Nhiều nơi thiếu công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 11:40, 27/08/2022

Hiện nhiều địa phương đang thiếu công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công việc, nhất là giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.


Anh Nguyễn Văn Thái, công chức tư pháp-hộ tịch xã Đồng Cẩm (Kim Thành) thường xuyên phải làm thêm giờ để giải quyết công việc

Theo Quyết định số 41/2020/QĐ-UBND ngày 21.7.2020, thì đơn vị hành chính cấp xã loại I và loại II được giao 2 công chức tư pháp-hộ tịch, đơn vị hành chính loại III được giao 3 người. 

Xã Đồng Cẩm (Kim Thành) được sáp nhập từ 2 xã cũ là Cẩm La và Đồng Gia. Xã là đơn vị hành chính loại II, theo quy định cần có 2 công chức tư pháp - hộ tịch song thực tế hiện nay chỉ có 1 người. Đã gần 6 giờ tối nhưng Bộ phận "một cửa" xã Đồng Cẩm vẫn sáng đèn. Anh Nguyễn Văn Thái, công chức tư pháp-hộ tịch xã Đồng Cẩm chưa được về vì đang bận nhập dữ liệu vào sổ khai sinh, khai tử cho đúng tiến độ. Là xã sáp nhập có hơn 11.700 nhân khẩu nên số hồ sơ, thủ tục giải quyết trong lĩnh vực tư pháp-hộ tịch và chứng thực cần giải quyết rất lớn. Việc nhiều nhưng thiếu người nên anh Thái thường xuyên phải đi sớm về muộn, làm thêm vào sáng thứ 7 hằng tuần.

“Với hàng chục đầu việc về hộ tịch, chứng thực, lại phụ trách thêm công tác tiếp dân nên nhiều lúc cũng vất vả khi lượng hồ sơ tập trung vào những giờ cao điểm. Tôi phải căng mình làm việc, xã cũng phải bố trí thêm cán bộ văn phòng hỗ trợ mới đáp ứng được yêu cầu”, anh Thái chia sẻ.

Tương tự, ngày 1.12.2019 sau khi hoàn thành sáp nhập xã Ninh Thành vào thì xã Tân Hương (Ninh Giang) trở thành đơn vị hành chính loại II. Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Hương (cũ) được điều động sang lĩnh vực tư pháp-hộ tịch nên cũng gặp nhiều khó khăn. Xã Tân Hương hiện có 13.750 nhân khẩu, người dân làm ăn buôn bán kinh doanh dịch vụ nhiều, nhu cầu chứng thực, hồ sơ rất lớn nhưng chỉ có 1 công chức tư pháp-hộ tịch. Do yêu cầu công việc nhiều, xã Tân Hương đã tăng cường thêm Bí thư Đoàn Thanh niên hỗ trợ công chức tư pháp-hộ tịch 6 giờ/ngày để số hóa hồ sơ lĩnh vực tư pháp, đăng ký tài khoản cho công dân.

Ông Đào Ngọc Tú, Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết xã hiện có 22 cán bộ, công chức, đang dôi dư 1 công chức văn hóa và 1 kế toán. Xã rất cần thêm 1 công chức tư pháp-hộ tịch để đáp ứng nhu cầu giải quyết hồ sơ, thực hiện thủ tục công trực tuyến cấp độ 3 và 4.

UBND xã Thanh Sơn (Thanh Hà) hiện phải bố trí Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã hỗ trợ công chức tư pháp-hộ tịch nhập dữ liệu, số hóa hồ sơ vì khối lượng công việc lớn. UBND xã Thanh Sơn đã đề nghị UBND huyện Thanh Hà bố trí, sắp xếp thêm 1 công chức hoặc 1 hợp đồng lĩnh vực tư pháp để đáp ứng nhu cầu giải quyết hồ sơ, thủ tục lĩnh vực trong lĩnh vực hộ tịch...

Tình trạng thiếu công chức tư pháp-hộ tịch không chỉ ở các xã đơn vị hành chính loại II nêu trên mà còn diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Đến ngày 30.4.2022, toàn tỉnh có 310 công chức tư pháp - hộ tịch của 235 xã, phường, thị trấn, thiếu 130 người so với biên chế được giao. Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 41 của UBND tỉnh, nhiều địa phương trong tỉnh còn khó khăn trong tổ chức, sắp xếp, luân chuyển công chức tư pháp-hộ tịch do đây là công việc đòi hỏi năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cao, áp lực công việc lớn nên khó thu hút. 

Thực tế này đã ảnh hưởng đến chất lượng triển khai công tác tư pháp ở cấp xã khi lực lượng mỏng. Áp lực công việc lớn khi giải quyết nhiều hồ sơ thủ tục sẽ khiến công chức khó bao quát được hết nhiệm vụ tư pháp, lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, phổ biến, giáo dục pháp luật hòa giải cơ sở, tiếp cận pháp luật, báo cáo, thống kê và tham mưu cho UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ khác về công tác tư pháp tại địa phương theo quy định.

THÀNH ĐẠT