Bác Hồ nhận xét về thơ

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:36, 25/06/2022

Hồi đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà thơ Huy Cận làm hai chức vụ: Bộ trưởng kiêm Thư ký của Hồ Chủ tịch. Ông ngày nào cũng làm việc với Bác.

Hồi đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà thơ Huy Cận làm hai chức vụ: Bộ trưởng kiêm Thư ký của Hồ Chủ tịch. Ông ngày nào cũng làm việc với Bác.

Có một lần, làm xong việc thì trời tối và lại có mưa. Bác bảo Huy Cận: “Hôm nay trời mưa, chú ngủ tại đây với Bác”. Đành phải thế. Nhưng hai Bác cháu chỉ có một cái giường. Huy Cận nằm ở mé ngoài. Ông vừa cảm động, vừa lo lắng, chỉ sợ làm mất giấc ngủ của Bác. Ông nằm sát mép ngoài. Bác bảo: “Chú nằm lui vào kẻo ngã!”. Huy Cận bèn lui vào một chút để Bác yên lòng. Sau này, Huy Cận kể lại: “Cái đêm hôm ấy, giấc ngủ của tôi như một giấc mơ”. Quả thực, cả đời ông chưa bao giờ dám mơ ước như vậy.

Hồi ấy, Huy Cận đang sáng tác. Và ông xuất bản tập thơ có nhan đề “Bài thơ cuộc đời”. Ông chọn một cuốn in đẹp đẽ kính biếu Bác. Cầm sách, Bác hỏi: "Thơ chú vừa cho in à?". Huy Cận thưa: "Thơ cháu vừa xuất bản, xin kính biếu Bác và mong Bác nhận xét cho!".

Hồi ấy, giấy còn ít, dùng phải tận dụng. Có bản tin Thông tấn xã Việt Nam thường in trang đầu có một mặt, mặt sau bỏ trắng. Bản tin được giữ biếu Bác và Bác đã dành ngay mặt trắng đó để viết “thư”. Huy Cận nhận được một bản Thông tấn xã như vậy. Mặt sau của trang giấy trắng, Bác tự tay viết: "Cảm ơn chú biếu Bác quyển thơ/ Bác xem quyển thơ suốt mấy giờ/ Muốn Bác phê bình?... Khó nói nhỉ!/ Bài hay xen lẫn với bài vừa!".

Lời nhận xét của Bác quả là đúng. Có ai trong đời này lại tự nhận mình viết hay, không có chỗ nào sai sót!

Còn đây là bài thơ có ý nói đến đời sống riêng tư của Bác, do Bộ trưởng Phan Anh - luật sư, cũng có tâm hồn thi sĩ sáng tác. Hôm ấy, vào dịp Tết năm 1950, Bác cùng Phan Anh đi dạo chơi qua đình Tân Trào. Chợt dừng lại, Bác hỏi: "Chú thấy gì lạ giữa phong cảnh này?".

Phan Anh nhìn quanh, thấy cây cối, đặc biệt có cây cau khá đẹp. Ông trả lời Bác: “Thưa Bác, có cây cau!”. Bác khen: “Khá lắm! Chú nhận xét rất tinh. Có cau mà Bác muốn ăn trầu có được không?”. Phan Anh thưa: “Thưa Bác, thiếu nhiều ạ!”. Bác trầm ngâm một phút rồi cười: "Bây giờ Bác làm bài thơ, làm một câu thôi. Rồi chú nối theo nhé! Câu của Bác như thế này: Có cau mà chẳng có trầu. Chú làm tiếp đi. Cho chú mười bước để suy nghĩ".

Rồi cả hai song song bước. Đi được bảy bước thì Phan Anh thưa: "Thưa Bác, câu nối đã xong nhưng đọc lên sợ Bác mắng chết". "Sao lại mắng?". "Vì… sợ nghĩ chạnh sang đời tư của Bác!". Bác cười độ lượng: "Không sao! Giờ này không nên nghĩ là Hồ Chủ tịch với Bộ trưởng Phan Anh, mà chỉ là hai nhà thơ đón xuân". "Dạ, thế thì cháu xin đọc: Có cau mà chẳng có trầu/ Lang quân về đó nàng đâu hỡi nàng!". Bác cười khen: "Chú Phan chơi thơ được đấy. Câu thơ mà chú đọc có ý chọc Bác nhưng nó là sự thực, có sao nói vậy. Châm chọc mà tế nhị như thơ của chú, Bác rất thích!".

NGUYỄN HỮU PHÁCH