"Cơn bão" thứ hai với nhà hàng ăn uống

Kinh tế - Ngày đăng : 09:16, 15/07/2022

Sau thời gian gián đoạn bởi dịch Covid-19, các cơ sở dịch vụ ăn uống trong tỉnh đang dần kinh doanh khởi sắc, nhưng niềm vui chưa được bao lâu lại phải gồng mình trước "bão" giá.

Sau dịch, nhà hàng Tuấn Rươi (TP Hải Dương) giữ chân được nhiều khách hàng do vừa bán tại chỗ, vừa bán online


Khi dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả, các cơ sở dịch vụ ăn uống trong tỉnh đã hoạt động ổn định trở lại. Nhưng "bão" dịch Covid-19 mới qua thì "bão" giá lại ập tới khiến các cơ sở này phải tìm cách gồng gánh.

Kinh doanh khởi sắc

Năm 2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài, hoạt động kinh doanh của nhiều nhà hàng, quán ăn bị gián đoạn. Từ đầu năm 2022, dịch Covid-19 đã được kiểm soát hiệu quả, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống từng bước phục hồi, hoạt động kinh doanh đã có nhiều khởi sắc. 

Nhà hàng Vịt cỏ số 1 Thanh Hà ở thị trấn Thanh Hà bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019, mở cửa chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 đã làm hoạt động kinh doanh bị xáo trộn. Vừa phải thuê mặt bằng trong khi hoạt động kinh doanh không ổn định nên nhà hàng bị thua lỗ.

"Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh doanh của chúng tôi dần phục hồi. Trung bình mỗi ngày chúng tôi phục vụ từ 10-15 bàn, tương đương khoảng 60-90 khách, số khách tăng lên vào các ngày cuối tuần", đại diện Nhà hàng Vịt cỏ số 1 Thanh Hà cho biết.

Năm 2021, có thời điểm nhà hàng Tuấn Rươi ở TP Hải Dương phải phong tỏa do có trường hợp khách hàng là bệnh nhân mắc Covid-19. Có lúc nhân viên phải đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà hàng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nhân viên. Trái ngược với thời điểm đó, hiện nay nhân viên của nhà hàng đã yên tâm làm việc, thu nhập ổn định hơn, không còn phập phù như trước.

Anh Vũ Văn Đoàn, quản lý nhà hàng Tuấn Rươi cho biết hiện nay số lượng khách tới nhà hàng đã tăng 50-60% so với hồi đầu năm. Cũng từ thời điểm dịch Covid-19, nhà hàng đã quan tâm hơn đến việc bán sản phẩm online. Hiện nay, nhà hàng đang miễn phí giao hàng với các đơn hàng từ 1 triệu đồng trở lên hoặc các đơn hàng trong nội thành TP Hải Dương, thu hút một lượng khách lớn. 

Theo Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 6 dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh đạt 325 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm, dịch vụ ăn uống đạt 1.682 tỷ đồng, tăng 14%. Với những yếu tố thuận lợi như dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch khôi phục, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân đang phục hồi mạnh mẽ.

Hiện giá cá hồi Na Uy đã tăng gấp 2 lần so với đầu năm 2022 nhưng Trung tâm Tổ chức sự kiện Âu Cơ không thể tăng giá món ăn theo mức tăng của thực phẩm nhằm giữ chân khách hàng


Mối lo mới

Việc giá xăng dầu liên tục lập đỉnh kéo theo nhiều loại hàng hóa tăng theo không chỉ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng mà còn tác động trực tiếp tới các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Nhiều chủ quán đau đầu giữa việc lựa chọn giảm lợi nhuận, tiếp tục gồng gánh các chi phí phát sinh để giữ chân khách hàng với việc điều chỉnh tăng giá.

Nhiều tháng nay, Trung tâm Tổ chức sự kiện Âu Cơ ở đường Nguyễn Hữu Cầu (TP Hải Dương) đã hoạt động ổn định trở lại. Số lượng sự kiện, khách hàng đặt bàn ăn tại chỗ đã tương đương với thời điểm chưa có dịch Covid-19. Bên cạnh niềm vui về sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh, lãnh đạo trung tâm này tỏ ra lo lắng khi giá các loại thực phẩm đầu vào liên tục tăng cao trong những tháng qua. Anh Nguyễn Tuấn Đức, Giám đốc Điều hành trung tâm chia sẻ, giá thực phẩm, nhiên liệu tăng liên tục trong nhiều tháng ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh của trung tâm. Nhiều loại thực phẩm tăng mạnh, cụ thể so với đầu năm 2022 giá các loại thủy sản, hải sản đã tăng từ 30 - 40%, nhiều thời điểm nguồn cung hải sản bị thiếu, thịt lợn, thịt bò, rau củ quả đều tăng từ 10 - 30%. Đặc biệt, giá một số loại thực phẩm nhập khẩu tăng đột biến như cá hồi Na Uy tăng gấp đôi, thịt bò Mỹ, Úc, rượu vang… đều tăng mạnh.

“Mặc dù nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng để duy trì lượng khách, bảo đảm hoạt động ổn định, giá bán các món ăn sau khi chế biến không thể tăng bằng với mức tăng của nguyên liệu. Một số món chỉ tăng giá từ 10 - 15%. Chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ khách”, anh Đức nói.

Nhiều chủ nhà hàng khác ở TP Hải Dương như Nam Việt, Hướng Dương… đều lo lắng khi giá thực phẩm tăng theo giá xăng dầu trong những tháng vừa qua. Đại diện chủ nhà hàng Nam Việt chia sẻ: “Để giữ khách, thời gian qua nhà hàng vẫn chưa tăng giá các món ăn. Tuy nhiên, với tình hình giá thực phẩm tăng như vừa qua, nhà hàng thu chỉ đủ bù chi, lợi nhuận không đáng kể. Trong thời gian tới, nếu giá thực phẩm tiếp tục tăng, nhà hàng buộc phải xem xét tăng giá một số món ăn để bảo đảm doanh thu”.

Nhiều nhà hàng, quán ăn có quy mô nhỏ hơn cũng đang loay hoay trong cơn "bão" giá. Giá nguyên liệu, lương thực, thực phẩm thiết lập mặt bằng giá mới đã khiến Nhà hàng Vịt cỏ số 1 Thanh Hà phải tăng giá các món ăn từ 10-15% so với trước. Năm ngoái, quán bia của chị Trần Thị Luyến ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) hầu như hoạt động cầm chừng vì dịch Covid-19. Hiện nay mỗi ngày quán phục vụ từ 50-100 khách. Dù gặp áp lực lớn khi giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng nhưng hiện tại chị Luyến chưa điều chỉnh tăng giá vì muốn giữ chân khách hàng. Dù vậy, khi kinh doanh vất vả mà không đem lại lợi nhuận tương ứng khiến chị Luyến rất trăn trở.

Với những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành kinh tế vĩ mô để giảm giá xăng dầu trong nước vừa qua, các chủ nhà hàng kỳ vọng khi giá xăng dầu đã hạ nhiệt thì giá hàng hóa, nhất là thực phẩm sẽ giảm xuống tương ứng để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

HUYỀN TRANG