Ngôi đình thờ 3 vị thành hoàng có công đánh giặc

Di tích - Ngày đăng : 08:50, 10/08/2022

Đình Vạn Tải là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tọa lạc tại trung tâm thôn Vạn Tải, xã Hồng Phong (Nam Sách). Đặc biệt, ngôi đình thờ 3 vị thành hoàng làng có công giúp vua đánh giặc ở hai triều đại khác nhau.


Đình Vạn Tải ngày nay

Đó là vị Đinh Văn Cung giúp vua Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) dẹp loạn 12 sứ quân ở thế kỷ X. Hai anh em họ Phổ là Vy Tả (Thuận), Uy Hữu (Tín) giúp vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Sự tích về vị Đinh Văn Cung

Bia thần tích tại đình Vạn Tải ghi lại rằng: Đinh Văn Cung là người ở động Hoa Lư. Cha mẹ ngài ăn ở hiền lành, chất phác nhưng muộn đường con cái. Khi đó gặp lúc giặc Chiêm Thành sang xâm lấn bờ cõi, người cha bèn đưa gia đình chạy đến trang Vạn Tải, huyện Thanh Lâm, lộ Hồng Châu tránh nạn. Trải mấy năm ròng đèn hương cầu khấn, it lâu sau bà có thai.

Đến giờ dần ngày mùng 10 tháng giêng năm Bính Thân bà sinh được một người con trai diện mạo khôi ngô, thân thể cao lớn, mặt mũi tươi tắn như ánh mặt trời, toàn thân khác hẳn với người thường. Cha mẹ nuôi ngài đến 3 tuổi đặt tên là Cung. Khi Cung 14 tuổi cha ngài qua đời.

Một năm sau, Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) khởi binh dẹp loạn 12 sứ quân tự lên ngôi hoàng đế. Vua sai Đại tướng Nguyễn Bặc tiến quân do thám tình hình loạn quân, khi đi qua trang Vạn Tải, đại tướng nghỉ lại một đêm. Nghe tin, Cung chiêu mộ dân trang được hơn trăm người theo làm gia thần đến bái yết đại tướng, sau đó từ biệt mẹ già lên đường theo tướng Nguyễn Bặc về kinh đô Hoa Lư.

Vua thấy ngài tài năng phi thường bèn sai theo tướng Nguyễn Bặc đem quân đi dẹp loạn 12 sứ quân, chỉ đánh một trận chiến mà quân giặc đại bại. Nhà vua lên ngôi hoàng đế lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở động Hoa Lư rồi mở đại tiệc, phong thưởng cho công thần quân sĩ, vua gia phong cho ngài chức quyền trưởng lĩnh bản phủ tả đạo binh nhung kiêm tán mưu sự Thái Bảo Tiền quân, ban cho hơn 300 cân bạc vàng, nhung lụa về quê (Vạn Tải trang). Ngài lạy tạ nhà vua rồi trở về quê hương. Đến ngày 21.11, ngài mặc áo mũ chỉnh tề nằm giữa chính tẩm trong hành cung rồi hoá.

Nhân dân lập tức dâng biểu lên nhà vua, vua sai đình thần đến hành cung làm lễ an táng tại bản trang, rồi lệnh ban đất dựng lăng miếu thờ cúng, phong là Bản Phủ Linh Thông Cung Mục Thượng Đẳng Phúc Thần Đại vương, cho phép trang Vạn Tải thờ cúng các ngày sinh hoá thần mãi mãi.

Hai vị thần Vy Tả, Uy Hữu 


Bia đá ghi thân thế, sự nghiệp của các vị thành hoàng

Theo thần tích và truyền thuyết kể lại: Hai anh em Vy Tả, Uy Hữu là con ông bà Phổ Xưa ở trang Vạn Tải, huyện Thanh Lâm. Hai anh em có khí chất hơn người.

Đến đời vua Trần Nhân Tông, giặc Nguyên là Ô Mã Nhi đến xâm lược nước ta. Vua liền cho tiến binh đến trang Vạn Tải. Thấy vậy, hai ngài xin được đi dẹp giặc. Hai ngài vâng lệnh vua tiến quân xuống Ai Lao, trước lấy thiện, đạo để khai dụ giặc Nguyên, sau ban cho các quan của chúng tiền vàng. Giặc Nguyên thỏa mãn nên quy phục, không dám trái lời.

Dẹp xong giặc, hai ngài được vua ban 4 chữ vàng: Tài Trúng Trạng Nguyên, thưởng 500 quan tiền xanh và 100 cân bạc. Hai ngài phụng ân xin trở về quê bái yết gia tiên, thưởng cho dân 300 quan tiền. Khi ấy hai ngài đang đi vãn cảnh, đến phía đông nam khu dân cư thì thấy một gò đất hình như mắt rồng. Hai ngài liền đứng lên đó rồi hóa vào ngày 12.8 năm Mậu Tý.

Nhân dân dâng biểu tấu lên nhà vua, vua nhớ tới công lao trung nghĩa nên lệnh cho đình thần đến hành cung làm lễ và ban cho nhân dân 300 quan tiền tu sửa miếu sở để hương hỏa phụng thờ. Hai ngài được vua phong cho mĩ tự: Vị Thuận là “hướng thiện cư sĩ đại vương”, vị Tín là: “hướng đạo cư sĩ đại vương”. Từ đó hai ngài được vua coi là thành hoàng làng Vạn Tải và được nhân dân phụng thờ cho đến ngày nay.

Lễ hội đình Vạn Tải được tổ chức vào ngày 11 và 12.8 âm lịch hằng năm (kỷ niệm ngày hoá của 2 vị Thuận và Tín) và ngày 21.11 (kỷ niệm ngày mất của Đinh Văn Cung). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vài năm gần đây trong lễ hội không còn tổ chức rước sắc các thành hoàng mà chỉ duy trì tế lễ thành hoàng.

Ngôi đình trải bao thăng trầm

Đình Vạn Tải được xây dựng vào thời hậu Lê (đời vua Lê Cảnh Hưng) và được trùng tu vào thời Nguyễn. Các cụ cao tuổi trong làng kể lại, trước năm 1945 đình Vạn Tải là một trong những ngôi đình khang trang, to đẹp nhất vùng. Đình xưa có kiến trúc kiểu “tiền nhất, hậu đinh” gồm 5 gian đại bái, 7 gian trung đình và 1 gian hậu cung theo kiểu đao tàu déo góc, chất liệu gỗ lim. Mái lợp ngói mũi, ở giữa nóc được đắp nổi đề án “lưỡng long trầu nguyệt”, 2 đầu nóc là 2 con long mã, 4 góc đình đều có đao cuốn đầu rồng được chạm khắc theo điêu khắc thời Lê có giá trị nghệ thuật cao.

Khoảng những năm 1953-1954, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến trong toàn quốc, Huyện uỷ Nam Sách chỉ đạo nhân dân tháo dỡ chỉ để lại 1 gian hậu cung để chứa đồ thờ tự. Đến năm 1965, xã cho tháo nốt gian vọng cung để lấy vật liệu xây dựng trụ sở uỷ ban xã. Sau đó cơ quan lương thực huyện Nam Sách cho xây dựng 2 gian làm kho chứa vật tư và lương thực sơ tán để tránh bom phá hoại của giặc Mỹ.

Sau năm 1975 khi đất nước thống nhất, hai cơ quan nói trên đã trả lại đất đình cho xã quản lý, còn nhà kho bán lại cho người dân. Sau một thời gian, các cụ cao niên trong làng mua lại nhà kho làm đình để lấy nơi thờ cúng thành hoàng làng. Năm 1994, đình Vạn tải được tôn tạo gồm 1 gian theo kiểu chữ nhất dựa trên cơ sở nhà kho cũ của huyện.

Ông Nguyễn Quý Bình, thành viên Ban Quản lý di tích đình Vạn Tải cho biết sau khi di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2013, đình nhỏ hẹp lại bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cấp đầu tư cho xã 200 triệu đồng để tu bổ phần hậu cung trên nền đất đình cũ thời hậu Lê. Nhân dân, con em xa quê ủng hộ khoảng 800 triệu đồng xây dựng tiếp 5 gian đình ngoài và cung tiến các đồ thờ tự trong đình.

Trải qua 3 năm đầy khó khăn của dịch bệnh Covid-19, tháng 6.2022, ngôi đình mới được xây khang trang, to đẹp rộng 265 m2, kiến trúc theo kiểu “tiền nhất, hậu đinh” lối cổ truyền gồm 5 gian đại bái, 2 gian trung đình và 3 gian hậu cung bằng bê tông cốt thép giả gỗ, riêng dui ở gian hậu cung và bộ cửa bằng gỗ tứ thiết.

Ông Bình mong muốn đình được tu bổ hoàn thiện hơn, xây thêm các hạng mục công trình xung quanh như nhà sắp lễ, sân vườn, xây lại cổng tam quan, biển giới thiệu lịch sử di tích... để nơi đây ngày một đẹp hơn thu hút người dân địa phương, đặc biệt là các cháu học sinh đến tham quan, góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống quê hương. 

TÂM HÀ