chúng ta làm hiện tại,” đại biểu Nghĩa nêu rõ.
Theo Vietnam+