Tứ Kỳ giảm nghèo từ gốc

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 13:19, 14/09/2022

Vượt lên những thách thức do đại dịch Covid-19, thời gian qua, các địa phương của huyện Tứ Kỳ luôn nỗ lực tìm nhiều giải pháp để giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.

Xã Hưng Đạo chú trọng đào tạo nghề truyền thống để người dân có việc làm tốt, nâng cao thu nhập

Thay đổi nhận thức

Trước đây, bà Nguyễn Thị H. ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) không có vốn làm ăn, sức khỏe lại yếu nên chấp nhận sống nghèo khó. Bà an phận nhận "danh hiệu" hộ nghèo để được hưởng trợ giúp của Nhà nước. Tuy nhiên, khi được các hội viên của Hội Phụ nữ xã hỗ trợ từ cây, con giống cho đến vốn sản xuất, bà H. đã thay đổi suy nghĩ. Bà H. cho biết: “Năm 2019, được vay vốn ủy thác lãi suất thấp, tôi nuôi bò sinh sản, nuôi vịt lấy trứng, nhờ đó mà thoát nghèo”.

Thay đổi nhận thức về giảm nghèo chính là gốc rễ để người dân vượt khó, vươn lên. Thời gian qua, huyện Tứ Kỳ đặc biệt chú trọng tuyên truyền về chính sách giảm nghèo cho người dân. Mỗi năm từ 2-3 lần, UBND huyện phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội truyền thông về chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội ở một số địa phương. Đài Phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã coi tuyên truyền về giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. Những tấm gương nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu; những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; kinh nghiệm hay trong làm ăn được phát thường xuyên trên đài truyền thanh xã để nhiều người học tập và khơi dậy khát vọng làm giàu của các hộ nghèo.

Ông Trần Văn Năm, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Đạo khẳng định "thay đổi suy nghĩ chính là gốc rễ để giảm nghèo thành công". Giảm nghèo không chỉ là ý chí của hệ thống chính trị mà phải trở thành suy nghĩ của các hộ dân. Người dân không có nghị lực phấn đấu vươn lên, ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì khó thoát nghèo. Ở Hưng Đạo hiện nay việc tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức, phấn đấu thoát nghèo được các thôn làm khá tốt. Nhiều hộ khó khăn nhờ đó cũng đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sẵn sàng tham gia vào các mô hình, chương trình giảm nghèo của địa phương.

Trao cơ hội

Khi người nghèo đã thay đổi nhận thức thì việc quan tâm xây dựng các mô hình sản xuất để họ áp dụng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống rất cần thiết. Việc tổ chức đào tạo nghề cũng chính là cách trao cơ hội giúp giảm nghèo bền vững. Thực hiện phương châm này, thời gian qua, huyện Tứ Kỳ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới ở nhiều địa phương có thế mạnh. Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ ở các xã An Thanh, Quang Trung, Cộng Lạc, Chí Minh bước đầu phát huy hiệu quả. Tứ Kỳ là một trong những địa phương đứng tốp đầu về diện tích canh tác theo hướng hữu cơ của tỉnh. Các mô hình chăn nuôi cũng được chú trọng. Đây là huyện có số lượng trang trại lớn đứng thứ 2 trong tỉnh…

Chính quyền các địa phương cùng một số tổ chức chính trị-xã hội của huyện Tứ Kỳ luôn quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để người nghèo được vay tín chấp làm ăn. Anh Trương Tiến Khoát ở thôn Mạc (xã Quảng Nghiệp) đã vươn lên thoát nghèo thành công nhờ nguồn vốn chính sách. Những năm trước, vợ anh đau yếu thường xuyên, các con đang tuổi ăn học. Bản thân anh là trụ cột gia đình nhưng thu nhập không ổn định. Nhờ Chi hội Nông dân đứng ra tín chấp vay vốn, anh mạnh dạn đầu tư chăn nuôi và làm thêm nghề thợ xây. "Cuộc sống của gia đình tôi nay đã khấm khá hơn và thoát nghèo. Tôi thấy nguồn vốn này giống như cần câu giúp tôi đầu tư làm ăn mà không phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, anh Khoát phấn khởi nói.  

6 tháng đầu năm nay, gần 700 hộ nghèo, cận nghèo của huyện Tứ Kỳ đã được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng. Một số gia đình có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm ăn khấm khá nên đã quyết tâm đăng ký thoát nghèo trong năm nay. Nhiều địa phương trong huyện sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát cũng đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… tổ chức các lớp đào tạo nghề cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp họ có cơ hội tìm việc làm tại một số doanh nghiệp trong và ngoài huyện.

Theo ông Phạm Văn Tốn, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tứ Kỳ, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo và cận nghèo như bảo hiểm y tế, tiền điện, học phí… thì xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh và đào tạo nghề mới phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chính là cách để huyện giảm nghèo bền vững. 6 tháng đầu năm nay, huyện Tứ Kỳ không phát sinh thêm hộ nghèo, hộ cận nghèo mới. Nhiều mô hình giảm nghèo phát huy hiệu quả giúp người dân thêm động lực vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xác định được những giải pháp giảm nghèo bền vững, huyện Tứ Kỳ sẽ thực hiện thành công chương trình giảm nghèo đã đề ra trong năm nay, hoàn thành mục tiêu đề ra là tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 1,3% vào cuối năm 2022.

HẢI MINH