Cúm A xuất hiện trái mùa, làm thế nào để xác định đúng bệnh?

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:30, 23/07/2022

Cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường phát triển khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2 và A/H7N9 gây nên, có khả năng lây nhiễm cao và lây lan rất nhanh trong cộng đồng.

Tuy nhiên, việc xác định mắc cúm A cần phải làm xét nghiệm máu.

Thời tiết hiện nay thay đổi thất thường làm cho sức đề kháng của chúng ta suy giảm, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi và người có bệnh nền mãn tính như: tiểu đường, suy thận… hay phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc cúm rất cao.

Tại Hải Dương, lượng bệnh nhân mắc cúm đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gia tăng từ đầu tháng 6. Đặc biệt trong 2 tuần gần đây của tháng 7 số bệnh nhân tăng cao và nhóm đối tượng chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ngày 21.7, có tới 60 bệnh nhân mắc cúm đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Hải Dương.

Virus cúm A có thể dễ dàng lây lan từ người này sang người khác khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Khi người cúm ho hoặc hắt xì, các dịch tiết sẽ bắn ra và bám trên bề mặt đồ vật hoặc vô tình lây bệnh khi dùng chung ly nước, đồ dùng với người mắc cúm A.

Khi phát bệnh cúm A rất dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh cúm thông thường, Covid-19, sốt xuất huyết... Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi có biểu hiện sốt cao, kéo dài cần khám bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác bệnh.

Triệu chứng khi mắc cúm A là đau họng, sổ mũi, hắt hơi. Ngoài ra, một số dấu hiệu xuất hiện sau gồm: sốt vừa đến cao (sốt trên 38 độ C); đau nhức khắp cơ thể, người yếu ớt không có sức lực; đau đầu, chóng mặt; cảm giác ớn lạnh...

Trẻ em khi mắc bệnh thường sốt cao (39 độ trở lên), sốt li bì, mệt mỏi, bỏ ăn. Nặng hơn có thể dẫn đến co giật, khó thở, thở nhanh, nếu xuất hiện triệu chứng này hãy đưa trẻ tới trung tâm y tế hoặc bệnh viện ngay để chữa trị. Bệnh nhân cúm nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây suy hô hấp dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản…

Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine cúm mùa hằng năm, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai.

Tập thể dục thường xuyên, nâng cao thể trạng. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các vitamin và khoáng chất phù hợp lứa tuổi. Giữ gìn vệ sinh cá nhân trước khi đi từ ngoài về nhà, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Không dùng chung đồ dùng hay tiếp xúc gần với người bệnh nhiễm cúm. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, vườn hay không gian vui chơi nơi trẻ em tiếp xúc hằng ngày.

Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

NGỌC THANH (tổng hợp)