Vì sao HTX phi nông nghiệp “sống khỏe”?

Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 02/11/2022

Mạnh dạn tìm hướng đi mới, chủ động xây dựng sản phẩm chủ lực... nên nhiều HTX phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ đứng vững trước những tác động tiêu cực của thị trường mà ngày càng phát triển.


Nhờ năng động nắm bắt cơ hội nên HTX Cơ điện Tam Giang ngày càng phát triển, tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động với mức thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng


Nhờ linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, các HTX phi nông nghiệp chủ động đối phó với những biến động tiêu cực của thị trường.

Linh hoạt thích ứng


Trước đây, HTX Cơ điện Tam Giang ở TP Hải Dương chủ yếu sản xuất, gia công các mặt hàng cơ khí nông nghiệp. Vì làm ăn uy tín, chất lượng nên các sản phẩm do HTX sản xuất được nhiều khách hàng sử dụng. Trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường hàng trăm loại máy móc, thiết bị. Dù đã tạo được thương hiệu và dấu ấn riêng cho mình nhưng HTX Cơ điện Tam Giang vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Các đơn hàng không còn ổn định, đòi hỏi HTX phải tìm hướng đi phù hợp với tình hình mới.

Năm 2011, HTX Cơ điện Tam Giang quyết định mở rộng thêm ngành nghề sản xuất nhằm ổn định nguồn thu. Nhận thấy nhu cầu xây dựng tăng cao, HTX đã nắm bắt ngay cơ hội và nhanh chóng tiếp cận lĩnh vực này. Từ đơn hàng xây dựng nhà dân dụng đầu tiên, đến nay, HTX nhận thầu hàng chục công trình lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh mỗi năm. Lĩnh vực này đã đem lại cho HTX khoản thu từ 1-2 tỷ đồng/năm. Hiện 2 ngành nghề kinh doanh chính của HTX đang tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động với mức thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.

Năm 1999, HTX 18/4 (Hội Người mù TP Hải Dương) được thành lập với 35 thành viên, chủ yếu là người mù. Nguồn thu nhập chính của HTX đến từ việc sản xuất và kinh doanh tăm tre. Vì là sản phẩm do người khiếm thị làm ra nên chất lượng không đồng đều, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Mặt khác, đầu ra của sản phẩm phụ thuộc nhiều vào các "Mạnh Thường Quân" hay các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thu mua ủng hộ. Ngoài ra, việc hao hụt nhiều trong sản xuất cũng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận hằng tháng.

Năm 2003, HTX 18/4 thu gọn lại hoạt động sản xuất tăm tre để tập trung vào ngành nghề kinh doanh mới đó là xoa bóp, bấm huyệt. "Chúng tôi xác định đây là ngành nghề phù hợp với người khiếm thị và vốn đầu tư ban đầu ít. Việc hướng dẫn, đào tạo nghề cũng đơn giản, không mất nhiều thời gian", anh Vũ Xuân Quyết thành viên HTX cho biết. Nhờ linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh nên doanh thu của HTX 18/4 tăng nhanh theo từng năm. Năm 2022, doanh thu của HTX ước đạt 2,5 tỷ đồng, tăng 6 lần so với năm 2003. Với ngành nghề kinh doanh mới này HTX đã góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều người khuyết tật.

 Năm 2021, HTX CP Công nghiệp Mai Hồng cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cho doanh thu đạt 4 tỷ đồng

Sử dụng vốn hiệu quả

Hiện toàn tỉnh có 163 HTX phi nông nghiệp (chiếm 31,47%) với trên 265.000 thành viên. Các HTX này đang tạo việc làm thường xuyên cho 41.000 lao động với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, doanh thu bình quân của 1 HTX phi nông nghiệp ước đạt 1,5 tỷ đồng, lãi bình quân trên 200 triệu đồng (tăng 7,5% so với năm 2013). Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã giúp các HTX chủ động đối phó với những biến động tiêu cực của thị trường, nhất là đại dịch Covid-19 vừa qua.

Năm 2012, từ nguồn vốn sẵn có cộng với sự giúp đỡ của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nên HTX CP Công nghiệp Mai Hồng ở huyện Kim Thành đã đầu tư mua sắm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. HTX đã chủ động liên kết với các đối tác bằng hợp đồng dài hạn để có nguồn vốn xoay vòng hiệu quả. Nhờ đó mà năm 2021, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX vẫn duy trì ổn định. Doanh thu năm 2021 của HTX CP Công nghiệp Mai Hồng đạt 4 tỷ đồng, cho lợi nhuận gần 2 tỷ đồng.

Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện các HTX phi nông nghiệp hoạt động đa dạng ngành nghề, dịch vụ với chất lượng ngày càng được nâng cao. Nhiều HTX tận dụng, phát huy tốt lợi thế của mình để xây dựng sản phẩm chủ lực. Việc chủ động đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh cũng góp phần giúp các HTX vượt qua những khó khăn, thách thức. Tiêu biểu như: HTX CP Công nghiệp Mai Hồng (Kim Thành), HTX Cơ điện Tam Giang, HTX Chế biến gỗ Quang Khỏe (TP Hải Dương), HTX Điện Thanh Cường (Thanh Hà)... Mặc dù vậy, do đặc thù ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nên nhu cầu về vốn của các HTX phi nông nghiệp khá lớn.

Để hỗ trợ các HTX phi nông nghiệp, bên cạnh duy trì hoạt động trao đổi kinh nghiệm, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên tổ chức xúc tiến thương mại, hỗ trợ các đơn vị thành viên tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Thông qua các hoạt động này, nhiều HTX đã đạt được những thỏa thuận, ký kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm với các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước. Đại diện Liên minh HTX tỉnh cho biết, để phát triển ổn định, bền vững, các HTX phi nông nghiệp cần tiếp tục phát triển thêm ngành nghề mới, chủ động tìm kiếm thị trường, đối tác để hình thành các chuỗi giá trị.

 ĐỖ QUYẾT