Phương Tây tung đòn trừng phạt ngăn Iran chuyển UAV cho Nga
Thế giới - Ngày đăng : 15:33, 21/10/2022
Giới chức phương Tây cho rằng việc Nga tăng cường tập kích Ukraine bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát, được cho là do Iran sản xuất, sẽ đẩy chiến sự vào giai đoạn mới nguy hiểm hơn. Họ cũng cho rằng Iran có thể sớm cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo, nhằm bù đắp cho kho dự trữ đang thiếu hụt của Moskva.
Dù Iran và Nga nhiều lần bác bỏ các thông tin này, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang phối hợp tung ra loạt biện pháp trừng phạt để răn đe Tehran chuyển vũ khí cho Moskva. Các lệnh trừng phạt mới chủ yếu nhắm vào những cá nhân, tổ chức tham gia mạng lưới giúp Iran chế tạo, vận chuyển UAV cũng như tên lửa tới Nga.
Theo đó, bất cứ công ty vận tải, ngân hàng và doanh nghiệp nào bị phát hiện liên quan đến các lô vũ khí của Iran chuyển đến Nga đều có nguy cơ trở thành đối tượng bị trừng phạt.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 19.10 trừng phạt ba quan chức quốc phòng cao cấp và một hãng sản xuất UAV của Iran. Chính phủ Anh cùng ngày trừng phạt ba tướng Iran và một doanh nghiệp quốc phòng liên quan cáo buộc bán vũ khí cho Nga.
Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 9 trừng phạt một số công ty Iran mà họ cho có liên quan đến sản xuất UAV được chuyển cho Nga. Quốc hội Mỹ đang xem xét dự luật đưa các thực thể, cá nhân Iran liên quan vào danh sách khủng bố nếu công dân Mỹ thiệt mạng vì UAV Iran.
Phương Tây cho rằng Tehran chuyển giao UAV cho Moskva vi phạm điều khoản Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) mà Iran ký năm 2015 với nhóm P5+1, gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức. Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2018 dưới thời Donald Trump.
Giới chuyên gia nhận định phương Tây có thể lấy lý do Iran vi phạm JCPOA để tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm làm tê liệt nền kinh tế nước này. Họ cho rằng điều đó sẽ ngăn cản Iran chuyển giao vũ khí cho Nga trong tương lai.
"Nếu Iran tin rằng họ không phải đối mặt hình phạt thích đáng cho hành vi này, nhiều khả năng họ sẽ gia tăng số lượng và mức độ tinh vi của các hệ thống vũ khí xuất khẩu cho xung đột tại Ukraine", Norman Roule, cựu chuyên gia Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định.
Các lệnh trừng phạt Iran được công bố trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực tăng cường năng lực phòng không của Ukraine. Lầu Năm Góc thông báo sẽ gửi hai tổ hợp phòng không NASAMS cho Ukraine trong hai tháng tới. Hãng sản xuất NASAMS tuyên bố tổ hợp này "đối phó hiệu quả với tên lửa hành trình và UAV".
Chương trình UAV của Iran tiến bộ mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ qua, được cho là nhờ hoạt động tác chiến của các nhóm dân quân mà Iran hậu thuẫn tại Yemen, Syria và các nước Trung Đông khác.
UAV của Iran tương đối rẻ tiền, có thể chế tạo bằng linh kiện mua trực tuyến, cung cấp hỏa lực mạnh và độ chính xác tương đối cao.
Ngoài thu thập kinh nghiệm trên chiến trường, các kỹ sư Iran còn nghiên cứu UAV Mỹ bị bắn rơi hoặc ép hạ cánh để phát triển công nghệ nội địa. Iran cũng xây dựng chiến lược sản xuất trong nước nhằm ngăn các lệnh trừng phạt tác động đến chương trình UAV.
Khó khăn mà Mỹ và đồng minh phải đối mặt khi truy vết các lô UAV của Iran là loại khí tài này không cần những linh kiện tinh vi cần phải nhập khẩu như tên lửa đạn đạo. Iran gần đây cũng ít phụ thuộc vào đối tác cung cấp linh kiện nước ngoài hơn so với thời gian đầu của chương trình UAV.
Tuy nhiên, một số chuyên gia Mỹ cho rằng nhắm mục tiêu vào các mạng lưới mua bán phục vụ hoạt động sản xuất UAV "khó lòng làm gián đoạn dòng vũ khí sang Nga". Thay vào đó, họ thúc giục Mỹ và các đồng minh từ bỏ nỗ lực khôi phục thỏa thuận JCPOA để gây sức ép lên Iran.
Theo VnExpress