Hôn nhân bên bờ vực vì smartphone

Gia đình - Ngày đăng : 07:37, 30/10/2022

Lần đầu Hà My viết đơn ly hôn do 2h sáng chồng vẫn ôm điện thoại nhưng chưa đầy 10 ngày sau cô viết đơn lần hai vẫn liên quan tới chiếc smartphone của chồng.

My kể, bốn năm bên nhau cô chưa bao giờ phải lo giữ chồng. Nhưng từ khi mang bầu, sinh con, có "người thứ ba" xen vào cuộc hôn nhân của cô. "Tôi chưa từng nghĩ mình phải ghen thế mà gần đây lại ghen với cái điện thoại", My, 28 tuổi, ở Hải Phòng, nói.

Anh Vỹ, chồng cô, làm nhân viên kinh doanh nên điện thoại là vật bất ly thân. Ăn cơm anh cũng cầm điện thoại, hết pin thì vừa sạc vừa dùng; đi vệ sinh càng không rời, có hôm ôm điện thoại cả tiếng trong toilet. Lần đầu cô viết đơn là khi thức dậy lúc nửa đêm, thấy chồng đang lướt Facebook trên sofa, cô giật mình hỏi: "Sao giờ này anh còn chưa ngủ?". Vỹ thản nhiên trả lời: "Mới 2h chứ mấy".

Cơn giận của My bừng lên. "2h sáng mà còn sớm à? Từ ngày con chào đời, thời gian anh ôm em bằng ôm điện thoại một ngày chưa? Một ngày anh cười với em, với con được mấy lần?", cô nói một tràng.

Sáng ra cô đưa đơn ly hôn. Chồng hỏi lý do, xin lỗi, hứa sẽ chỉ dùng đến 22h30 sẽ vào phòng ngủ cùng vợ. Ba ngày đầu Vỹ làm tốt. Ngày thứ tư, anh xin thức xem bóng đá nhưng cũng từ đó mọi việc lặp lại.

Đợt này giao mùa con trai ốm sốt, một hôm phải đi cấp cứu. Ba hôm trước, khi con vừa xuất viện, My bảo chồng trông bé cho mình đi chợ. Khi về, cô thấy cảnh con ho và buồn ngủ cào mặt liên hồi, còn chồng tay này vỗ con, tay kia vẫn quẹt điện thoại liên tục. My lao đến giật điện thoại ném vào góc nhà. Vỹ cũng đẩy cô ngã xuống giường rồi lấy chìa khóa ra ngoài, đêm đó không về.

Người vợ trẻ giận, ghen và có cả lo lắng, cô nhắn: "Lần này tôi quyết ly hôn". Anh chồng cũng đáp lại: "Tôi cũng đang suy nghĩ lại mối quan hệ này đây".

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra điện thoại có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên mối quan hệ. Ảnh: Shutterstock

Cuộc hôn nhân của My đang dần tiến đến miệng vực bởi chiếc smartphone giống như 37% của 500 độc giả trả lời khảo sát nhanh của phóng viên. Khoảng 27% nói nhiều lúc cô đơn, bực tức vì bạn đời mê điện thoại hơn mình, 10% cho biết thường xuyên xích mích vì điện thoại và 26% nói không ảnh hưởng gì.

Việt Nam hiện có 93,5 triệu thuê bao smartphone, theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông). Một nghiên cứu trên tạp chí Computers in Human Behavior năm 2021 cho thấy, việc một cặp đôi bên nhau nhưng lại sử dụng điện thoại có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên mối quan hệ, làm giảm mức độ hài lòng của cả hai. Tại Trung Quốc, một số chuyên gia tư vấn hôn nhân khẳng định nghiện điện thoại di động là nguyên nhân của 30% các vụ ly hôn.

Chị Hồng ở quận Ba Đình ghét cay ghét đắng mỗi lúc thấy chồng dán mắt vào điện thoại. "Người ta bỏ chồng vì ngoại tình, vũ phu, cờ bạc. Chồng tôi không có tật xấu ấy nhưng nhiều lúc nhìn anh ấy mê điện thoại làm tôi ức chế, muốn bỏ", chị bộc bạch.

Hồng cho biết, suốt các năm qua chỉ có mình cô chăm con. Anh chồng làm trong một cơ quan nhà nước, sớm đi tối về. Ngoài việc đưa đón con đi học, anh không hề đụng vào một việc gì trong nhà. Đi làm về anh ôm điện thoại chơi game, lướt mạng, tám chuyện với bạn bè và bình luận dạo khắp các hội nhóm. Trung bình anh sử dụng điện thoại 8-10 giờ mỗi ngày. Không dưới hàng chục lần vợ chồng Hồng mâu thuẫn vì nó. Những thỏa thuận để hạn chế thời gian dùng smartphone của chồng thường chỉ có tác dụng vài ngày.

Mới đây, có hôm chị Hồng bận nấu cơm, hai đứa con giành đồ chơi, rồi đánh nhau om xòm trong khi chồng vẫn mải miết xem video hài trên mạng. Ngay cả lúc dọn cơm, anh cũng không rời nó.

Hành vi chú tâm vào điện thoại, phớt lờ người xung quanh phổ biến đến mức tháng 05/2012, một công ty của Australia tạo ra từ "phubbing", ghép từ "phone" và "snubbing" (phớt lờ). Các nhà tâm lý học coi đây là một dạng bạo lực gia đình.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội) cho biết không có gì tệ hơn khi bạn đang cố gắng nói chuyện với ai đó mà họ liên tục nhìn vào màn hình. Điều này khiến người đối diện cảm thấy khó chịu, thậm chí bị xúc phạm. Nhiều người vợ, chồng đang rơi vào tình cảnh phải tranh giành với smartphone sự chú ý của bạn đời. Đã có những cặp vợ chồng trẻ đưa nhau ra toà ly dị bởi người chồng nghiện điện thoại, game online hoặc vợ nghiện Facebook... khi việc nhà chia sẻ không đồng đều và không quan tâm đến nhau dẫn đến rạn nứt không thể cứu vãn.

Bên cạnh đó, điện thoại làm tăng nguy cơ ngoại tình. "Tôi tham vấn cho rất nhiều cặp đôi liên quan đến ngoại tình. Mối quan hệ ngoài luồng không bắt đầu ngay trên giường. Thường thì nó luôn liên quan đến điện thoại và bắt đầu từ những tin nhắn bí mật trên mạng xã hội", chuyên gia chia sẻ thêm.

Đồng tình, chuyên gia tâm lý Hồng Hương, Hà Nội bày tỏ, đôi khi chúng ta tưởng điện thoại chỉ sinh ra thêm mâu thuẫn nhỏ, làm trầm trọng thêm những bất đồng có sẵn trong mối quan hệ vợ chồng. Nhưng thật ra nó là tác nhân ảnh hưởng rất lớn. Nhờ smartphone mà con người dễ dàng kết giao, trò chuyện, dễ tìm thấy niềm vui mới thông qua các mạng xã hội, chứ không đơn thuần chỉ là chơi game, lướt Facebook. Trên thực tế gần như tất cả các vụ ngoại tình đều được phát hiện thông qua điện thoại.

"Việc người bạn đời mê điện thoại còn là một hồi chuông cảnh báo cuộc sống thực đang nhàm chán. Chỉ khi làm cho cuộc sống hôn nhân tươi tắn, sống động hơn thì đời sống ảo qua điện thoại sẽ không thể len vào được nữa", nhà tâm lý nói.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại lên quan hệ vợ chồng, con cái, không ít gia đình đã phải đưa ra các quy tắc. Anh Tuấn Hưng, 38 tuổi, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết vừa lập "quy tắc 5 không", bao gồm: Không dùng điện thoại trên bàn ăn, khi chơi với con, khi nói chuyện với vợ/chồng, sau 23h và không dùng trong toilet.

Quy tắc này được lập ra sau một xung đột gần đây. Bữa đó đang ăn cơm, anh Hưng nói chuyện đồng nghiệp mời cả nhà cuối tuần đến tân gia. Thấy vợ không trả lời, anh nhận ra chị đang vùi đầu điện thoại nhắn tin. Anh cố gắng nói lần nữa, vợ không ngước lên nhìn, chỉ đáp "ừ". Anh mất bình tĩnh: "Em xem anh như không khí à?". Tiếng bát đặt mạnh xuống bàn cùng tiếng nóng giận của chồng khiến người vợ dừng tay, ngước lên áy náy.

Vợ anh, chị Mây, làm trong lĩnh vực truyền thông, thường xuyên bị chồng và con kêu nhìn điện thoại quá nhiều. Nhận ra điều này, song Mây cho biết mình khó có thể giảm bớt. "Bản chất công việc của tôi phải lướt các mạng xã hội để kịp thời nắm bắt đề tài và liên hệ với nguồn tin. Lâu dần thành quen, giờ nhiều lúc không liên quan công việc, tôi vẫn lướt mạng đến mỏi cả tay", chị cho hay.

Các chuyên gia cho biết, nếu bạn nhận thấy vợ hoặc chồng có dấu hiệu bị nghiện điện thoại, đừng vội gây chiến. Hãy lựa chọn thời điểm phù hợp để ngồi nói chuyện nghiêm túc, thẳng thắn về việc sử dụng điện thoại quá nhiều của đối phương ảnh hưởng như thế nào đến thời gian dành cho gia đình và quan hệ vợ chồng. Hãy hỏi tại sao họ lại sử dụng smartphone nhiều như vậy.

Rất quan trọng nếu bạn lắng nghe với sự kiên nhẫn. Bạn có thể nhận được câu trả lời như: "Anh chơi điện thoại để giải trí hoặc giảm stress". Việc trao đổi về giới hạn trong việc sử dụng điện thoại là cần thiết. Đừng quên nói với người bạn đời rằng bạn quan tâm họ và tầm quan trọng của việc mỗi ngày có thể bỏ điện thoại xuống dành chút thời gian cho nhau giúp gắn kết tình cảm vợ chồng.

"Nếu đối phương nhận ra sự quan tâm chân thành của bạn về mối quan hệ vợ chồng cũng như những hệ lụy của nghiện điện thoại, đó có thể là động lực họ cần để thay đổi", chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nói.

Theo VnExpress