Gia Lộc mở đường to ra vùng thủy sản

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:55, 14/11/2022

Là huyện có diện tích thủy sản lớn, những năm qua, Gia Lộc luôn chú trọng hoàn thiện hạ tầng, nhất là làm đường giao thông, tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất, buôn bán hàng hóa.


Sau khi được đầu tư làm đường, việc vận chuyển hàng hóa của người dân khu Đầu Cầu, thôn Côi Thượng, xã Phạm Trấn thuận tiện hơn rất nhiều

Người dân hiến đất

Trước đây, phần lớn các tuyến đường trong vùng thủy sản ở khu vực Đồng Keo và Đầu Cầu thuộc thôn Côi Thượng, khu Tân Lập ở thôn Côi Hạ (xã Phạm Trấn) đều là đường đất, nhỏ hẹp; một số đoạn được đổ bê rông nhưng rất mỏng. Năm 2021, xã Phạm Trấn được tỉnh hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng làm đường ở 2 vùng thủy sản này.

Các hộ chăn nuôi ở khu Đầu Cầu đều đồng lòng hiến đất mở rộng đường. Ông Phạm Ngọc Thuyết ở khu Đầu Cầu cho biết: “Để làm được tuyến đường này, các hộ trong vùng đều hiến đất, ao mở rộng đường, riêng nhà tôi hiến khoảng 400m2. Dù diện tích đất, ao hiến rộng như vậy nhưng ai cũng đồng thuận”.

Nhằm hoàn chỉnh hạ tầng nông nghiệp phục vụ người dân đi lại và vận chuyển nông sản, tháng 5 vừa qua, huyện Gia Lộc đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng từ ngân sách huyện và các nguồn hợp pháp khác để làm 4 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1,5 km tại vùng nuôi thủy sản thôn Kênh Triều (xã Thống Kênh). Các tuyến đường đều được đổ bê tông rộng từ 3-4 m và có từ 0,5-1 m lề đường. Nhân dân cũng đồng thuận hiến hàng nghìn mét đất để mở rộng đường.

Trước đây, hầu hết các tuyến đường ra vùng thủy sản ở Gia Lộc đều chỉ rộng chỉ từ 1-2 m. Vì thế, khi được đầu tư mở rộng rất cần sự đồng thuận của nhân dân trong việc hiến đất, ao mở rộng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết: "Ở những nơi được đầu tư mới, trong thiết kế chúng tôi đều yêu cầu làm đường rộng từ 3-4 m. Địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và nhân dân cũng thấy được lợi ích từ việc làm này nên đều nhất trí và không có bất kỳ sự đòi hỏi nào". 


Nhiều tuyến đường được mở rộng từ 3-4 m

Nhà nước hỗ trợ kinh phí

Bao năm qua, ông Đinh Văn Cảo ở vùng chuyển đổi thôn Bùi Thượng (Lê Lợi) không khỏi lo lắng khi trời mưa, đường lầy lội là không dám kéo cá vì xe ô tô không vào được mà kênh vác ra ngoài rất vất vả. Những ngày nắng đường gập ghềnh, đi lại cũng rất khó. Vì đường đi lối lại khó khăn như vậy nên giá bán cá của các hộ dân, nhất là những nhà ở sâu bên trong thường bị giảm so với bên ngoài. "Vì thế, khi đường được mở rộng, đổ bê tông, tôi cũng như nhiều người khác trong vùng rất phấn khởi vì từ nay cảnh lầy lội trơn trượt không còn và không phải lo lắng như trước đây", ông Cảo nói.

Từ khi đường được mở ra, những rào cản trong phát triển sản xuất của người dân đã giảm đáng kể. Ông Phạm Văn Khải, Bí thư, Trưởng thôn Côi Thượng cho biết đường to, rộng khắp cả vùng nên những nhà sâu bên trong hay nằm bên ngoài đi lại đều thuận tiện như nhau. “Sau khi có đường giao thông, giá trị hàng hóa của người dân tăng lên rõ rệt, không còn tình trạng bị ép giá như trước đây”, ông Khải khẳng định.

Theo đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc, trong 2 năm trở lại đây, bằng nguồn kinh phí của tỉnh, huyện, Gia Lộc có 4 xã là Phạm Trấn, Lê Lợi, Nhật Tân và Thống Kênh được hỗ trợ kinh phí làm đường ra đồng. Người dân huyện Gia Lộc mong muốn tiếp tục được hỗ trợ kinh phí hoàn thành tuyến đường ở những vùng thủy sản khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

THANH HÀ