Phim Việt tụt dốc nửa đầu 2022
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 14:25, 24/07/2022
Chuyện ma gần nhà là một trong những dự án phim Việt có cách truyền thông gây ồn ào nửa đầu năm 2022
“Đầu không xuôi đuôi không lọt”, câu nói này hoàn toàn đúng với thị trường phim Việt nửa đầu năm nay.
Sau mùa Tết thất bát, các dự án điện ảnh ra mắt đều “leo thang” khá vất vả tại phòng vé. Phần lớn chọn kịch bản cũ kỹ, nội dung quen thuộc hoặc sao chép các tác phẩm khác.
Có phim đạt chất lượng tốt nhưng bị phớt lờ. Có phim chất lượng chưa tốt nhưng được PR quá đà dẫn đến sự quay lưng của khán giả, thậm chí thua lỗ nặng nề.
Kết quả không như quảng cáo
Những năm gần đây, các nhà sản xuất Việt ngày càng nhanh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý khán giả. Mỗi dự án khi phát hành đều có những yếu tố nhất định để phục vụ việc quảng bá.
Điển hình, Chuyện ma gần nhà (đạo diễn Trần Hữu Tấn) hẳn sẽ còn được nhắc đến trong thời gian dài như một bài học về marketing.
Được giới thiệu là “phim kinh dị nặng đô nhất điện ảnh Việt”, tác phẩm lại có nội dung thiếu sáng tạo và chất lượng ở mức trung bình. Các chiêu trò hù dọa cũ kỹ, kỹ thuật jump scare lạm dụng khiến phim mất điểm, khó có thể gọi là “nặng đô” chứ chưa bàn đến vị trí số một.
Theo số liệu của Box Office Vietnam, dự án vẫn thắng lớn tại phòng vé với hơn 58 tỷ đồng.
Đổi lại, ê-kíp chịu nhiều tai tiếng và nhận sự quay lưng từ phía khán giả. Thậm chí có người còn tuyên bố không xem bất kỳ phim nào đến từ bộ đôi đạo diễn – nhà sản xuất.
Tương tự, Người lắng nghe (đạo diễn Khoa Nguyễn) cũng ra mắt với những lời quảng cáo hấp dẫn, là phim Việt đầu tiên khai thác đề tài trị liệu tâm lý.
Ê-kíp còn mạnh tay hơn khi gắn cho tác phẩm cái mác “đoạt 12 giải thưởng ở các liên hoan quốc tế”.
Nếu Việt Nam có Giải Mâm xôi vàng, chắc chắn Người lắng nghe sẽ được đề cử, hoặc ít nhất cũng thắng một giải.
Suốt thời lượng 119 phút, phim khiến người xem đi từ cảm giác chán nản đến mệt mỏi vì phần kịch bản rối rắm, cách xử lý câu chuyện còn non tay của đạo diễn.
Nhưng chắc chắn hai cái tên nói trên đều phải chào thua 578: Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng).
Được hứa hẹn là “bom tấn” hành động với sự tham gia của ê-kíp nước ngoài, tác phẩm đạt chất lượng kém hơn cả phim hạng B (các dự án có kinh phí thấp, đạo diễn và diễn viên mới vào nghề, ít tên tuổi hoặc đã qua thời).
Kịch bản phim ngớ ngẩn một cách khó hiểu khi bắt nhân vật chính phải đối diện với kẻ thù này đến kẻ thù khác, chỉ để khoe những màn hành động, đánh đấm vô nghĩa.
Một số ê-kíp khác chọn con đường an toàn hơn, không thổi phồng nội dung mà tập trung vào ngôi sao. Thế nhưng, nước cờ cũ này chưa chắc mang lại hiệu quả cho phim.
Bộ ba Lan Ngọc – Diễm My – Nhã Phương không giúp 1990 (đạo diễn Nhất Trung) tốt hơn, thậm chí để lộ khuyết điểm diễn xuất.
Tương tự, Bẫy ngọt ngào (đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư) có dàn sao - Minh Hằng, Quốc Trường, Bảo Anh - nhưng chất lượng cũng chưa thể gọi là xuất sắc.
Kinh phí đi ngược chất lượng
Sau nhiều lần hoãn chiếu, cuối cùng Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) - dự án phim kể về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – cũng ra mắt vào tháng 6.
Với kinh phí xấp xỉ 50 tỷ đồng, dễ xếp tác phẩm vào hàng “bom tấn” điện ảnh Việt. Nhưng nếu tạm bỏ qua những lùm xùm, chất lượng phim là một dấu chấm than.
Từ kịch bản gốc, các nhà sản xuất “đẻ” ra hai phiên bản với thời lượng khác nhau, tên gọi khác nhau và nội dung được quảng cáo là khác nhau.
Thực tế, Trịnh Công Sơn chỉ là phiên bản rút gọn của Em và Trịnh. Nhưng ê-kíp lại không cắt đi những phần dở nhất, cũng không làm cho phim trở nên tốt hơn. Kết quả là bản 95 phút phải lặng lẽ rời rạp trong sự thờ ơ của khán giả.
Bản 136 phút trụ lại ở rạp cũng không khá hơn. Nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng về kịch bản, lối kể chuyện rối rắm của đạo diễn lẫn việc bóp méo hình ảnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Thậm chí, đến danh ca Khánh Ly cũng phải lên tiếng sau khi biên kịch “xào nấu” quá tay, thiếu tôn trọng nguyên tác.
Trước Em và Trịnh, có đến ba phim Việt đều có kinh phí cao là: 578: Phát đạn của kẻ điên (60 tỷ đồng), Kẻ thứ ba (33 tỷ đồng) và Maika – cô bé đến từ hành tinh khác (30 tỷ đồng).
Ngoại trừ Maika thuộc thể loại thiếu nhi, hai tác phẩm còn lại đều sở hữu nhiều yếu tố để hút khách lẫn khai thác truyền thông. Nhưng khi ra mắt, cả ba đều bị khán giả phớt lờ tại phòng vé.
578 gây thất vọng vì sự xuất hiện mờ nhạt của hoa hậu H'Hen Niê và lối kể ngô nghê của đạo diễn Lương Đình Dũng - người từng làm Cha cõng con (đại diện Việt Nam tranh giải Oscar 2018 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc).
Trong khi đó, tài tử Han Jae Suk không giúp Kẻ thứ ba (đạo diễn Park Hee Jun) trở nên tốt hơn.
Diễn xuất của Lý Nhã Kỳ như “con tàu Titanic” kéo cả bộ phim đi xuống. Chưa kể, kịch bản còn bị tố đạo nhái Demain (Tựa Việt: Ngày mai) – tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pháp Guillaume Musso.
So với hai dự án trên, Maika có chất lượng vượt trội nhờ bàn tay nhào nặn của đạo diễn Hàm Trần. Tác phẩm dù có nội dung không mới vẫn được khen về lối dàn dựng, cách dẫn dắt câu chuyện và màn hóa thân tự nhiên các diễn viên nhí.
Điểm trừ lớn nhất lại thuộc về phần kỹ xảo, nhiều chỗ trông không thật, hoàn toàn chưa tương xứng mức kinh phí 30 tỷ đồng.
Trên trang First Showing, tác giả Alex Billington đánh giá hiệu ứng VFX “tầm thường”, “thô” và là vấn đề của tác phẩm. Có khán giả trên IMDb còn chấm phim 3/10 sao, cho rằng kỹ xảo được làm khá “xấu” và “lỗi thời”.
Theo Box Office Vietnam, Maika chỉ thu hơn 6 tỷ đồng. 578 đạt 3,5 tỷ đồng. Còn Kẻ thứ ba lỗ nặng nhất, thu chưa đầy 1 tỷ đồng.
Vất vả leo “trăm tỷ”
Năm 2019, có 5 phim Việt chạm hoặc vượt mốc 100 tỷ đồng lần lượt là Trạng Quỳnh (100 tỷ đồng), Lật mặt: Nhà có khách (117,5 tỷ đồng), Mắt biếc (180 tỷ), Cua lại vợ bầu (191,8 tỷ đồng) và Hai Phượng (200 tỷ đồng). Tất cả đều lọt vào danh sách phim Việt ăn khách nhất mọi thời.
Trong hai năm tiếp theo, số phim đạt thành tích ít hơn (2) nhưng doanh thu đều khả quan. Đứng đầu năm 2020 là Tiệc trăng máu (175 tỷ đồng) còn 2021 là Bố già (420 tỷ đồng).
Nửa đầu năm nay, hàng loạt phim Việt khao khát cán mốc “trăm tỷ đồng” nhưng công việc trở nên khó khăn hơn, ngay cả khi Covid-19 không còn nghiêm trọng.
Em và Trịnh là cái tên duy nhất mạnh dạn tuyên bố vượt qua doanh thu 100 tỷ đồng, nhưng số liệu của Box Office Vietnam lại thể hiện rất khác, chỉ hơn 97 tỷ đồng.
Xếp sau dự án phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một vài cái tên như Bẫy ngọt ngào (83 tỷ đồng), Chìa khóa trăm tỷ (65 tỷ đồng), Chuyện ma gần nhà (58 tỷ đồng)…
Khó thể đổ lỗi cho hoàn cảnh vì phim ngoại đang hồi sức tích cực sau những ảnh hưởng từ đại dịch. Loạt bom tấn của Hollywood đều đã và đang kiếm tiền tốt, nhất là trong mùa hè.
Thành tích của Top Gun: Maverick là minh chứng. Tác phẩm đạt hơn 1,2 tỷ USD so với kinh phí 170 triệu USD, trở thành cái tên ăn khách nhất trong năm, cũng là phim có doanh thu cao nhất trong sự nghiệp Tom Cruise.
Giữa thời điểm mùa phim hè ngày càng trở nên sôi động, có một phim Việt ra rạp trong tháng 7 nhưng gần như không tạo được chú ý.
Mọi người chủ yếu bàn tán về độ hài của phần phim Thần Sấm mới, sự trở lại của những chú Minions hay màn tái xuất của Thang Duy trong Decision To Leave.
Kết quả thị trường nửa đầu năm 2022 là tín hiệu cho thấy các nhà sản xuất nên tập trung vào chất lượng phim, thay vì đầu tư những lời quảng cáo “có cánh” nhưng không đúng sự thật.
Trước sự đổ bộ của các bom tấn ngoại, phim Việt hoàn toàn mất hút nhưng khán giả cũng không quan ngại vì có quá nhiều sự lựa chọn từ quốc tế.
Nửa cuối năm, thị trường nội địa có lẽ sẽ còn chán chường hơn khi không có nhiều cái tên nổi bật như đầu năm.
Theo Zing