Mong bình an sau có điểm thi tốt nghiệp THPT

Góc nhìn - Ngày đăng : 17:25, 24/07/2022

Từ 0 giờ ngày 24.7, học sinh biết điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Nhiều phụ huynh vui mừng khoe con đạt điểm cao, đỗ các trường đại học trên mạng xã hội Zalo, Facebook.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022

Nhưng cũng có nhiều gia đình, học sinh khá buồn, thất vọng vì điểm thấp, có thể không đủ điểm đỗ vào trường đại học theo nguyện vọng của mình. Có phụ huynh còn hốt hoảng gặp bác sĩ tâm lý nhờ tư vấn.

Chị họ tôi sáng sớm đã gọi điện nhờ chồng tôi xin số điện thoại của một bác sĩ tâm lý ở Hà Nội. Chị kể từ hôm thi xong các môn tốt nghiệp THPT về nhà, xem lại các đáp án, biết mình sai nhiều câu, có thể bị điểm kém con trai chị rất buồn. Suốt ngày cháu nằm lỳ trong phòng và dằn vặt bản thân, không nói chuyện, không tiếp xúc với ai kể cả những người thân trong nhà. Khi biết điểm thi, cháu như người vô hồn, không ăn uống gì. Cả nhà lo lắng, sợ cháu nghĩ quẩn nên thay phiên nhau vào phòng trò chuyện, an ủi…

Quả thật, nhiều năm trở lại đây, sau mỗi kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng… nhiều học sinh rơi vào tình trạng sốc tâm lý hoặc trầm cảm, thậm chí có em tự tử vì thi trượt, không chịu được sức ép mà quên thân trước thời điểm công bố điểm thi... Bộ Y tế đã thống kê tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở thanh niên, chỉ xếp sau tai nạn giao thông. Năm nay, sau mấy tiếng biết điểm thi tốt nghiệp THPT, một số nhóm trên mạng xã hội lại thông tin có học sinh tự tìm tới cái chết như một sự giải thoát cho chính bản thân mình. Tôi giật mình, bàng hoàng, đau xót.

Việc học sinh có những ý nghĩ dại dột, thậm chí tự tử khi biết mình thi không tốt cho thấy sự chuẩn bị tâm lý cho các em vào kỳ thi chỉ có một chiều là "phải chiến thắng" dẫn đến áp lực quá lớn. Áp lực này có thể xuất phát từ bản thân các em, nhưng rất nhiều trường hợp lại đến từ chính những bậc phụ huynh.

Tôi biết một phụ huynh vì khát vọng cho con học trường đại học danh tiếng đã cố tình đánh giá sai năng lực của con mình. Mặc dù được giáo viên tư vấn nên cho con xét tuyển vào những trường đại học tầm trung nhưng chị vẫn cố tình "trèo cao". Kết quả với điểm thi thấp, con chị chắc chắn không những không đỗ vào trường đại học danh tiếng mà đến một số trường đại học tầm trung có thể cũng chẳng đỗ. Kỳ vọng quá lớn khiến chị thất vọng càng nhiều, còn con chị thì từ lâu đã tự ti, nhút nhát, không thích chơi với bạn mà luôn lầm lũi một mình.

Trở lại trường hợp chị họ tôi, con trai chị và nhiều bạn có mục tiêu phấn đấu rất ngắn hạn, song khát vọng sống và đích sống của cả cuộc đời lại không có. Ngoài mục tiêu làm cha mẹ, người thân vui lòng, hãnh diện, cháu có quá ít những mối quan tâm, hướng phấn đấu. Khi những gì mà bản thân, gia đình mong muốn không đạt được, cháu cảm thấy như cuộc đời của mình hoàn toàn không có mục tiêu gì khác để sống. Nếu gia đình không cảm thông, chia sẻ mà chửi rủa, đay nghiến, có thể chuyện đau lòng sẽ xảy ra.

Hiện nay, kỹ năng sống của nhiều học sinh còn thiếu, nhất là kỹ năng đối đầu với sự thất bại, chấp nhận thất bại hay tự giải tỏa căng thẳng trong tâm lý. Sự yêu thương, thấu hiểu cùng với lối ứng xử hợp lý của cha mẹ là cách quan trọng để các em lấy lại tinh thần sau mỗi lần thất bại. Phụ huynh không nên chì chiết, trách móc, so sánh hay tỏ thái độ thất vọng, buồn rầu đối với con. Cũng đừng vui mừng quá khi con đạt điểm cao mà khiến các em ngộ nhận. Cuộc sống sau THPT của các em mới chỉ bắt đầu. Các em cần được bình yên trong tâm hồn.

Có rất nhiều con đường để đi đến thành công!

BẢO LINH