Lãnh đạo Pháp, Đức, Italy cùng thăm Kiev
Tin tức - Ngày đăng : 17:39, 13/06/2022
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Nga được cho là đang duy trì được đà thắng tại miền đông Ukraine, trong khi Kiev hối thúc phương Tây tăng cường chuyển giao vũ khí, trang thiết bị để kìm chân lực lượng Nga.
Tờ Financial Times (FT) ngày 13/6 dẫn lời hai quan chức ẩn danh châu Âu cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng Thủ tướng Italy Mario Draghi dự kiến sẽ tới Kiev vào ngày 16/6. Đây là lần đầu tiên ba nhà lãnh đạo này thăm Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào nước láng giềng. Chuyến đi đã được lên lịch, nhưng cũng có thể sẽ có thay đổi vào phút chót.
Thông tin về chuyến thăm xuất hiện tại thời điểm quan chức Ukraine thừa nhận phía Nga đạt bước tiến đáng kể trong kế hoạch bao vây, giành quyền kiểm soát thành phố Severodonetsk - một nhân tố quan trọng giúp Moskva tiến thêm một bước nữa trong mục tiêu kiểm soát vùng Donbass.
Ông Serhiy Haidai, quan chức thuộc chính quyền Kiev và là thống đốc vùng Luhansk ngày 12/6 cho biết cây cầu thứ hai nối giữa Severodonetsk và Lysychansk, một cứ điểm khác vẫn nằm dưới quyền quản lý một phần của Ukraine ở bên kia bờ sông Siverskyi Donets, đã bị phá hủy.
Đà tiến trên chiến trường là minh chứng mới nhất cho thấy phía Nga đang áp đảo về vũ khí, hỏa lực trước Ukraine, sử dụng ưu thế pháo binh để mở rộng kiểm soát lãnh thổ. Thực tế này cũng giải thích cho việc Ukraine ngày một lớn tiếng kêu gọi phương Tây viện trợ pháo và vũ khí hiện đại tầm xa, khi đạn dược, vũ khí từ thời Liên Xô của nước này đã cạn kiệt.
Giới chức Ukraine cảnh báo Dobass thất thủ sẽ là bước mở đường để Nga mở rộng đà tiến sang các khu vực khác, thậm chí có thể bao vây Kiev. Cùng lúc, binh sĩ Nga cùng lực lượng đòi độc lập thân Nga ở Donbass đã tăng cường năng lực điều hành hành chính đối với các vùng lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát.
Nhiều tuần qua, Moskva tập trung lực lượng, vũ khí để kiểm soát dứt điểm Severodonetsk, thủ phủ hành chính của tỉnh Luhansk, khu vực cùng với tỉnh Donetsk tạo thành vùng Donbass. Phần lớn cư dân Severodonetsk đã rời bỏ thành phố, lực lượng Ukraine hiện chỉ còn duy trì được quyền kiểm soát ở phía nam Severodonetsk.
Tuần trước, một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Zelensky thừa nhận trung bình mỗi ngày có khoảng 200 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, chủ yếu là do hỏa lực vượt trội của Nga. Cuối tuần qua, Kiev một lần nữa kêu gọi phương Tây đẩy nhanh cung cấp vũ khí hiện đại, nhất là pháo tầm xa và hệ thống tên lửa phòng không.
Chuyến thăm dự kiến tới Kiev của lãnh đạo Pháp, Đức và Italy được thúc đẩy tại thời điểm có sự chia rẽ, bất đồng trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về loại vũ khí, trang bị quân sự nào được chuyển giao cho Ukraine. Ba nước này vẫn chưa viện trợ vũ khí hạng nặng với số lượng lớn cho chính quyền Kiev, trong khi Ba Lan đã chuyển giao hơn 200 xe tăng chủ lực cùng nhiều vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Chính quyền của Thủ tướng Scholz gần đây hứng chịu chỉ trích từ Kiev và nhiều đồng minh phương Tây cũng như phe đối lập trong nước vì chỉ hỗ trợ quân sự cầm chừng cho Ukraine. Đức từng cam kết chuyển giao nhiều vũ khí hiện đại, như pháo tự hành, xe tăng, tên lửa phòng không, nhưng chưa một lô hàng nào trong số này đến tay Ukraine.
Theo Báo Tin tức