Khó xã hội hóa thể thao
Trong tỉnh - Ngày đăng : 15:00, 04/08/2022
Các vận động viên môn bắn súng cần nguồn kinh phí lớn để tập luyện, thi đấu song hiện gặp rất nhiều khó khăn
Ở các địa phương, khi tổ chức sự kiện thể thao đều nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. Tuy vậy, đối với thể thao chuyên nghiệp, việc xã hội hóa rất ít và diễn ra lẻ tẻ.
"Đếm trên đầu ngón tay"
Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương hiện có hơn 500 vận động viên các tuyến thuộc 25 đội tuyển của 19 bộ môn. Trong số này chỉ có rất ít đội tuyển nhận được tài trợ như: bóng đá, bóng bàn, bắn cung, pencak silat... Các môn còn lại chỉ sử dụng ngân sách để duy trì hoạt động tập luyện, thi đấu hoặc chưa từng nhận được tài trợ. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho các vận động viên, ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện ăn ở, tập luyện và khi đi thi đấu.
Niềm vui nhất của đội tuyển pencak silat thời gian qua là nhận được tài trợ của Công ty TNHH BABEENI-Việt Nam. Theo bà Dương Thị Phương Hiền, Tổng Giám đốc công ty, trước đây doanh nghiệp cũng từng tài trợ cho đội tuyển bắn cung, còn năm nay đã trao tặng bộ dụng cụ trị giá 120 triệu đồng và tài trợ 132 triệu đồng/năm cho các vận động viên đội tuyển pencak silat Hải Dương. "Trong khả năng của mình, doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm đối với thể thao Hải Dương để ít nhiều giảm bớt khó khăn cho các vận động viên và mong muốn họ đạt được thành tích cao", bà Dương Thị Phương Hiền nói trong buổi tài trợ đội tuyển pencak silat Hải Dương ngày 16.7 vừa qua.
Huấn luyện viên đội tuyển pencak silat Vũ Thế Hoàng cho biết sự ủng hộ của Công ty TNHH BABEENI-Việt Nam là rất đáng quý trong bối cảnh đội tuyển còn thiếu thốn về trang thiết bị luyện tập và đời sống của 21 vận động viên còn nhiều khó khăn, nhiều người không có lương, chỉ có tiền ăn, trong khi Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX đang đến gần. "Nhìn sang các đội tuyển khác sẽ thấy sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, điều kiện luyện tập nên rất cần sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để san sẻ gánh nặng cho ngân sách. Khi có điều kiện thuận lợi, các vận động viên sẽ chuyên tâm hơn cho luyện tập, thi đấu để có thể giành thành tích cao", anh Vũ Thế Hoàng nói.
Hiện nay, đội tuyển bóng bàn được Công ty TNHH Long Hải tài trợ 700 triệu đồng/năm. Đây là mức tài trợ "khủng" nhất cho một môn thể thao của Hải Dương từ trước đến nay. Ngoài ra, khi các vận động viên giành thành tích cao ở các đấu trường quốc tế, trong nước cũng sẽ được công ty thưởng nóng. Do vậy, cuộc sống của các vận động viên của môn này tương đối bảo đảm. Còn các môn khác, dù được tài trợ song cũng chỉ giúp bớt đi phần nào khó khăn cho vận động viên, huấn luyện viên.
Cần lắm những tấm lòng sẻ chia
Để bóng chuyền nữ Hải Dương trở lại thời kỳ đỉnh cao, đội tuyển rất cần được hỗ trợ về kinh phí
Một số môn thể thao đặc thù luôn thường xuyên phải dùng kinh phí lớn để bổ sung trang thiết bị, dụng cụ tập luyện như bắn súng, bắn cung, cử tạ, bóng chuyền. Trong đó, bắn súng và bắn cung cần kinh phí rất lớn. Do chỉ dùng ngân sách nên 2 đội tuyển này thường xuyên phải "giật gấu vá vai" khi luyện tập và thi đấu. Có vận động viên của môn bắn súng hiện phải dùng chai nhựa cho cát vào trong để thay súng luyện tập. Trong một giải thi đấu quốc gia, có vận động viên của Hải Dương súng bị lỗi do quá cũ nên phải mượn súng của đồng đội. Môn bắn cung cũng tương tự, vận động viên khi luyện tập đều phải giả định vì mũi tên có giá thành rất cao nên chỉ trước ngày đấu giải mới được bắn.
Một số ít chủ doanh nghiệp hiện cũng đã ủng hộ vận động viên bằng cách thưởng nóng khi có huy chương hoặc "trả lương" hằng tháng. Hiện nay, Công ty TNHH Khánh Hòa VN (Kim Thành) đều đặn ủng hộ một nữ vận động viên bóng bàn 5 triệu đồng/tháng. Tuy vậy những trường hợp này không có nhiều.
Huấn luyện viên Nguyễn Xuân Lúc của đội tuyển quần vợt Hải Dương kể đội tuyển thường xuyên phải sử dụng lại bóng ở các sân dùng để vận động viên luyện tập. Cước để căng vợt cũng phải tìm mua giá gốc để giảm chi phí. "Do khó khăn về kinh phí nên ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và thành tích của các vận động viên. Vì vậy sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đối với các đội tuyển thể thao là rất đáng trân trọng và mang lại hiệu quả rất rõ rệt", huấn luyện viên Nguyễn Xuân Lúc cho biết.
Trong những năm qua, ngân sách dành cho thể thao Hải Dương mỗi năm khoảng 60 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/2 kinh phí hoạt động của toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Đây là số kinh phí lớn khi ngân sách tỉnh vẫn còn khó khăn, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Dù còn nhiều thiếu thốn, song thể thao Hải Dương luôn đạt nhiều thành tựu, đóng góp lớn vào thành tích của thể thao Việt Nam, gần đây nhất là tấm huy chương vàng ở bộ môn bóng bàn của tay vợt Nguyễn Đức Tuân tại SEA Games. Thể thao Hải Dương liên tiếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố, ngành mạnh của cả nước.
Chia sẻ khó khăn với các môn thể thao xuất phát từ sự tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, không ai bắt buộc được các đơn vị phải tài trợ thể thao. Thế nhưng, nếu nhận được sự quan tâm, chia sẻ, chắc chắn thể thao tỉnh nhà sẽ có những bước tiến lớn hơn nữa.
TIẾN HUY