Phút mất lí trí của cựu tu sĩ giết người phi tang
Pháp luật - Ngày đăng : 07:06, 06/11/2022
Bị cáo Đạt, 42 tuổi, cựu tu sĩ Phật giáo nhận án chung thân, đồng phạm Đoàn Thanh Tuấn (50 tuổi, cùng trú huyện Triệu Phong) lĩnh 12 năm tù về tội giết người, trong phiên xét xử tại Tòa án Nhân dân Quảng Trị hôm 4.11. Nạn nhân là bà Lê Thị Hà, 50 tuổi, quen Đạt từ năm 2013.
Lý giải việc bàn kế đánh cảnh cáo bị hại, Đạt khai nhiều năm qua, bà Hà "muốn thao túng mọi việc của bị cáo, đi đâu, làm gì"; tỏ thái độ thiếu tôn trọng. Trong khi đó, Đạt không có tình cảm, nợ nần gì nạn nhân.
Trước câu hỏi tại sao "không dùng giáo luật, pháp luật cải hóa bị hại", bị cáo khai , từng nhẫn nhục xin "cho tôi yên, để tôi tu" nhưng bà không chịu, thậm chí "mua xăng, dao đòi chặt, đốt".
Luật sư cho rằng bị cáo Đạt bị bà Hà dồn nén, âm ỉ mấy năm qua trong sinh hoạt và đời sống tu hành là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự việc.
Chiều tối 11.12.2021, bị cáo Đạt và Tuấn hẹn bà Hà đến chùa Dương Lệ Đông, nơi Đạt tu hành, để đánh cảnh cáo. Thấy Đạt đánh người dã man, Tuấn giật lấy gậy tre vứt đi nhưng Đạt tiếp tục vào chùa tìm gậy sắt... Lo sợ sự việc bị phát hiện, hai bị cáo đưa xe máy, nạn nhân phi tang xuống sông Thạch Hãn, đốt hết các hung khí và tư trang của bị hại.
"Lúc đó bị cáo mất hết phần người mà phần ma đã thắng, không kiểm soát được cảm xúc, lí trí, trong phút chốc lâm vào "vô minh" nên đánh cho thỏa mãn lòng dạ chứ không nghĩ đánh cho chết người", Đạt khai nhiều lần trong phiên tòa. Viện dẫn giáo luật, ông này nói do "nghiệp chướng sâu dày mà bị cáo không giải quyết được, không sáng suốt lựa chọn cách giải quyết".
Xuất gia theo nghiệp tu hành từ năm 16 tuổi, Đạt nói trong thời gian tu tập không gây gổ, đánh ai. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi được cử về cai quản chùa Dương Lệ Đông thì "có xâu ẩu, đánh nhau, uống bia". Hành vi này từng bị Giáo hội Quảng Trị nhắc nhở, yêu cầu sám hối.
Bị cáo khai vụ án xảy ra trong phút chốc đã hủy hoại hết thanh danh tu tập từ nhỏ, làm mất niềm tin của phật tử xã Triệu Thuận và ảnh hưởng uy tín Giáo hội. Bị cáo dự định sau ba ngày tang lễ sẽ ra đầu thú, chứ không bỏ trốn. "Bị cáo rất ân hận, mong muốn dành phần còn lại cuộc đời cho sám hối, chuyển hóa sân hận thành từ bi, thương yêu", Đạt nói.
Nói lời sau cùng, cựu tu sĩ xin một bản án nhẹ nhất có thể, vì đã khá lớn tuổi, đơn thân. "Bị cáo mất hết, xin gửi lời sám hối đến Giáo hội và Phật tử". Nhắc đến người thân và gia đình, ông Đạt nói "xin lỗi đến hương linh, gia đình bị hại, xin lỗi đến gia đình, anh em. Bị cáo biết sai rồi".
Bà Lê Thị Diệu Tiến, đại diện bị hại, cho hay gia đình tự lo chu đáo hậu sự cho chị nên không yêu cầu bồi thường về tài chính. Bà đề nghị tòa xử nghiêm minh, đúng pháp luật với các bị cáo vì "tổn thất này không gì bù đắp".
Đại diện Viện kiểm sát cho hay bị hại chết do đa chấn thương, chấn thương sọ não và hàm mặt. Bị cáo Đạt dùng hung khí nguy hiểm, đánh vào vùng trọng yếu, có hành vi dã man so với lời chửi bới thì không đáng tước đi tính mạng của nạn nhân.
Viện Kiểm sát cho rằng mâu thuẫn giữa bị hại và bị cáo là mâu thuẫn hằng ngày, bị cáo có nhiều cách để xử lý, không thể vì người khác chửi mình mà đánh giết người khác.
Kết thúc phiên xử, Hội đồng xét xử phân tích Đạt ngoài là công dân, còn là tu sĩ, khi phạm giới thì phải biết tu sửa, sám hối nhưng lại gây ra tội lỗi lớn hơn. Ông Đạt có vai trò cao hơn, trực tiếp gây ra chết người, thực hiện hành vi giết người quyết liệt, dã man, đưa bị hại phi tang, coi thường pháp luật. Bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội đến cùng vì bị hại van xin.
Khi tòa tuyên án, phía bên dưới, hàng chục người dân xã Triệu Thuận, trong đó không ít người lớn tuổi đã tán thành với phán quyết. Họ đến dự tòa với hy vọng vào một bản án nghiêm minh.
Theo VnExpress