Sự kiện nổi bật ngày 21.10

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 22:11, 21/10/2022

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-22.10 là một trong những sự kiện nổi bật ngày 21.10
TRONG NƯỚC

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-22.10 Chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (1977-2022).Chiều 21.10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ đón và hội đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres. Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, nhiệm kỳ 2020 - 2021, được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.Cùng với đó, Tổng Thư ký LHQ sẽ cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam - Liên Hợp Quốc cùng một số hoạt động khác. Trong ảnh:Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN


Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều 21.10, Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán nhà nước, phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Trước đó,trong phiên họp buổi sáng, với 472/472 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Sỹ Thanh.Với 459/463 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Thể.Trong ảnh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu Tổng Kiểm toán nhà nước; phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng  Y tế và Bộ trưởng  Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Ngày 21.10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào Sanya Praseuth và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, hợp tác quốc tế, thông tin và truyền thông của Quốc hội Vương quốc Campuchia Sous Yara nhân dịp tham dự Hội nghị tham vấn giữa ba Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Campuchia Sous Yara và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào Sanya Praseuth tham dự Hội nghị tham vấn 3 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội 3 nước CLV tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc tăng cường quan hệ truyền thống tốt đẹp ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Là người bạn láng giềng thân thiết, Việt Nam vui mừng trước những thành tựu to lớn, toàn diện của Lào và Campuchia.Trong ảnh: Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Ngày 21.10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh năm 2022. Buổi diễn tập diễn ra theo tình huống sự cố giả định là 1 xe bán tải vận chuyển 1 nguồn phóng xạ qua địa bàn TP Huế thì va chạm mạnh với xe tải chạy ngược chiều làm lái xe và nhân viên áp tải bị ngất nên kẹt trong xe. Sau khi sự cố xảy ra, lực lượng công an, cảnh sát giao thông, lực lượng phòng cháy chữa cháy đến hiện trường khoanh vùng, bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông, cứu nạn nhân bị mắc kẹt trong xe bán tải vận chuyển nguồn phóng xạ, lực lượng y tế đến hiện trường, sơ cứu người bị thương. Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh đã khởi động kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, điều động các lực lượng tham gia và triển khai các hành động ứng phó cần thiết để xác định vị trí nguồn phóng xạ; đánh giá nhiễm bẩn phóng xạ và thu hồi nguồn phóng xạ, đảm bảo an toàn cho công chúng và môi trường. Trong ảnh: Lực lượng y tế đến hiện trường, sơ cứu người bị thương. Ảnh: Tường Vi - TTXVN


Ngày21.10, Công an tỉnh Lai Châu tổ chức biểu dương, khen thưởng Ban Chuyên án 1322C bắt một đối tượng và thu 30 bánh heroin trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Cụ thể, vào lúc 13 giờ 15 phút, ngày 19.10, tại khu vực Km 318, quốc lộ 4H thuộc địa phận bản Hua Pảng, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lai Châu chủ trì phối hợp với Công an huyện Nậm Nhùn và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Lai Châu phá thành công chuyên án 1322C, bắt quả tang đối tượng Giàng A Cá (dân tộc Mông, sinh năm 1985, hộ khẩu thường trú ở bản Nậm Vạc 1, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 30 bánh heroin (khối lượng hơn 10.530 gam), một xe máy và một điện thoại di động. Trong ảnh: Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu Đại tá Nguyễn Viết Giang (thứ hai, trái sang) thưởng nóng cho Ban chuyên án bắt giữ đối tượng mua bán trái phép 30 bánh heroin. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Ngày 21.10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành bắt và tạm giữ hình sự thêm 4 đối tượng về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và hành vi tàng trữ, mua bán trái phép công cụ hỗ trợ. Đây là 4 đối tượng trong đường dây Công an tỉnh đã triệt phá vào tháng 8.2022 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Các đối tượng bị tạm giữ gồm Vũ Thị Diệp (sinh năm 1990) trú tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, Đặng Quốc Ánh (sinh năm 1994), Đặng Quốc Huân (sinh năm 1995) và Đặng Văn Tỉnh (sinh năm 1997) cùng trú tại huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong ảnh: Tang vật thu giữ trong vụ án Ảnh: TTXVN

QUỐC TẾ


Ngày 21.10, Hội nghị thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) đã đạt được thỏa thuận về một lộ trình nhằm áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trước xu hướng giá năng lượng leo thang trong những tuần tới. Thỏa thuận trên đã được sau 11 giờ thảo luận về các đề xuất nhằm giảm chi phí năng lượng trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Thỏa thuận đã nêu bật tầm quan trọng của việc phải tiến hành phân tích chi phí và lợi ích khi áp giá trần về điện, cũng như đánh giá tác động bên ngoài châu Âu.Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (giữa) trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ, ngày 21.10. Ảnh: AFP/ TTXVN 


Ngày 20.10, các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ra tuyên bố chung sau cuộc gặp tại trụ sở Lầu Năm Góc, trong bảo đảm đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương, ba bên và đa phương, tăng cường an ninh trên Bán đảo Triều Tiên cũng như đảm bảo một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Cuộc gặp có sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), Tướng Kim Seung-kyum cùng người đồng cấp Mỹ Mark Milley và người đồng cấp Nhật Bản Koji Yamazaki. Trong ảnh: Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), Tướng Kim Seung-kyum (thứ 2, trái, hàng đầu) cùng người đồng cấp Mỹ Mark Milley (giữa, hàng đầu) và người đồng cấp Nhật Bản Koji Yamazaki (thứ 2, phải, hàng đầu) trong cuộc gặp tại Washington (Mỹ) ngày 20.10.2022. Ảnh: YONHAP/TTXVN


Ngày 20.10, Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ), bà Angela Lukin cho biết hãng này dự kiến sẽ tăng giá vaccine ngừa COVID-19 lên khoảng 110-130 USD mỗi liều (gấp 4 lần hiện nay), sau khi chương trình mua vaccine của Chính phủ Mỹ hết hạn. Hiện Chính phủ Mỹ đang cung cấp vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân nhưng phải trả khoảng 30 USD cho mỗi liều vaccine cho Pfizer và đối tác BioNTech của Đức. Bắt đầu từ năm 2023, thị trường vaccine sẽ được chuyển sang cho các hãng bảo hiểm tư nhân, nếu các quyết định về tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với dịch COVID-19 hết hạn. Trong ảnh: Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 20.10, Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) công bố dữ liệu cho thấy tiềm năng sản xuất cocaine ở Colombia cũng như diện tích trồng coca - thành phần chính của cocaine - trong năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ kể từ khi UNODC bắt đầu giám sát dữ liệu. Theo báo cáo hàng năm của UNODC, lượng cocaine có thể được sản xuất ở Colombia đã tăng 14% lên 1.400 tấn và diện tích trồng coca tăng 43% lên 204.000 ha. Trong ảnh (tư liệu): Cảnh sát trưng bày số cocaine thu giữ tại Bogota, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN