Tránh tình trạng hỗ trợ tràn lan, dàn trải với các tổ chức kinh tế hợp tác

Chính trị - Ngày đăng : 15:46, 10/11/2022

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí thực hiện chính sách đối với các tổ chức kinh tế hợp tác để tránh tình trạng hỗ trợ tràn lan, dàn trải, tốn kém nguồn ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn tên gọi dự thảo luật để bảo đảm tính bao quát, phù hợp

Sáng 10.11, sau khi biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng mô hình hợp tác xã là mô hình đặc trưng và mang tính lịch sử, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đóng góp 2 ý kiến.

Thứ nhất, đại biểu đặc biệt băn khoăn về tên gọi của dự thảo. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tán thành việc đổi tên dự thảo từ Luật Hợp tác xã sang Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là chưa xác định chính xác và đầy đủ các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác. Mặt khác, nếu giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã cũng chưa hợp lý vì dự thảo quy định nhiều hình thức của tổ chức kinh tế hợp tác, bao gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã. Như vậy, hợp tác xã chỉ là một trong những mô hình của tổ chức kinh tế hợp tác. Do đó, việc giữ nguyên tên là Luật Hợp tác xã không bao trùm hết các phạm vi điều chỉnh của luật, không thể hiện đúng bản chất tổng thể các quy định của dự thảo.

Thứ hai, về tiêu chí lựa chọn ưu tiên. Điều 19 dự thảo luật quy định về rất nhiều chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác nhưng các tiêu chí thực hiện chính sách quy định tại điều 17 lại chưa rõ ràng.

"Việc đưa những thuật ngữ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức vốn chưa được quy định rõ trong các văn bản pháp luật sẽ dẫn đến tình trạng không tương đồng, ảnh hưởng đến tính khách quan, minh bạch khi lựa chọn ưu tiên. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát và cụ thể hoá hơn nữa các tiêu chí được đưa ra tại điều 17, tránh gây nhiều cách hiểu và thiếu thống nhất", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

Cùng với đó, đại biểu nhấn mạnh rằng cần tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí thực hiện chính sách đối với các tổ chức kinh tế hợp tác để tránh tình trạng hỗ trợ tràn lan, dàn trải, tốn kém nguồn ngân sách. Các tiêu chí xem xét bổ sung có thể kể đến như căn cứ vào các giai đoạn phát triển, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác để hỗ trợ, hạn chế tình trạng ỷ lại của các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác hiện nay.

Theo đại biểu, phương án hỗ trợ theo giai đoạn có thể cân nhắc xem xét vào giai đoạn đầu thực hiện hỗ trợ định hình, phát triển sản phẩm. Khi đã có sản phẩm, dịch vụ thì hỗ trợ quảng cáo sản phẩm, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để hàng hoá, dịch vụ tiếp cận thị trường; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, hoạt động, phát triển tổ chức kinh tế hợp tác…

PHONG TUYẾT