Thêm kênh sàng lọc đầu tư
Công nghiệp - Ngày đăng : 05:42, 25/11/2022
Việc triển khai bộ chỉ số PGI sẽ góp phần thúc thẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Công ty CP Nhựa An Phát Xanh sản xuất túi sinh học, thân thiện môi trường
Từ năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng hệ thống xếp hạng cấp tỉnh mới bên cạnh PCI là chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là sáng kiến của VCCI khi áp lực phát triển kinh tế tác động tiêu cực tới môi trường ngày càng lớn, đòi hỏi phải có sự thay đổi, chuyển dịch sang mô hình sản xuất xanh.
Thiết thực
Tại Hải Dương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tăng trưởng xanh là nền tảng cốt lõi, chi phối sự phát triển chung. Tỉnh đặt mục tiêu hướng tới phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với trọng tâm là hướng đến nền kinh tế carbon thấp, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính. Đồng thời sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
PGI ra đời phù hợp định hướng, xu thế phát triển của tỉnh. Không chỉ là công cụ đo lường hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh hoá mà PGI còn là kênh thông tin quan trọng để lựa chọn, sàng lọc các dự án đầu tư. Thực tế cho thấy, trước kia một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh gây ô nhiễm môi trường đã để lại nhiều hệ luỵ, môi trường suy thoái, bất ổn, khiến dư luận bất an. Vì vậy, PGI giúp các cấp, ngành xem xét, cân nhắc dự án đầu tư từ đầu vào, kiên quyết loại bỏ những dự án tác động tiêu cực tới môi trường. Thông qua PGI, các doanh nghiệp có thể nắm bắt, đánh giá chất lượng môi trường, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường để cân nhắc rót vốn đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hải Dương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế xanh hoá để phát triển bền vững. Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh quyết định tạm dừng thu hút đầu tư với 8 nhóm ngành nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và khuyến khích các dự án xanh, thân thiện với môi trường.
Thời gian qua, tỉnh tích cực kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường, quyết liệt quản lý việc khai thác khoáng sản, khuyến khích xây dựng các công trình xanh. Tỉnh cũng sẵn sàng từ chối các dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các cấp, ngành của tỉnh chủ động phối hợp để giải quyết các sự cố về môi trường phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là khởi đầu tích cực giúp Hải Dương có thể bắt nhịp nhanh khi triển khai thực hiện PGI.
Các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trong tỉnh đang hướng tới việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tiên tiến để hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường
Hành động cụ thểMặc dù đang đi trúng và đúng theo tinh thần của PGI song tỉnh cần có giải pháp, hành động cụ thể để thúc đẩy các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp quan tâm phát triển PGI.
Bà Đinh Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Trung Quý Bắc Ninh, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng (Bình Giang) cho biết mục tiêu mà đơn vị hướng tới là xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực môi trường. Với quy mô gần 240 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.800 tỷ đồng, công ty cam kết sẽ tạo dựng môi trường sản xuất chuyên nghiệp hài hoà với môi trường, vừa góp phần phát triển kinh tế bền vững, vừa bảo đảm dân sinh.
Tăng trưởng xanh là cơ sở của phát triển ổn định, bền vững, còn PGI là thước đo để đánh giá khách quan, công bằng yếu tố này. Do vậy, việc triển khai thực hiện PGI phải khách quan, thực chất bằng những giải pháp, hành động cụ thể, tránh hình thức. Để PGI có thể trở thành công cụ phục vụ đánh giá môi trường đầu tư đáng tin cậy thì cả chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp đều phải quyết liệt hành động. Theo ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh, PGI có vai trò quan trọng, thiết thực khi định lượng, đánh giá chất lượng môi trường sống trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua PGI, chính quyền có thể điều chỉnh biện pháp điều hành kinh tế để tránh tổn thất tới môi trường, còn doanh nghiệp sẽ thay đổi mô hình sản xuất để đáp ứng tốt yêu cầu mới, chú trọng tới tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, để PGI phát huy vai trò cần sự phối hợp tích cực, hiệu quả giữa các bên. Chính quyền cần tạo cơ chế, có chính sách ưu đãi thu hút các dự án xanh, còn doanh nghiệp chứng tỏ năng lực sản xuất theo hướng xanh hoá thông qua giải pháp kinh doanh cụ thể.
Theo Quyết định số 390/QĐ-UBND của UBND tỉnh, giai đoạn 2021-2025, Hải Dương tạm dừng thu hút đầu tư với 8 nhóm ngành nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đó là: Dệt nhuộm, giặt mài. Sản xuất da, giầy da và các sản phẩm có liên quan mà trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da, nhuộm da. Lọc hóa dầu. Sản xuất pin, ắc quy. Chế biến mủ cao su; sản xuất, chế biến nguyên liệu cao su; sản xuất sản phẩm cao su; sản xuất nhựa tổng hợp, composite; sản xuất giấy từ bột giấy, ván sợi; tái chế cao su. Sản xuất các loại vật liệu xây dựng như: xi măng, gạch xây từ đất sét nung, vôi, tấm lợp có sử dụng amiang. Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất. Khai thác, làm giàu quặng khoáng sản độc hại; tinh chế và chế biến khoáng sản độc hại; khai thác thô không qua chế biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản... |
DŨNG CƯỜNG