Quan tâm quy hoạch mạng lưới giáo dục
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 18:50, 12/10/2022
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng việc mở rộng mạng lưới trường học phải quan tâm đến quy hoạch phù hợp và làm mặt bằng sạch để đầu tư
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc. Các đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung liên quan đến sắp xếp mạng lưới trường học; chất lượng đội ngũ giáo viên; chương trình sách giáo khoa mới; xây dựng cổng trường an toàn; những bất cập trong sáp nhập trường học, mô hình trường liên cấp và việc điều chỉnh học phí.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị quan tâm quy hoạch cho giáo dục
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh hiện chưa được sắp xếp, quy hoạch hợp lý dẫn tới nhiều trường ở khu vực thành phố có số lượng học sinh mỗi lớp vượt quy mô số lớp theo quy định, cơ sở vật chất của nhiều trường hiện chưa đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều cơ sở giáo dục có quy mô số lớp, số học sinh tăng nhưng không được giao bổ sung người làm việc, tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở cấp tiểu học và bậc mầm non. Cơ cấu giáo viên hiện nay chưa hợp lý, nhiều môn học hiện thiếu giáo viên như giáo dục công dân, công nghệ (cấp THCS); âm nhạc, mỹ thuật (cấp THPT); tin học, tiếng Anh (cấp tiểu học). Do đó, một số đơn vị phải phân công giáo viên dạy chéo môn, không bảo đảm quy định.
Đồng chí Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị đẩy nhanh tiến độ đề án sáp nhập Trường Đại học Hải Dương và Trường Cao đẳng Hải Dương để chủ động nguồn cung giáo viên trong tỉnh
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng việc mở rộng mạng lưới trường học phải quan tâm đến quy hoạch phù hợp và làm mặt bằng sạch để đầu tư. Đồng chí đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để sớm giải quyết những vướng mắc trong ngành giáo dục hiện nay. Về những kiến nghị của sở với Trung ương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, nghiên cứu và chuyển tải đến Quốc hội.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 842 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (780 trường công lập, 62 trường tư thục). Mạng lưới các trường mầm non, tiểu học, THCS cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lương Văn Việt cho biết cơ sở vật chất của nhiều trường học hiện chưa đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trước những khó khăn hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Trung ương quan tâm ban hành chủ trương, chính sách đầu tư cơ sở vật chất trường học; nâng chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 cho phù hợp với thực tế và ban hành quy định về tuyển dụng, sử dụng giáo viên được đào tạo theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu quy định tại Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020. Sở cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản chính thức về việc điều chỉnh học phí, nhất là học phí năm học 2022-2023 và ban hành thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc tối thiểu tại các cơ sở giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 để địa phương có căn cứ pháp lý thực hiện sắp xếp, tuyển dụng giáo viên.
PHONG TUYẾT