Bỗng dưng sợ ánh sáng, bị bệnh gì?
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 15:19, 20/09/2022
Thông thường, mí mắt ta sẽ nheo, đồng tử co lại khi tiếp xúc với ánh sáng chói. Đó là phản ứng bình thường nhằm bảo vệ mắt khỏi luồng ánh sáng bất ngờ hoặc quá chói - Ảnh: FLEI
Chứng đau nửa đầu
Đau nửa đầu là nguyên nhân thần kinh phổ biến nhất của chứng sợ ánh sáng, 80-90% người bị chứng đau nửa đầu gặp phải triệu chứng này, thường xảy ra khi một dây thần kinh kết nối mắt với các bộ phận của não đang hoạt động trong cơn đau nửa đầu. Ánh sáng có thể kích hoạt các tế bào thần kinh này làm cơn đau trầm trọng hơn.
Khô mắt
Khô mắt xảy ra khi nước mắt bay hơi quá nhanh hoặc tuyến nước mắt không tiết đủ nước để giữ ẩm cho mắt.
Khoảng 75% những người bị khô mắt nhạy cảm với ánh sáng, 39% bị nhạy cảm ở mức độ trung bình hoặc nặng.
Cùng với chứng sợ ánh sáng, khô mắt có thể gây ra tình trạng nhức mỏi mắt hoặc mệt mỏi cơ, đau nhói hoặc bỏng rát ở mắt, chảy nhiều nước mắt.
Viêm màng bồ đào cấp tính
Chứng sợ ánh sáng cũng có thể là một triệu chứng của viêm màng bồ đào cấp tính.
Màng bồ đào là lớp giữa của mắt. Viêm màng bồ đào thường do nhiễm trùng hoặc chấn thương mắt gây nên. Các bệnh tự miễn như bệnh vảy nến, viêm khớp và bệnh đa xơ cứng cũng có thể gây ra viêm màng bồ đào vì các phản ứng tự miễn dịch đôi khi có thể dẫn đến viêm mắt.
Ngoài chứng sợ ánh sáng, viêm màng bồ đào cấp tính có thể làm bạn thấy đau mắt, đỏ mắt, mỏi mắt, xuất hiện đốm đen xung quanh mắt.
Chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não có thể gây ra chứng sợ ánh sáng đột ngột. Việc nhạy cảm với ánh sáng sẽ biến mất khi người bệnh bình phục, nhưng đôi khi sẽ trở thành một triệu chứng mãn tính.
Co thắt mí mắt
Đây là tình trạng bệnh thường gặp ở tuổi trung niên. Người bệnh liên tục chớp mắt, co giật mí mắt và nhạy cảm với ánh sáng.
Ánh sáng chói đặc biệt có khả năng gây nặng hơn tình trạng co thắt mắt.
Bệnh tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là một nhóm bệnh về mắt làm tổn thương dây thần kinh thị giác ở phía sau mắt. Người bị tăng nhãn áp thường rất khó chịu với ánh sáng chói. Trong một số trường hợp, nếu không được điều tiết ánh sáng có thể nhanh chóng dẫn đến tổn thương thị lực vĩnh viễn.
Các triệu chứng khác của bệnh tăng nhãn áp bao gồm: chảy nước mắt, đau mắt, mắt mờ, nhức đầu, buồn nôn.
Viêm kết mạc
Người bị viêm kết mạc mắt thường đỏ, có màng nhầy nằm bên trong mí mắt và bao phủ bề mặt mắt. Bệnh thường do nhiễm vi rút, vi khuẩn và dị ứng gây nên, có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt.
Viêm kết mạc có thể khiến người bệnh nhạy cảm với ánh sáng, cùng triệu chứng ngứa mắt, cảm giác nổi cộm ở mắt, tiết dịch nhiều, mờ mắt.
Đặc biệt, nhạy cảm với ánh sáng trong thời gian dài không dứt còn là dấu hiệu chớm của nhiều căn bệnh nặng. Chẳng hạn: động kinh, đục thủy tinh thể, đau cơ xơ hóa và các rối loạn đau chức năng khác, viêm màng não mô cầu, nhiễm trùng và dị tật giác mạc, hoặc tổn thương đường dẫn truyền thị lực trong não.
Một số loại thuốc có chứa các thành phần điều trị thần kinh, an thần cũng có thể làm tăng độ nhạy cảm với ánh sáng.
Trong những trường hợp bị nặng, cảm thấy mệt mỏi kéo dài, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo Tuổi trẻ