Thức gác cho mùa xuân biên ải

Chính trị - Ngày đăng : 14:00, 19/12/2022

Phải mất gần một ngày vừa đi vừa ngắm, chúng tôi mới tới Sín Thầu vào lúc những tia nắng cuối chiều miễn cưỡng khuất sau dãy Pu Đen Đinh lừng lững ngang trời...


Tự hào bên cột mốc chủ quyền A Pa Chải

Tôi giấu vào tim những ca từ da diết, ngọt ngào “Chiều biên giới em ơi...” của cố nhạc sĩ Trần Chung, rồi như một lãng tử, cùng mấy người bạn văn chương khăn gói lên đường về lại vùng ngã ba biên giới A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

Nơi thử thách chí trai

Theo lịch trình, đoàn chúng tôi dừng chân tại bản doanh đồn A Pa Chải và thật mừng khi được Ban Chỉ huy đồn nhiệt tình giúp đỡ. Trung tá Đặng Văn Tuấn, Đồn trưởng Đồn A Pa Chải năm nay tuổi xấp xỉ ngũ tuần, nhưng đã có “thâm niên ở rừng” và nhất là “thâm niên... xa vợ”. Trong câu chuyện bên ấm trà tươi, anh vui vẻ cho biết: Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn đường biên cột mốc, Đồn A Pa Chải thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu gặp gỡ để lồng ghép nội dung tuyên truyền cho người dân về tác hại của ma túy; vận động người dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm ma túy. Hằng quý, Ban Chỉ huy đồn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND xã phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm đến nay, các tổ công tác của đồn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong xã và trưởng, phó các bản tổ chức gần một trăm buổi tuyên truyền về phòng chống tội phạm ma túy, xuất nhập biên trái phép, bảo vệ rừng, nạn tảo hôn và di dịch cư tự do... với hơn 10.000 lượt người dân tham gia.

Đang chuyện trò rôm rả, bỗng nhiên Đồn trưởng Đặng Văn Tuấn ngừng lời. Qua ánh lửa bập bùng, tôi nhận thấy hình như có những giọt sương khuya vô tình “rơi” vào đôi khóe mắt của người sĩ quan từng những đêm gần như thức trắng để lên phương án phòng thủ khu vực. Có cảm giác Đồn trưởng Tuấn là người mang tư chất lãng mạn, chả thế mà giữa thời đại 4.0 như hiện nay, anh vẫn duy trì thói quen viết thư cho vợ thay vì gọi điện thoại. Anh lý giải: “Các cụ bảo nét chữ là nết người, đọc thư, thấy chữ như thấy tấm lòng nhau”. Quả là không giống ở đâu vậy... Hoạt động của đơn vị thì rất nhiều, nhưng theo Ban Chỉ huy thành công nhất trong năm qua là dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cấp ủy và Ban Chỉ huy đồn đã phối hợp với các đơn vị chức năng của hai nước láng giềng, thực hiện các buổi trao đổi, tuyên truyền pháp luật và tuần tra song phương. Buổi tuần tra song phương gần đây nhất, qua các mốc số lẻ và mốc tại giao điểm đường phân giới giữa ba quốc gia: Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Nói về hoạt động tuần tra song phương, Đội trưởng Đội tuần tra, Đồn Biên phòng A Pa Chải, cho biết: “Thông thường, các kế hoạch tuần tra song phương được hai bên hoàn thiện chừng một tháng trước, trên tinh thần phối hợp cùng chung trách nhiệm. Qua những buổi tuần tra, nếu phát hiện những dấu hiệu bất bình thường, đơn vị sẽ kịp thời báo cáo cấp trên xin ý kiến chỉ đạo để có biện pháp xử lý phù hợp”.

Cùng chỉ huy đơn vị, chúng tôi đi thăm một số khu nhà ở của anh em chiến sĩ; điều dễ dàng nhận thấy đó là sự sạch sẽ và ngăn nắp như chính tác phong người lính. Mưa nắng lần lữa đi qua, diện tích tự nhiên đồn quản lý vẫn thế và dòng Mo Phí vẫn lặng lẽ khiêm nhường như lẫn vào hệ thống sông suối mật tập trên toàn tuyến biên giới trong tỉnh. Hạ tầng cơ sở của đồn nay đã được đầu tư xây dựng khá khang trang, nhưng nghe nói tầm nửa thế kỷ trước, thế hệ những người lính biên phòng đầu tiên đến đây trong cảnh tiêu sơ và hoang dại đến nao lòng. Thế rồi, trên nền trời biên cương xanh thắm, một lá cờ đỏ sao vàng đột ngột hiện ra và kiêu hãnh tung bay trong mây ngàn gió núi suốt mấy chục năm nắng sớm mưa chiều. Các anh là người của mười quê chín tỉnh, nhưng chung một lý tưởng là lấy đường biên và cột mốc làm nơi thử thách chí trai của những người lính “Tây tiến” thời bình.

Bộ đội của dân


Bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên

Phải giúp đồng bào, đúng vậy, nhưng giúp bằng cách nào? Đó là câu hỏi khiến tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn A Pa Chải nhiều đêm giật mình thức giấc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, một kế hoạch hỗ trợ nhân dân Sín Thầu được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và bài bản. Được sự chung tay đồng lòng của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nhân dân, Đồn A Pa Chải xây dựng 4 nhà “đại đoàn kết” tặng cho 4 hộ có hoàn cảnh khó khăn; tặng thương binh Trang Sế Hừ (bản Long San) 1 "nhà tình nghĩa" trị giá trên 50 triệu đồng. Là người Hà Nhì chính gốc nên hơn ai hết, bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu cảm nhận một cách thấm thía niềm hạnh phúc mà cán bộ, chiến sĩ biên phòng mang lại cho người dân Hà Nhì: “Được anh em Đồn A Pa Chải chia sẻ và giúp đỡ, nhân dân Sín Thầu xúc động lắm, họ bảo các anh đúng là bộ đội của dân thật rồi!”.

Mấy năm nay ở Sín Thầu ngày nào cũng vui như có hội - một thứ lễ hội không mở bằng tín ngưỡng mà mở bằng niềm tin, không mở ngoài thực địa mà mở trong trái tim mẫn cảm của người Hà Nhì, trước những công trình điện, đường, trường, trạm, nước sạch... mà nhiều thế hệ cha ông họ ngay cả nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Không rõ ai là “tác giả” câu khẩu hiệu ngời sáng chất nhân văn: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, chỉ biết để hiện thực hoá chủ trương ấy, nhiều năm qua, lực lượng biên phòng Đồn A Pa Chải đã thực sự “3 bám, 4 cùng” với bà con các dân tộc trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.

Được sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng, tôi đã hơn một lần lên tận mốc “số 0”, để được bồi hồi ngắm tấm Quốc huy với dòng chữ màu vàng: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là điểm tột cùng nơi cực tây Tổ quốc, ở 22026’ vĩ bắc và 103001’ kinh đông. Trước kia, khi Đồn 317 chưa thành lập, cả 2 xã Sín Thầu và Chung Chải đều thuộc quyền quản lý của Đồn 405. Dạo ấy, tính từ mốc số 0 về hai phía, biên giới Việt - Lào dài 38 km và biên giới Việt - Trung cũng dài đúng 38 km. Điều thú vị là trong một thời gian ngắn, cả 3 đơn vị: Đồn 405, lực lượng dân quân du kích xã Chung Chải và Ban Công an xã Sín Thầu, lần lượt được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu trước kia cũng như 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên hiện nay, đây là trường hợp đầu tiên và cũng là trường hợp duy nhất tính đến lúc này.

Dọc hành trình ngược ngàn lên cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú (biên giới Việt - Trung), chúng tôi ai cũng nghe cảm giác bồn chồn dâng trào trong huyết quản. Cùng với các chiến sĩ biên phòng, chúng tôi đi trong bồng bềnh mây bay, trong vi vu gió thổi, trong cảm xúc rưng rưng thức dậy từ tứ thơ trữ tình, lãng mạn: “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn, như đầu sông đầu suối, như đầu mây đầu gió, như trời quê biên cương...”. Đúng là phải lên đây mới thấm thía cái cảm giác giữa đại ngàn bao la huyền bí, con người ta bé nhỏ, yếu đuối và cô đơn đến nhường nào; mới hiểu hết ý nghĩa của các thành ngữ: “Rừng thiêng nước độc”, “Thâm sơn cùng cốc”, “Muôn núi nghìn khe”... Tại bản Tá Miếu, xã Sín Thầu - bản cuối cùng của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu sát nơi ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, các cụ già người Hà Nhì kể rằng cách đây chừng trên dưới ba chục năm, phải là người can trường lắm mới dám một mình làm cuộc độc hành trên đoạn đường này. Chả thế mà hiện giờ tại khu vực ngã ba biên giới, vẫn còn đó những địa danh dân gian “dốc Mai Linh”, “khe Hai Bà Cháu”... Đấy là các nạn nhân từng làm mồi cho những “ông ba mươi” một mắt, những “chàng” gấu thọt 3 chân hoặc những “bà mẹ” lợn lòi đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ...

Không lâu nữa là Tết cổ truyền của người Hà Nhì sẽ được tổ chức. Xin bạn hãy nhập vào vòng xoè, hãy nắm lấy những bàn tay bất kỳ và hãy nhảy đến lúc nào bàn chân thấy mỏi. Mỗi lần nhận bát rượu ngô bạn hãy để ý mà xem, ở A Pa Chải hình như đôi mắt cô gái nào cũng có “sóng khuynh thành”? Chỉ cần một nét lúng liếng thôi, thế là đã quá đủ để bạn không thể từ chối thứ rượu chưa nhấp mà lòng đã ngà say. Thì bạn cứ uống đi, uống thật hết mình, uống mừng cho cuộc sống mới tưng bừng của nhân dân vùng biên giới A Pa Chải nơi tiền đồn Tổ quốc...

Chắc hẳn lúc nào lòng người dân từ quê hương Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... cũng hướng về Điện Biên, nhớ về Đồn Biên phòng A Pa Chải. Xin các mẹ, các chị và các em cứ an lòng và thật hiểu cho, vì người lính biên phòng A Pa Chải còn bận thức gác cho nơi tiền đồn biên ải, để giữ gìn sự bình yên và vẹn toàn chủ quyền đất nước...

TRƯƠNG HỮU THIÊM