Sự kiện nổi bật ngày 13.7
Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 22:30, 13/07/2022
TRONG NƯỚC
Ngày 13.7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ tư nhằm đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các đại biểu. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Ngày 13.7, tại thành phố Việt Trì, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ tư. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu chỉ đạo. Chủ tịch Quốc hội đánh giá sự chuẩn bị chu đáo nội dung các báo cáo của Hội đồng nhân dân tỉnh. Các báo cáo mang tính khách quan, phản biện cao, qua đấy cho thấy sự đổi mới, tìm tòi, cải tiến các hoạt động của HĐND tỉnh. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tỉnh, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường và tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương; sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, linh hoạt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Phú Thọ đã đoàn kết một lòng, sớm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, đạt được nhiều kết quả quan trọng và ấn tượng…Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Ngày 13.7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 5 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Vui (sinh năm 1983), Nguyễn Hoài Phú (sinh năm 1981), Lê Văn Nghĩa (sinh năm 1996), Trương Lan Phương (sinh năm 1988) và Nguyễn Minh Vương (sinh năm 1981) về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”. Các đối tượng trên đều nằm trong chuyên án ma túy do lực lượng Công an thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang vừa triệt phá. Trong ảnh: Tang vật bị lực lượng Công an thu giữ. Ảnh: TTXVN
Rạng sáng 13.7, một vụ cháy lớn xảy ra tại chợ Đọ Xá, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngay sau khi nhận được vụ việc, lượng Công an đã nhanh chóng đến hiện trường, tổ chức phương án chữa cháy, chống cháy lan, kịp thời khống chế, dập tắt đám cháy. Đám cháy đã thiêu rụi nhiều gian hàng với diện tích lên đến 1.500 m2. Hiện lực lượng chức năng đang tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, theo thống kê ban đầu của các hộ kinh doanh, ước tính thiệt hại hơn 33 tỷ đồng. Trong ảnh: Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN
QUỐC TẾ
Ngày 13.7, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Kết thúc Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị tuyên bố hai bên ký kết các văn bản hợp tác gồm: Hiệp định Hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc tài khóa 2020, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, Thỏa thuận hợp tác về Dự án Nghiên cứu so sánh môi trường địa chất và tai biến địa chất biển khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang. Trong ảnh: Toàn cảnh phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Đức thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), đoàn công tác Bộ Tài chính do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính (BMF), Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển (BMZ), Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu (BMWK), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và GIZ từ ngày 9-13/7. Chuyến công tác nhằm trao đổi kinh nghiệm về quản lý tài chính công hướng tới tăng trưởng xanh; thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực tài chính giữa Bộ Tài chính với các cơ quan hữu quan CHLB Đức về tài chính xanh hướng tới tăng trưởng xanh; ổn định và phát triển thị trường tài chính và thị trường chứng khoán; đẩy nhanh việc nâng hạng và đạt được chuẩn nâng hạng thị trường theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đã được Chính phủ phê duyệt; huy động vốn ODA hỗ trợ đổi mới quản lý tài chính công tại Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thuế và hải quan giữa hai nước. Trong ảnh: Đoàn công tác làm việc với Bộ Tài chính Liên bang Đức. Ảnh: Mạnh Hùng – TTXVN
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin Chính phủ Sri Lanka xác nhận Tổng thống nước này Gotabaya Rajapaksa đã rời đất nước rạng sáng 13/7 theo giờ địa phương, chỉ vài giờ trước khi ông chính thức thông báo quyết định từ chức theo dự kiến. Theo đó, ông Rajapaksa cùng vợ và hai vệ sĩ đã lên một máy bay của Không quân Sri Lanka để đến Male, thủ đô của đảo quốc Maldives. Trước đó, Tổng thống Rajapaksa dự kiến sẽ từ chức trong ngày 13/7, sau khi hàng nghìn người biểu tình xông vào Phủ Tổng thống và tư dinh Thủ tướng trong ngày 9/7, yêu cầu hai nhà lãnh đạo này từ chức vì đã để đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỉ qua. Trong ảnh (tư liệu): Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa (phải, phía trước) bên những người ủng hộ tại một sự kiện ở thủ đô Colombo, ngày 28/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tối 12.7 (giờ địa phương), Nghị sĩ Graham Brady - Chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ, đã công bố danh sách 8 ứng cử viên đủ điều kiện tham gia tranh cử cho vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền. Danh sách theo thứ tự chữ cái gồm cựu Bộ trưởng Bình đẳng Kemi Badenoch; Tổng chưởng lý Suella Braverman; Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc Y tế và Xã hội của Quốc hội Jeremy Hunt; Quốc vụ khanh Chính sách thương mại Bộ thương mại Penny Mordaunt; cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak; Ngoại trưởng Liz Truss; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tom Tugendhat; và Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi. Trong ảnh: Chân dung 8 ứng cử viên tham gia tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đức Joerg Kukies ngày 13/7 cho biết nước này sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động mua than đá của Nga vào ngày 1/8 tới và ngừng mua dầu mỏ vào ngày 31/12 tới, đánh dấu sự thay đổi lớn trong nguồn cung năng lượng của Đức. Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Sydney, do Chính phủ Australia và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đồng tổ chức, ông Kukies cho biết thách thức quan trọng phía trước sẽ là lấp đầy khoảng trống lớn khi Liên minh châu Âu (EU) từ bỏ 158 tỷ m3 khí đốt/năm mà Nga cung cấp. Nga vốn cung cấp 40% than đá và 40% dầu mỏ cho Đức. Trong ảnh: Hoạt động khai thác than đá tại mỏ lộ thiên Chernigovsky ở thị trấn Beryozovsky, vùng Kemerovo thuộc Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Một số thành phố tại Trung Quốc đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong ngày 12/7 trong khi các nhà dự báo cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ kéo dài trong vài ngày tới. Ngày 13/7, Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết nhiệt độ tại thành phố Vô Tích, thuộc tỉnh Giang Tô, có nơi tăng lên 41,3 độ C, mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay tại đây. Đặc biệt, các thành phố Lô Châu và Nghi Tân (thuộc tỉnh Tứ Xuyên), thành phố Chiêu Thông (thuộc tỉnh Vân Nam), Thiệu Hưng, Ninh Ba, Gia Hưng và Hồ Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang), Thường Châu và Vô Tích (thuộc tỉnh Giang Tô) hứng chịu nền nhiệt trong khoảng 40 - 42 độ C. Trong ảnh: Người dân di chuyển dưới trời nắng nóng tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN