Diệu Thảo "Phía trước là bầu trời" hạnh phúc với 20 năm làm cô giáo

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 08:39, 18/11/2022

Dù được đánh giá cao về diễn xuất, nhưng Diệu Thảo lại không theo con đường diễn viên chuyên nghiệp mà tiếp tục gắn bó với âm nhạc, trở thành giáo viên dạy đàn Tỳ bà.

Vũ Diệu Thảo là gương mặt chiếm được thiện cảm với công chúng từ vai diễn trong bộ phim “Phía trước là bầu trời” hơn 20 năm trước. Dù được đánh giá cao về diễn xuất, nhưng cô lại không theo con đường diễn viên chuyên nghiệp mà tiếp tục gắn bó với âm nhạc, trở thành giáo viên dạy đàn Tỳ bà.

Diệu Thảo chiếm được cảm tình của khán giả với "Phía trước là bầu trời"

Hai thập kỷ làm cô giáo

Chia sẻ về quyết định theo con đường giảng dạy, Vũ Diệu Thảo cho biết: “Được trở thành cô giáo là niềm mơ ước của Thảo ngay từ những năm tháng còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi còn đang đi học, Thảo được các thầy cô giáo yêu thương, động viên rất nhiều. Các thầy cô giáo của mình có lẽ cũng là tấm gương, là động lực to lớn để nuôi dưỡng ước mơ của Thảo. Từ nhỏ, Thảo đã nghĩ rằng lớn lên sẽ cố gắng học thật giỏi chuyên môn, nuôi dưỡng đam mê để trở thành giáo viên. Thế rồi ước mơ đó cũng trở thành sự thật khi Thảo tốt nghiệp ra trường với một kết quả tốt và được giữ lại trường giảng dạy, chính thức con đường trở thành một giảng viên chuyên ngành đàn Tỳ bà của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam".

dieu thao phia truoc la bau troi hanh phuc voi 20 nam lam co giao hinh anh 2

Nữ diễn viên "Phía trước là bầu trời" hiện đang là giảng viên chuyên ngành đàn Tỳ bà của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Dạy học gần 20 năm, mỗi khi đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, Vũ Diệu Thảo lại rất nhiều cảm xúc. “Thảo là một giảng viên, một nhà giáo, gắn bó với các thế hệ học sinh, sinh viên đã rất lâu, nhưng cảm xúc vẫn như những ngày đầu tiên, luôn thấy thật hạnh phúc, thật vui và tự hào vì mình đã chọn lựa đúng ngành nghề mà mình yêu thích. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 cũng là ngày, là dịp mà Thảo dành nhiều thời gian, nhiều sự quan tâm và nhớ ơn các thầy cô giáo của Thảo, những người dạy dỗ, dìu dắt để Thảo có được ngày hôm nay, đó là ngày của sự biết ơn”, cô chia sẻ. 

Vũ Diệu Thảo cho biết, suốt quá trình học tập và trưởng thành của mình, cô may mắn được học, được sự chỉ bảo của rất nhiều các thầy cô giỏi và yêu học trò. Gắn bó sâu đậm và thân thương nhất với cô là 3 người thầy, cô từ thuở ấu thơ cho đến khi cô là một giảng viên kỳ cựu của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

dieu thao phia truoc la bau troi hanh phuc voi 20 nam lam co giao hinh anh 3

Cô bày tỏ: “Khi mới vào trường, cô giáo đầu tiên dìu dắt Thảo là NSND Mai Phương - người mà các thế hệ học sinh đàn Tỳ bà đều gọi là “Mẹ Mai Phương”, “ U Phương”. Thảo còn nhớ năm đó đàn Tỳ bà chỉ có 1 chỉ tiêu. Mẹ Phương rất tình cảm, chu đáo, nhưng khi đó Thảo còn nhỏ chưa hiểu nhiều, cũng chưa cảm nhận hết được tình yêu thương của mẹ Phương dành cho mình, cho các thế hệ học sinh, cho cây đàn Tỳ bà. Sau đó, Thảo được học NSƯT Kim Hạnh, là cô giáo dìu dắt Thảo trong suốt một quãng thời gian dài học sơ cấp và trung cấp. Vào đại học, Thảo lại tiếp tục theo học NSND Mai Phương. Lên cao học, Thảo được Nhà giáo nhân dân Hoàng Dương hướng dẫn, nhưng giờ thầy đã đi xa”. 

Một giáo viên "khó tính"

Hai thập kỷ làm cô giáo, điều khiến Vũ Diệu Thảo cảm thấy hạnh phúc nhất là được chứng kiến các thế hệ học trò dần lớn lên, trưởng thành và thành công. Cô bày tỏ: “Thế hệ nối tiếp thế hệ, các em học sinh giống như hình ảnh phản chiếu của mình vậy. Nhìn các em xuất hiện trên các sân khấu lớn, mang tiếng đàn Tỳ bà đến mọi miền tổ quốc, xa hơn nữa là các quốc gia trên thế giới mà các em đặt chân đến, còn gì tuyệt vời hơn nữa. Thấy sự nghiệp “trồng người” của mình thực sự có được trái ngọt, đó chính là hạnh phúc của Thảo”.

dieu thao phia truoc la bau troi hanh phuc voi 20 nam lam co giao hinh anh 4

Vũ Diệu Thảo nói, cô thấy mình may mắn khi được giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, một ngôi trường có truyền thống đào tạo và biểu diễn âm nhạc. Những đặc thù này trở thành một lợi thế lớn cho chính những giảng viên kiêm “nghệ sĩ” đang công tác tại trường như cô. “Trường luôn tạo điều kiện hết sức để các thầy cô giáo chuyên tâm dạy học. Trong những sự kiện lớn của quốc gia, những chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, các thầy cô cũng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt công tác biểu diễn quảng bá âm nhạc Việt Nam. Tuy áp lực, nhưng chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào được đóng góp công sức nhỏ bé của mình để hoàn thành tốt các vai trò được nhà trường, nhà nước giao phó. Lúc đó, tất cả mọi áp lực, khó khăn trở thành niềm vui, niềm tự hào dân tộc”, cô cho biết. 

Công chúng thường quen hình của ảnh Vũ Diệu Thảo đẹp mong manh, dịu dàng, thuần khiết với cây đàn Tỳ bà. Tuy nhiên, với vai trò cô giáo, Diệu Thảo lại nhận mình là một giáo viên… khó tính. Cô chia sẻ: “Thảo là một cô giáo nghiêm khắc và yêu học trò. Nhưng Thảo để học trò được lựa chọn điều các con yêu thích rồi tự cố gắng, tự nỗ lực, Thảo chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn và khuyến khích. Vậy nên các con tự theo Thảo vì thích học, vì đam mê, yêu đàn chứ không có sự gượng ép nào cả. Khi đã tự nguyện yêu thương thì cô giáo không cần khó tính. 

Thảo yêu thích sự sáng tạo, thích áp lực để trưởng thành, vậy nên mỗi ngày đến lớp là một ngày vui, thường cô trò cứ miệt mài quên cả giờ nghỉ. Có những ngày Thảo dạy thông trưa, không có cả thời gian nghỉ trưa, phải tranh thủ mang cơm hộp đi ăn tạm để dành từng phút dạy các bạn nhỏ vì các bạn ấy xin cô “Cho con học chuyên ngành xong con còn tranh thủ đi học văn hóa, học tiếng Anh, học hòa tấu…”. 

Lớp học của Thảo như một gia đình vậy, cô trò “học là chính, vui là chủ yếu và yêu thương là vô bờ bến”. Nhưng chốt lại Thảo vẫn khó tính - Khó để các con trưởng thành, các con tốt lên, khó để thấy rằng chính mình cần nỗ lực nhiều hơn nữa để mang lại điều tốt đẹp nhất cho các con”.

Theo VOV