"Bóc phốt" lái xe khác trên mạng: Nhanh tay chưa chắc đã hay

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 06:09, 19/06/2022

Thẳng thắn phản ánh những pha xử lý ẩu của lái xe khi tham gia giao thông là điều nên làm. Nhưng nếu vội vàng “bóc phốt” chỉ dựa trên cái nhìn một chiều thì đôi khi vẫn là thiếu sót.

Lợi bất cập hại từ việc vội vàng “bóc phốt” nhau trên mạng xã hội

Với sự phát triển của mạng xã hội, vô số các hội nhóm được lập nên để cộng đồng cùng trao đổi thông tin và thể hiện góc nhìn về một số vấn đề cùng quan tâm.

Nhiều tình huống lái xe ẩu, pha xử lý thiếu kinh nghiệm hay cách hành xử kém văn minh của cánh lái xe đã được phát hiện, đăng tải và nhận được không ít ý kiến phê phán, bình phẩm từ cộng đồng. Rất nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng thậm chí được các lực lượng chức năng lấy làm căn cứ để xử lý, răn đe, qua đó rút ra bài học cho các lái xe khác.

Không thể phủ nhận mặt tích cực của việc lên án, phê phán các thói hư tật xấu trên đường. Tuy vậy, việc vội vàng đưa nhau lên mạng xã hội trong nhiều trường hợp lại bị "việt vị", thậm chí gây ra những hệ luỵ ngoài tầm kiểm soát của chính những người trong cuộc.

Mới đây, cộng đồng xôn xao phẫn nộ trước bài đăng (tus) trên mạng xã hội tố cáo một nam lái xe có thái độ "bắt nạt phụ nữ" và thiếu trách nhiệm sau khi gây va chạm tại khu vực đường dẫn từ đường trên cao xuống Linh Đàm (Hà Nội) vào ngày 23.5. "Chủ tus" là một phụ nữ cho rằng, người điều khiển xe Hyundai màu trắng đã từ phía sau đâm vào hông chiếc SUV hiệu Peugeot mà người đăng bài ngồi ở ghế phụ. Sau va chạm, hai bên đã xảy ra cãi cọ về việc người có lỗi.

Nội dung bài đăng của một tài khoản nữ trong một diễn đàn về xe trên facebook (Ảnh chụp màn hình)

Đăng kèm theo bài viết này trên mạng xã hội còn có ảnh chụp lái xe Hyundai và hiện trạng móp méo bên hông phải của xe Peugeot, khiến nhiều cư dân mạng dễ dàng "động lòng", lên tiếng bênh vực nữ chủ tus và lên án lái xe Hyundai trốn tránh trách nhiệm. 

Người phụ nữ đăng bài tố cáo trên mạng xã hội thậm chí còn khẳng định rằng công an và phía bảo hiểm đã giải quyết sự việc, xác định lỗi thuộc về xe Hyundai màu trắng. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng chưa thể kết luận điều gì nếu chỉ dựa vào thông tin một chiều và không có video ghi lại sự việc.

Câu chuyện đã thu hút khá đông sự chú ý và chia sẻ của cộng đồng mạng, lái xe Hyundai nói trên sau khi bị "ném đá" dữ dội đã công bố hình ảnh do camera hành trình trên xe mình ghi lại để minh oan cho bản thân. Theo đó, chiếc xe Peugeot tưởng như bị hại trên thực chất đã đi từ đường trên cao xuống rồi chuyển làn đường mà không bật xi-nhan, đè vào vạch xương cá và có ý định rẽ phải ở nơi có biển cấm rẽ trước khi va chạm.

Sau khi clip được đăng tải, người phụ nữ đăng bài tố cáo ban đầu đã giải thích là do cô ngồi bên ghế phụ nên không quan sát rõ tình huống. Sự việc có thể là do hiểu nhầm và cô gái này ngay sau đó cũng đã gỡ bài đăng của mình trên mạng xã hội. Cộng đồng mạng lại một lần nữa "sôi sục" vì clip cho thấy những phản ánh trước đó của cô gái thiếu chính xác, khiến lái xe Hyundai bị mắng oan.

Hay cũng trên một diễn đàn về giao thông, một tài khoản đăng tải hình ảnh chiếc xế hộp hiệu Toyota Land Cruiser Prado đi vào làn BRT trên đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội) cùng dòng trạng thái "Chán mấy cụ lái ô tô nhưng tư duy xe máy lắm. Đường thì chật mà suốt ngày chen ngang".

Những tưởng chủ tus này sẽ nhận được sự đồng cảm và chia sẻ, đồng thời chiếc xế hộp kia sẽ bị "ném đá" từ cộng đồng mạng. Nhưng không ngờ, đa số bình luận trong bài viết lại tỏ thái độ phẫn nộ nhắm vào chính người chụp ảnh và đăng bài khi người này cũng đang vi phạm khi di chuyển trên làn dành riêng cho BRT.

Chiếc xe ô tô con bị một tài khoản "bóc phốt" trên một hội nhóm về hành vi đi vào làn đường BRT. Tuy nhiên, cư dân mạng tố ngược lại rằng chính người chụp ảnh cũng đang di chuyển trên làn đường này. (Ảnh chụp màn hình)

Những câu chuyện nói trên chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội quá vội vàng quy kết, "bóc phốt" lái xe khác mà chưa có được góc nhìn chính xác nhất về sự việc hoặc chính mình còn chưa thực sự chuẩn chỉnh khi tham gia giao thông.

Chậm lại một chút để không bị "việt vị"

Theo các chuyên gia tâm lý, việc sẵn sàng đưa những hình ảnh, câu chuyện "ngoài đường" lên mạng xã hội xuất phát 1 phần từ mong muốn thích thể hiện quan điểm, góc nhìn bản thân và "cái tôi" trên môi trường cộng đồng mạng, đây là kiểu tâm lý thường thấy của con người nói chung và người sử dụng mạng xã hội nói riêng.

Nhìn theo hướng tích cực, đó là trách nhiệm trong phát hiện, phản biện và đấu tranh phê phán những thói xấu, tình trạng vi phạm pháp luật trong xã hội của người dân. Thế nhưng, nhiều người lại nâng tầm quan điểm một cách thái quá và hở ra là "bóc phốt" người khác, dù có những sự việc không đáng.

Tưởng chừng đăng bài để nhờ cộng đồng mạng tìm được thủ phạm tông rụng biển cửa hàng, chủ tus lại nhận được "mưa gạch đá" vì biển quảng cáo của cửa hàng có vẻ đã lắp thò ra ngoài đường trái phép. (Ảnh chụp màn hình)

Các chuyên gia cũng cho rằng, mạng xã hội chỉ là công cụ truyền tải thông tin, không phải là nơi có thể quy kết người khác, lại càng không phải chỗ dành cho những "luật sư online" phán xét đúng sai. Do đó, người dùng cần phải thực sự tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi đăng tải một thông tin, hình ảnh nào đó ảnh hưởng đến người khác cũng như chính bản thân mình.

Thậm chí, nếu đưa thông tin, hình ảnh không chính xác, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của những người trong cuộc, ngoài việc chính mình bị cộng đồng mạng "ném đá" ngược thì người đăng tải còn có thể bị xử lý nghiêm theo Luật An ninh mạng.

Cụ thể, Điều 8 Luật An ninh mạng đã quy định các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có các hành vi "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác...".

Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người đưa tin sai sự thật trên không gian mạng có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, ngoài việc người dùng mạng xã hội cần cân nhắc kỹ trước khi đưa một thông tin, hình ảnh gì đó lên mạng thì chính những người tiếp nhận thông tin cũng cần "sống chậm" lại để có cái nhìn và đánh giá khách quan, đa chiều hơn về sự việc. Đừng để bị "dắt mũi", hùa theo số đông để quy kết người khác trong khi bản thân chưa có được góc nhìn thực sự chính xác và đầy đủ nhất.

Theo Vietnamnet