Doanh nghiệp thép tiếp tục đối diện với khó khăn lớn

Công nghiệp - Ngày đăng : 09:53, 18/12/2022

Giới phân tích cho rằng, lợi nhuận doanh nghiệp thép chưa thể nhanh chóng hồi phục do thị trường bất động sản nhà ở giao dịch chậm lại và lãi suất cho vay tăng cao.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH kết cấu thép xây dựng Hưng Yên. Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN

Việc thị trường bất động sản nhà ở giao dịch chậm lại đã khiến nhu cầu thép trong nước giảm.

Cùng đó, lãi suất tăng cũng đè nặng lên chi phí lãi vay của doanh nghiệp thép. Giới phân tích cho rằng, lợi nhuận doanh nghiệp thép chưa thể nhanh chóng hồi phục do những khó khăn này.

Nhu cầu yếu và chi phí vay tăng cao

Theo Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam đã hạ nhiệt kể từ quý II.2022 do sự kiện bắt giữ một số lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn vì vi phạm quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế.

Việc giá nguyên liệu đầu vào cao (bao gồm than cốc và thép phế) và nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm đã gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam.

Từ cuối tháng 9.2022, nhiều doanh nghiệp thép đã công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng lớn như: Công ty CP Thép Pomina (mã chứng khoán: POM) thông báo đóng cửa lò cao - POM 2 kể từ ngày 25.9.2022; Công ty TNHH Thép Miền Nam đã cho nhân viên nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngừng sản xuất trong quý IV.2022.

Công ty CP Tâp đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) thông báo đóng cửa 2 lò cao (trong 3 lò) tại nhà máy Hải Dương và 2 lò cao (trong 4 lò) tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất vào tháng 11.2022.

Nếu nhu cầu tiếp tục yếu hơn kỳ vọng trong tháng cuối năm, Hòa Phát sẽ xem xét đóng cửa thêm 1 lò cao nữa (lò thứ 5) vào tháng 12.2022. Với kế hoạch đóng cửa 5/7 lò cao tại 2 khu liên hợp sản xuất thép, đây là thông điệp rất tiêu cực của ban lãnh đạo doanh nghiệp về nhu cầu thép trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, lãi suất tăng đã đè nặng lên chi phí lãi vay. Tất cả các công ty thép tại cuối quý III.2022 đều đang ở vị thế nợ vay ròng. Do đó, chi phí lãi vay sẽ tăng trong môi trường lãi suất cao hơn. Mặc dù vậy, tỷ lệ Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu của các công ty thép vẫn đang tốt hơn đáng kể so với giai đoạn 2010- 2019.

Tại thời điểm cuối quý III.2022, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đang có nợ vay ròng cao nhất toàn ngành với 26.589 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu của công ty lại ở mức thấp nhất, chỉ 0,27 lần.

Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) và Công ty CP Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) cũng đang tích cực giảm các khoản nợ vay của mình thời gian qua và tỷ lệ Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này đang nằm trong khoảng 0,35-0,75 lần vào thời điểm cuối quý III.2022. Các khoản vay của các công ty thép phần lớn là ngắn hạn nhằm phục vụ tài trợ vốn lưu động.

Tín hiệu cải thiện trong dài hạn


Nhiều tác nhân bất lợi cùng lúc đã khiến lợi nhuận của Hòa Phát sụt giảm. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Chứng khoán VNDIRECT nhận thấy một số tín hiệu có thể là tiền đề cho việc ngành thép được cải thiện. Đó là giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 USD/tấn của năm 2022 xuống lần lượt 258-220 USD/tấn trong các năm 2023-2024 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại.

Giá quặng sắt cũng được dự báo sẽ giảm dần trong dài hạn từ mức trung bình 110 USD/tấn trong năm 2022 xuống lần lượt 90-70 USD/tấn trong hai năm 2023-2024. Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu thép toàn cầu và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ bù đắp phần nào cho việc thị trường bất động sản trì trệ.

Nhu cầu tăng trưởng yếu và nguồn cung nhiều hơn sẽ đẩy giá quặng sắt giảm dần đến tới năm 2024. Giá quặng sắt vào cuối tháng 11.2022 đang giao dịch quanh mức 80 USD/tấn, giảm 45% so với vùng đỉnh hồi tháng 4.2022. Kết hợp với lo ngại suy thoái toàn cầu gia tăng, đợt bùng phát COVID-19 mới và sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu thép và quặng sắt toàn cầu trong những tháng gần đây.

Việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng mới và các điều kiện tín dụng nới lỏng tại Trung Quốc trong những tháng gần đây được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phần nào nhu cầu và giá quặng sắt. Tuy nhiên, các chính sách này đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể hỗ trợ hoàn toàn cho sự yếu kém của ngành bất động sản Trung Quốc.

Khởi công xây dựng mới và doanh số bán nhà tại quốc gia này tiếp tục sụt giảm. Xây dựng bất động sản là ngành tiêu thụ thép lớn nhất của Trung Quốc và ngành bất động sản cũng chiếm tới 30% GDP của quốc gia này. Do đó, nếu lĩnh vực này không sớm ổn định và hồi phục trong thời gian tới, nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Tầm nhìn đến năm 2027, giá quặng sắt được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp hơn trong dài hạn. Sự sụt giảm này đến từ mức tăng trưởng khiêm tốn trong sản xuất thép lò cao (so với thập kỷ trước) từ các nhà sản xuất lớn như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Trung Quốc khi xu hướng toàn cầu chuyển sang trạng thái cắt giảm phát thải.

Mức cầu tăng chậm lại này cũng sẽ diễn ra cùng với nguồn cung ngày càng tăng từ Australia, Brazil và châu Phi, và dự kiến sẽ làm giảm giá quặng sắt cho đến năm 2024.

Theo Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên Australia (DISR), trung bình giá quặng sắt năm 2022 được dự báo đạt 110 USD/tấn, giảm 29,5% so với năm 2021, trước khi giảm xuống dưới 90-70 USD/tấn trong hai năm 2023-2024.

Giá than cốc dùng để luyện thép dự kiến sẽ giảm dần trong thời gian tới. Thực tế, giá than cốc đã giảm mạnh trong tháng 5-7 trước khi phục hồi nhẹ. Nguồn cung than cốc tiếp tục đối mặt với sự gián đoạn do lũ lụt ở Australia và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Giá năng lượng cao trên toàn cầu đã hạn chế hoạt động sản xuất thép, đặc biệt là tại Trung Quốc và châu Âu - nơi tình trạng thiếu khí đốt đang trở nên trầm trọng trong mùa đông.

DISR dự báo trung bình giá than cốc sẽ giảm dần từ mức 420 USD/tấn trong năm 2022, sau khi nguồn cung được dần quay trở lại bình thường. Giá than cốc năm 2024 sẽ chỉ còn 220 USD/tấn.

Việc giá quặng sắt và giá than cốc giảm là góc nhìn dài hạn. Còn hiện tại doanh nghiệp thép vẫn đang phải đối diện với khó khăn lớn nhất là nhu cầu tiêu thụ suy yếu.

Các doanh nghiệp thép chưa ra báo cáo kết quả kinh doanh quý IV, nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp có thể thấy rõ những khó khăn của ngành thép.

Doanh thu của 3 công ty thép niêm yết lớn nhất bao gồm Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen và Công ty CP Thép Nam Kim đã giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái và 18% so với quý trước đó, khi nhu cầu thép yếu khiến cả sản lượng và giá bán đều giảm.

Bên cạnh đó, giá đầu vào tăng cao (giá than cốc, HRC), lãi suất tăng và đồng VND suy yếu đã khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận lỗ ròng trong quý III.2022. Đáng chú ý, nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với lợi thế sản xuất quy mô lớn là Hòa Phát cũng đã lỗ ròng 1.776 tỷ đồng trong quý này, khoản lỗ đầu tiên của công ty kể từ quý IV.2008.

Dự báo thị trường thép trong nước quý IV.2022 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý II.2023.

Theo TTXVN