Đồng đội
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:15, 25/12/2022
Buổi chiều, tôi đang ở cơ quan thì mẹ ở quê gọi điện, giọng nghiêm trọng:
- Chú Nghĩa phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu đêm qua. Nghe nói viêm phổi cấp. Thím Miên thì cứ sụt sùi bảo nếu ông ấy không đi sang Lào thì đâu đến nỗi ngã bệnh như thế. Con thu xếp công việc, tranh thủ chạy ra giúp thím Miên chăm sóc chú ấy.
Tôi bảo mẹ, hết giờ làm sẽ ra viện ngay. Tình hình bệnh tình chú ấy thế nào sẽ báo về sau, người ở nhà không cần lo lắng. Mặc dù tôi nói vậy, song mẹ vẫn không hết sốt ruột bảo:
- Năm nay mẹ thấy chú ấy yếu đi nhiều. Đã thế lại thường xuyên bị vết thương cũ tái phát hành hạ. Khổ thân. Có cảnh nhà ai éo le thế không...
Ấy là mẹ đang than thở cho chính gia cảnh nhà tôi. Ông bà nội tôi có hai con trai thì bố tôi hy sinh ở chiến trường. Sau khi bố tôi hy sinh, chú Nghĩa được miễn nhập ngũ nhưng vẫn viết đơn lên đường chiến đấu. Sau mấy năm lăn lộn các chiến trường, chú Nghĩa trở về với vết thương ở đầu, mỗi khi trái gió trở giời lại bị vết thương hành hạ. Đã thế hai vợ chồng lại không có con.
- Mẹ đừng nghĩ ngợi nhiều nữa - tôi nói - Chiến tranh có gia đình nào ở quê mình không đau thương mất mát đâu. Quê ta có Bà mẹ Việt Nam anh hùng cả ba người con ra trận đều không về đó thôi. Với lại, những năm qua, chẳng phải các gia đình chính sách luôn được quan tâm chu đáo đó sao.
Nghe tôi nói, mẹ thôi không than thở nữa, bảo:
- Thì mẹ cũng có dám kêu ca gì đâu. Chẳng qua là muốn nói ra cho nhẹ nỗi lòng.
Sau giờ làm, tôi ghé vào cửa hàng hoa quả rồi vội vàng phóng xe lên bệnh viện. Sau khi được các bác sĩ điều trị, chú tôi đã dần bình phục. Thấy tôi, chú Nghĩa tuy còn mệt nhưng vẫn cố nở nụ cười:
- Lại bà ấy gọi điện cho mẹ cháu. Rồi mẹ cháu nóng ruột bắt phải ra xem chú thế nào chứ gì. Những năm chiến tranh ở rừng, sốt rét rụng không còn sợi tóc mà còn không vật ngã được chú, đợt viêm phổi cấp này nhằm nhò gì. Vài bữa là khỏe lại ngay ấy mà. Các bà ấy lúc nào cũng thế.
Tôi chẳng biết đáp sao, chỉ động viên chú cố nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng cho nhanh khỏe bởi so với mấy năm trước, giờ sức khỏe chú cũng yếu đi nhiều. Thím Miên mặt rầu rĩ, bảo:
- Ông già yếu rồi, đừng có lúc nào cũng lấy sức khỏe thời tuổi trẻ ra tự huyễn hoặc mình nữa. Nhà chỉ có hai thân già sống dựa vào nhau. Ông mà có mệnh hệ gì thì tôi biết sống ra sao.
Chú nắm bàn tay nhăn nheo của thím giọng hài hước:
- Sao bà lại nói vậy. Tôi là lính Cụ Hồ mà. Lính Cụ Hồ còn lâu mới già nhé. Tôi còn sống lâu để bà chăm sóc chứ. Bao nhiêu năm chiến trường tôi không được ăn cơm bà nấu rồi nên giờ phải ăn bù.
Câu chuyện của chú khiến không khí phòng bệnh cũng vì thế mà vơi bớt sự nặng nề. Tôi bảo thím, ngày tôi phải đi làm nhưng việc trông nom chú buổi tối tôi sẽ đảm nhiệm. Thím nghe tôi nói than vãn:
- Khổ thân cháu. Có mỗi mình là con trai, việc nhà, việc bên chú thím cũng phải đứng ra gánh vác. Cũng may vợ cháu là người hiểu biết chứ không nó sẽ chẳng thông cảm cho được.
Lúc đưa thím ra bến xe buýt, bà nói:
- Cháu ở bên lựa lời khuyên chú, từ nay đừng đi sang Lào nữa. Giờ chú chỉ nghe lời mỗi mình cháu thôi đó.
Tôi hứa với thím nhất định sẽ nói. Mà cho dù thím không nhờ thì tôi cũng sẽ nói. Bởi quả thực giờ chú đã yếu đi nhiều, việc lặn lội sang mãi nước bạn Lào tìm đồng đội không phải chuyện giản đơn. Lần ngã bệnh phải nhập viện này là một minh chứng.
Hứa với thím Miên nhưng phải mấy hôm sau, khi dẫn chú đi dạo trong vườn hoa bệnh viện, tôi mới dám đề cập đến chuyện đó. Nghe tôi nói, chú Nghĩa vẫn im lặng thả bước. Lát sau chú bảo tôi cùng ngồi xuống một chiếc ghế đá trong vườn hoa. Ánh mắt chú nhìn vào hư không như để sắp xếp lại những mảng ký ức xưa cũ:
- Chú nhập ngũ năm 1971, đầu năm sau được bổ sung vào Trung đoàn 29 bộ binh làm nhiệm vụ chiến đấu giúp nước bạn Lào tại tỉnh Savannakhet cho đến cuối năm 1974. Là người trực tiếp tham gia nhiều trận chiến và cũng là người lo thủ tục chính sách nên hầu như chú chứng kiến tất cả những hy sinh của đồng đội mình. Mặc dù chiến tranh đã qua lâu song trách nhiệm với đồng đội còn nằm lại và gia đình đồng đội luôn canh cánh trong lòng. Để trả món nợ với những người còn nằm lại nơi núi cao, rừng thẳm, chú và những cựu chiến binh đã tổ chức những chuyến trở lại chiến trường xưa tìm đồng đội. Trước cuộc sống xô bồ với bao lo toan thường nhật, để có kinh phí tổ chức các chuyến đi, các chú phải dành dụm từng đồng lương ít ỏi.
Câu chuyện của chú Nghĩa khiến tôi thực sự xúc động. Thì ra, những việc mà chú và đồng đội đang làm đều thấm nặng ân tình. Câu chuyện của chú tiếp tục như thể lâu lắm chú mới tìm được người dốc bầu tâm sự:
- Sau rất nhiều năm, các cựu chiến binh trong đơn vị chú mới tìm lại được nhau. Buổi gặp mặt đã quy tụ được hàng trăm cựu chiến binh trong cả nước và bốn tỉnh của nước bạn Lào tham gia. Sau chuyến gặp mặt đó, điều mà ai cũng canh cánh là những đồng đội mình đang còn nằm lại bên nước bạn Lào. Thế là mọi người tự nguyện đóng góp kinh phí để những cựu chiến binh còn sức khỏe thay mình đi tìm đồng đội. So với các đồng đội, chú thấy mình còn khỏe nên xung phong tham gia. Chuyến đi sang Lào đầu tiên đoàn có một số anh em ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ. Sau 10 ngày len lỏi trong các cánh rừng, bản làng ở tỉnh Savannakhet, dùng ký ức để lần tìm, hỏi thăm dân bản, đoàn các chú đã tìm được một khu vực có 17 mộ liệt sĩ và một khu vực có 5 mộ liệt sĩ quân tình nguyện. Từ sau chuyến đi đó, các chú coi đi tìm hài cốt đồng đội đã là trách nhiệm mà mình sẽ thực hiện đến lúc cuối đời. Điều này thì chỉ những người từng trải qua đạn bom chiến tranh mới hiểu thấu.
- Nhưng việc chú ngã bệnh lần này khiến thím và mọi người trong gia đình thực sự lo lắng - tôi nói - Bởi giờ tuổi chú cũng đã cao. Thím Miên lo lắng cho chú lắm.
Chú Nghĩa trầm ngâm:
- Chú biết. Việc chú ngã bệnh lần này cũng là do chuyến đi vừa rồi thời tiết quá khắc nghiệt, lại phải len lỏi trong rừng sâu nhiều ngày trời. Nhưng cháu biết không. Mỗi hài cốt đồng đội được quy tập giúp nỗi canh cánh trong lòng các chú được vợi bớt. Chuyến đi vừa rồi, trong số các cựu chiến binh có một người lính Tây Tiến giờ đã 91 tuổi cũng hăng hái đi tìm đồng đội. Lúc xe khởi hành thời tiết khá xấu. Tuy vậy, theo kế hoạch mọi người vẫn quyết định lên đường. Cùng đi còn có lãnh đạo một huyện biên giới và cả các chiến sĩ biên phòng. Trời mưa, đường lầy lội, xe trơn trượt, lắc lư suốt chặng đường. Hôm đó đoàn đến bản PhiêngSa để tiến hành tìm cốt một liệt sĩ người Hải Dương có bí danh hoạt động trên đất Lào là Khăm Nhọt. Sau khi người lính Tây Tiến hồi tưởng lại khu vực mình đã mai táng đồng đội và được người dân chỉ chỗ, trên khoảng đất trống sườn đồi, các thành viên dùng máy đo từ trường đất xác định vị trí đồng chí Khăm Nhọt nằm. Khi tìm được hài cốt đồng chí Khăm Nhọt, người lính Tây Tiến òa khóc đỡ nắm đất trộn lẫn xương thịt đồng đội. Từng nắm đất được mọi người cẩn thận gom vào tấm vải liệm. Quá trình hoàn tất, mọi người đốt thêm tuần nhang. Những người trong đoàn ôm chặt, bắt tay cảm ơn các bạn Lào để di chuyển sang các địa điểm khác. Chuyến đi đó, đoàn còn tìm được thêm 3 hài cốt liệt sĩ. Lúc trở về, hài cốt các liệt sĩ phủ cờ Tổ quốc được vòng tay đồng đội khiêng qua biên giới. Cũng trong chuyến đi đó, một cựu chiến binh là lãnh đạo một công ty chế biến nông sản xuất khẩu còn chuẩn bị một số phần quà gồm cặp sách, vở viết... tặng cho các em học sinh bản Lao Khô (Sơn La) và bản Phiêng Sa. Đó là lời cảm ơn, tri ân bà con cô bác hai bản đã giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trong chiến tranh giải phóng, bảo vệ đất nước Lào, Việt Nam và đã chăm lo hương khói bảo vệ mộ phần của các liệt sĩ quân tình nguyện.
Kể đến đó, tôi thấy người lính già đưa vội tay quệt nước mắt. Rồi chú nói:
- Chú không dám hứa đây là chuyến cuối cùng chú đi tìm đồng đội. Bởi trong khi chú và những cựu chiến binh được may mắn trở về sống cuộc sống bình yên bên những người thân yêu thì có rất nhiều đồng đội khác của các chú vẫn đang nằm lại đâu đó trên mảnh đất xa xôi. Họ và người thân cũng khát khao một ngày được đoàn tụ.
Tôi nắm chặt tay chú lòng đầy cảm thông, thấu hiểu. Đúng lúc đó, một tốp cựu chiến binh mặc quân phục xanh xuất hiện. Thấy họ, chú tôi quên mình đang bị bệnh đứng bật dậy vẻ nghiêm trang. Một người lính già tóc bạc phơ nói:
- A. Ông Nghĩa đây rồi. Chúng tôi nghe tin ông đổ bệnh nên tới thăm. Bác sĩ bảo ông vừa đi dạo ra ngoài này nên chúng tôi kéo cả ra đây. Đi lại được thế này là khỏe rồi nhỉ. Có còn sức cùng anh em chúng tôi đi tìm đồng đội không?
Chú tôi dõng dạc đáp:
- Báo cáo thủ trưởng, cơn bệnh vặt sao quật ngã được tôi. Còn một hơi thở, tôi vẫn sẽ cùng các đồng chí đi tìm đồng đội.
Những người lính già nắm chặt tay nhau cười vui vẻ. Tiếng cười của họ khiến khu vườn hoa bệnh viện trở nên ấm áp, xua đi cái lạnh của những cơn gió mùa đông.
Truyện ngắn củaĐINH NGỌC HÙNG