Về Vạn Kiếp "Tháng tám giỗ cha"

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 05:45, 09/09/2022

“Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa thành”. Đến với Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc là ước vọng thiêng liêng của các thế hệ người dân đất Việt.

Nơi tìm về của những người con đất Việt

Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc không chỉ của riêng Hải Dương mà đã trở thành lễ hội chung của cả nước, là nơi tìm về của những người con đất Việt. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cho thấy tầm vóc, quy mô ngày càng được nâng cao. Về với Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc là về với ngày giỗ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn “Tháng tám giỗ cha”.


Tháng 8, đồng bào từ khắp nơi lại tìm về Kiếp Bạc để được sống trong không khí lễ hội mùa thu

Đền Kiếp Bạc là nơi thờ Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng toàn thể gia quyến. Đền tọa lạc giữa thung lũng núi Rồng, thuộc địa phận 2 làng Vạn Yên (tên nôm là Kiếp) và làng Dược Sơn (tên nôm là Bạc) nên có tên gọi là đền Kiếp Bạc, nay thuộc xã Hưng Đạo (Chí Linh). Đền được xây dựng trên nền tư dinh của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Những bức ảnh của người Pháp chụp từ máy bay hồi đầu thế kỷ XX cho thấy đền Kiếp Bạc đã được xây dựng khang trang, bề thế. Từ đó đến nay, ngôi đền thiêng tiếp tục được bồi đắp, xứng tầm với công đức của các bậc tiền nhân có công trạng giữ gìn non sông, gấm vóc. Mặt trước tam quan có hàng chữ lớn: "Giữ thiên vô cực", nghĩa là "Sự nghiệp sống mãi với đất trời". Dọc 2 bên cột có câu đối "Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/ Lục Đầu vô thủy bất thu thanh", dịch nghĩa: Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng/ Lục Đầu vang dậy tiếng quân reo.

Theo Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc Lê Duy Mạnh, về cảnh quan, Kiếp Bạc núi non trùng điệp, sông nước bao la, vừa là vị trí quân sự hiểm yếu, vừa mang cảnh sơn thủy hữu tình, rất phù hợp cho truyền thống trẩy hội bằng thuyền. Còn Côn Sơn mang dáng vẻ u tịch của chốn thiền lâm, phù hợp với đạo thiền và những con người từng trải sóng gió cuộc đời về đây di dưỡng tinh thần, lấy lại sự cân bằng cho cuộc sống.

Về kiến trúc, dù bị chiến tranh tàn phá, Kiếp Bạc vẫn giữ được một ngôi đền có kiến trúc thời Nguyễn khá đồng bộ với những pho tượng đồng quý báu. Côn Sơn còn dấu ấn của ngôi chùa cổ cùng hệ thống tượng Phật và bia ký có giá trị đặc biệt. Về khảo cổ học, Kiếp Bạc tiềm ẩn những di tích thời Đông Sơn, những dấu vết văn hóa của thiên niên kỷ thứ nhất, đặc biệt là những di tích kiến trúc độc đáo và hoành tráng, liên quan trực tiếp đến Trần Hưng Đạo. Tại khu vực này có những lò gốm cổ trong thái ấp của Quốc công - là nơi khởi nguồn dòng gốm sứ của những thế kỷ sau của xứ Đông. Côn Sơn đã khai quật được ngôi tháp đất nung tiêu biểu, nền móng tòa Cửu phẩm liên hoa thời Trần, ngói tráng men hoa nâu, dấu vết Thanh Hư động và kiến trúc ngôi chùa do Tổ Pháp Loa chủ trì dựng năm 1329.

Sục sôi Hào khí Đông A


Lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Ảnh tư liệu 

Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc là nơi hội tụ và kết tinh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đông xưa - Hải Dương nay.

Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, khu vực Vạn Kiếp/Kiếp Bạc có vị trí đặc biệt về giao thông cũng như quân sự. Ở đây có sông Lục Đầu, chảy qua phía tây khu di tích với chiều dài 10km, là hợp lưu của 6 dòng gồm: sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, chảy từ phía tây bắc về, đổ xuống 2 dòng hạ lưu là Kinh Thầy và Thái Bình ra biển. Đây là nguồn cung cấp nước, chuyển tải phù sa cho đồng ruộng, nguồn thuỷ sản tự nhiên vô cùng phong phú cho một vùng rộng lớn của đông bắc châu thổ Bắc Bộ. Về phương diện giao thông, có thể nói đây là những con đường lưu thông huyết mạch thời phong kiến, góp phần quan trọng về giao thương kinh tế, quân sự, kiến tạo nên những thành tựu văn hoá một thời.

Kiếp Bạc có núi Rồng hình tay ngai, bao bọc những thung lũng của sông Thương ăn sâu vào hẻm núi, có thể tập kết hàng nghìn chiến thuyền trước khi xung trận. Trên các đỉnh núi có thể quan sát một vùng sông nước làng mạc bao la, tạo thế chủ động cho quân sĩ khi tiến cũng như lui “tiền công hậu thủ”. Phía bắc là hệ thống núi rừng trùng điệp, nơi có thể giấu hàng vạn quân, lập căn cứ an toàn, phía nam có làng mạc trù phú, lắm của nhiều người, là nguồn cung cấp nhân tài vật lực to lớn cho chiến trận.

Vì thế, suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, Kiếp Bạc luôn là vị trí trọng yếu của một vùng chiến lược. Kiếp Bạc không chỉ là một vùng cảnh quan hùng vĩ, một vị trí có tầm chiến lược về quân sự, mà còn là một vùng sơn cước giàu có. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258), Trần Hưng Đạo đã đóng đại bản doanh và phủ đệ tại Vạn Kiếp. Đặc biệt, sau 3 lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên toàn thắng, Trần Hưng Đạo đã sống những năm tháng thanh bình tại Vạn Kiếp và mất tại đây ngày 20.8.1300. Do có công lao to lớn đối với dân tộc trong sự nghiệp giữ nước, nên ngay lúc sinh thời, Trần Hưng Đạo đã được lập đền thờ, gọi là Sinh Từ. Sau khi mất, ông được triều đình phong tặng “Thái sư thượng phụ Quốc công Tiết chế, Nhân võ Hưng Đạo Đại vương”. Vua Trần Thánh Tông tự soạn văn bia ca ngợi công đức của ông, dựng tại sinh từ.

Theo văn bia tại di tích, đền Kiếp Bạc được xây dựng sau khi Hưng Đạo Đại vương qua đời năm 1300, vị trí đền ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc, trên khu đất rộng khoảng 13.500 m2.

Trong Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm nay, màn hội quân thể hiện khí thế sục sôi của Hào khí Đông A xưa sẽ được tổ chức sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Nhân dân địa phương và du khách thập phương sẽ được sống trong không khí lễ hội với cờ xí rợp trời và thuyền bè từ các nơi tụ về, tái hiện khí thế sục sôi của quân và dân triều Trần năm xưa đánh tan đạo quân Nguyên Mông xâm lược, giữ vững bờ cõi giang sơn.

TIẾN HUY