Nắng nóng "tử thần" bao vây
Thế giới - Ngày đăng : 05:40, 20/07/2022
Báo The Guardian trích dẫn dự báo của Cơ quan thời tiết của Anh (Met) cho biết đêm 18 rạng sáng 19-7 là đêm nóng kỷ lục ở Anh, với nhiệt độ thấp nhất là 25 độ C, vượt qua kỷ lục cũ 23,9 độ C ở Brighton hồi tháng 8-1990. Trong khi đó, nhiệt độ cao nhất ban ngày hôm 19-7 (giờ địa phương) có thể đạt một kỷ lục khác là 41 độ C. AP cho hay hàng triệu người Anh đã phải ở yên trong nhà vào hôm 18-7 khi vùng thời tiết khô nóng đang thiêu đốt lục địa châu Âu di chuyển dần lên phương Bắc, làm xô lệch các tuyến đường sắt và khiến 2 sân bay phải đóng cửa.
Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng đang đối mặt với nắng nóng và cháy rừng khốc liệt. Chỉ riêng tại bán đảo Iberia (chủ yếu thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), hàng trăm trường hợp tử vong do nắng nóng đã được báo cáo, còn tại Tây Ban Nha là 784 người. Trong khi hạn hán tiếp tục kéo dài ở Ý thì kỷ lục nhiệt độ ở Pháp bị phá vỡ tại hàng chục thị trấn, trong đó ngày 18-7 là "đỉnh". Theo dự báo, nắng nóng ở khu vực Balkan sẽ tồi tệ nhất vào cuối tuần này, còn Bỉ và Đức cũng đang nín thở chờ nắng nóng ập đến trong tuần.
Cháy rừng khắp Nam Âu đã khiến người dân phải sơ tán hàng loạt, các vùng tranh giành máy bay chữa cháy và những người lính cứu hỏa phải vật lộn với ngọn lửa khốc liệt đang ngốn ngấu các thảm rừng khô vì hạn hán. Đầu hôm 18-7, chính quyền Slovenia cho biết nhân viên cứu hỏa tạm kiểm soát được một đám cháy. Croatia đã gửi một máy bay chữa cháy tới đó để giúp đỡ sau khi chuỗi cháy rừng dọc biển Adratic tàn phá nhiều ngày. Còn tại Bồ Đào Nha, hơn 600 nhân viên cứu hỏa phải chiến đấu với 4 đám cháy khổng lồ trong nhiều ngày qua. Theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) đang đàm phán với các nhà sản xuất để mua thêm 12 máy bay chữa cháy và 1 trực thăng chuyên dụng để đối phó với "bão lửa" Nam Âu.
Máy bay chữa cháy rải hóa chất dập lửa ở Bồ Đào Nha
Không chỉ châu Âu chìm trong cơn khủng hoảng nhiệt. Reuters trích dẫn dự báo của Cục Quản lý thiên văn Trung Quốc cho hay nước này đang bước vào những ngày nắng nóng thiêu đốt, dự kiến kéo dài từ ngày 16-7 đến 24-8. Khu vực phía Nam Trung Quốc như các tỉnh Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến sau ngày 20-7 sẽ có nhiệt độ dự kiến 39-42 độ C; đến cuối tuần mới tạm "mát", còn 37 độ C ở Hà Bắc, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quý Châu, Giang Tây.
Biến đổi khí hậu bị "điểm mặt" là nguyên nhân cho chuỗi thảm họa nhiệt nói trên. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói về 2 trường hợp tử vong trong đám cháy rừng tại nước này là "bị biến đổi khí hậu giết chết". UN News dẫn lời nhà khoa học Nikos Christidis tại Met cho hay khả năng vượt mốc 40 độ C ở Anh trong 1 năm đang tăng lên nhanh chóng, gấp 10 lần so với một thế giới không bị con người tàn phá, đồng thời xu hướng này sẽ tiếp diễn trong suốt thể kỷ hiện nay. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tuyên bố thảm họa nhiệt ở Anh "liên quan đến biến đổi khí hậu".
Trong thông điệp video gửi tới sự kiện khí hậu cấp cao ở Đức hôm 18-7, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm". Ông cũng kêu gọi các quốc gia tự nhận trách nhiệm, xây dựng lại lòng tin và xích lại gần nhau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Châu Âu căng thẳng Các chính trị gia trung tả ở châu Âu, như Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, tin rằng tình trạng nắng nóng cực độ hiện nay liên quan đến biến đổi khí hậu và kêu gọi đẩy nhanh đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hướng đi này dường như đang trắc trở giữa lúc xung đột Nga - Ukraine làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu và làm giá điện tăng vọt khắp châu Âu, khiến một số nước càng phụ thuộc hơn nữa vào khí đốt và dầu mỏ Nga. "Nắng nóng kỷ lục khiến nhu cầu khí đốt dùng để sản xuất điện tăng khủng khiếp" - Công ty Công ích Enagas của Tây Ban Nha nhấn mạnh. Ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhấn mạnh hôm 18-7: "Vài tháng tới sẽ rất quan trọng. Nếu Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt trước khi châu Âu kịp tăng mức dự trữ lên 90%, tình hình sẽ rất căng thẳng". Mọi chú ý đang đổ dồn vào ngày 21.7 tới đây, thời hạn Nord Stream 1 (Dòng chảy Phương Bắc 1) - đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu - khơi thông lại sau 10 ngày bảo trì hằng năm theo kế hoạch. Tuy nhiên, mới đây Tập đoàn Khí đốt Gazprom của Nga đã gửi thư cho các khách hàng châu Âu, nói rằng họ không thể bảo đảm nguồn cung khí đốt vì những trường hợp "bất khả kháng" từ ngày 14-6 - theo lá thư đề ngày 14-7 mà Reuters xem được. Trước khi xung đột bùng phát, các nhà lãnh đạo châu Âu đã mở đường cho một tương lai năng lượng không phụ thuộc vào Nga dù biết rằng điều này phải trả giá bằng thiếu hụt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc Nga đột ngột cắt đứt nguồn khí đốt đẩy châu Âu vào nhiều rắc rối hơn dự tính. Bản thân Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhất trong đường lối xanh ở châu Âu, cũng phải mở lại các nhà máy than, nới lỏng quy định môi trường để xây các cảng tiếp nhận khí đốt... Và Đức không phải nước duy nhất đi ngược lại cam kết giảm phát thải ở châu Âu lúc này. Mặt khác, theo báo The Washington Post, giới chuyên gia cũng nhận thấy các chính phủ châu Âu đang mở rộng đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm tăng cường công suất điện mặt trời. Theo một nghiên cứu của 2 tổ chức Ember và Trung tâm Nghiên cứu không khí sạch, nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn, 63% lượng điện năng do Liên minh châu Âu sản xuất có thể đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. |
Theo Người Lao động