Bất cập khi sở không có thanh tra

Chính trị - Ngày đăng : 09:51, 26/10/2022

Theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy các sở không thể không có chức năng thanh tra.

 Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương


"Trước hết, tôi đánh giá cao Ban soạn thảo đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Tôi cơ bản đồng tình với nội dung giải trình tại Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định đối với Thanh tra sở được quy định tại khoản 2 điều 26 mục 5 chương II của dự thảo không thỏa đáng. Quy định này có thể xảy ra khả năng một số sở không có cơ quan thanh tra và rất bất cập ở 2 khía cạnh", đại biểu Hoàn nói.

Theo đại biểu Hoàn, thanh tra là một khâu không thể thiếu trong hoạt động quản lý nhà nước (QLNN). Là một trong những chức năng thiết yếu của cơ quan QLNN, thanh tra được xem là khâu cuối cùng trong chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả của QLNN. Trong quá trình thực hiện chức năng QLNN, các cơ quan nhất thiết phải tiến hành hoạt động thanh tra đối với việc thực hiện các quyết định mà mình đã ban hành. Qua thanh tra để phát hiện và tìm ra biện pháp khắc phục những sơ hở, yếu kém, đề xuất những biện pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn. Chính vì vậy, trong hoạt động QLNN phải có thanh tra và thanh tra phải phục vụ cho yêu cầu QLNN. 

Thực tế đã chứng minh, giống như thanh tra huyện, thanh tra sở đã có quá trình hình thành, phát triển và ổn định lâu dài, là công cụ quan trọng giúp hoạt động QLNN của các sở có hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính kịp thời trong việc đưa ra các biện pháp quản lý của chủ thể QLNN. Như vậy, lý luận và thực tiễn đều cho thấy các sở không thể không có chức năng thanh tra và bất kể sở nào cũng vậy, không phụ thuộc vào phạm vi rộng, hẹp, tính chất phức tạp hay nhạy cảm…

Hai là, khi một số sở không có cơ quan thanh tra, việc thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính đối với những vi phạm thuộc lĩnh vực chuyên ngành phát hiện qua thanh tra sẽ được chuyển toàn bộ lên Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết. Khi đó, những vụ việc vi phạm hành chính đơn giản với mức xử phạt một vài triệu đồng cũng sẽ được chuyển thẳng lên Chủ tịch UBND cấp tỉnh để xử lý. Điều này cho thấy chúng ta đang làm ngược lại quan điểm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Bên cạnh đó, quy định tại khoản 2 điều 26 mục 5 chương II của dự thảo có sự phân biệt, phân loại các ngành. Đại biểu cho rằng điều này là không phù hợp bởi theo quan điểm quản lý hiện nay cũng như thực tế đã chứng minh, ngành nào cũng quan trọng, có yếu tố đặc thù với những khó khăn, thách thức, nhạy cảm phức tạp khác nhau. "Chúng ta không thể cân đong đo đếm xem ngành nào phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn ngành nào. Do đó, không thể có sự phân biệt đối với các ngành ngay tại một văn bản luật của Quốc hội", đại biểu Hoàn cho biết.

Với những lý do trên, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị bỏ khoản 2 điều 26 mục 5 chương II của dự thảo luật và sửa khoản 1 điều này thành "Thanh tra sở là cơ quan của sở, được thành lập theo quyết định của UBND cấp tỉnh".

PV