Chuyện về người lính gác tình riêng, xông pha vào mặt trận

Làm theo gương Bác - Ngày đăng : 16:00, 31/12/2022

Trong chiến tranh, người lính ấy vào sinh ra tử, lập nhiều chiến công. Trở về quê nhà, ông cùng gia đình gương mẫu góp công xây dựng quê hương.

Xông pha chiến trường

Cựu chiến binh Nguyễn Lấp sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Thanh Trung (nay là khu dân cư Thanh Trung, phường Chí Minh, TP Chí Linh). Từ khi ông còn trong bụng mẹ, bố ông là cán bộ tiền khởi nghĩa đã anh dũng hy sinh. Là người con duy nhất trong gia đình liệt sỹ, được miễn nhập ngũ, nhưng với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của tuổi trẻ lúc bấy giờ, ông vẫn tình nguyện tham gia quân ngũ vào năm 1968, khi mới 19 tuổi. Ông được biên chế vào Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, trở thành lính trinh sát bộ binh, hoà mình vào dòng chảy của cả dân tộc hướng về mặt trận miền Nam chiến đấu vì khát vọng hoà bình, độc lập.

Cựu chiến binh Nguyễn Lấp đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng di tích Đình Non - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Chí Minh

Ông trực tiếp tham gia nhiều trận đánh trong các chiến dịch lớn như Chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971, Chiến dịch thành cổ Quảng Trị năm 1972. 

Khi được hỏi về lý do sẵn sàng lên đường nhập ngũ, ông tâm sự: “Lúc ấy tuổi trẻ nói chung chứ không phải mình tôi luôn suy nghĩ rằng không có gì quý hơn độc lập tự do. Chúng tôi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng mà lên đường ra trận chứ không nghĩ đến chuyện sống chết. Biết đồng đội nằm kia, vào cứu đồng đội có thể sẽ hy sinh nhưng vẫn vào. Tuổi trẻ của chúng tôi lúc bấy giờ khí thế như vậy đấy”.

Ông vẫn nhớ kỷ niệm khi tham gia vào một trận đánh trong Chiến dịch đường 9 Nam Lào, ông bị địch vây bắt, tưởng chừng sẽ hy sinh. Nhưng nhờ sự mưu trí của bản thân và hỗ trợ của đồng đội, ông may mắn chỉ bị thương và trở về đơn vị sau 5 ngày.

Chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công, tháng 11.1971, ông được đơn vị thưởng về quê nhà nghỉ phép và lấy vợ ở khu dân cư Bích Nham, phường Văn Đức ngày nay. 7 ngày sau khi kết hôn, ông lại gác tình riêng lên đường vào mặt trận. Ông nói: “Bây giờ thời bình, lấy nhau 7 ngày mà đi công tác là đã khó chịu rồi, mà chúng tôi khi ấy còn xông vào chỗ chết”.

Năm 2016 vừa tròn kỷ niệm 45 năm ngày cưới, ông đã viết 200 câu thơ dành tặng cho người vợ của mình nhưng cũng là tâm tình chung của thế hệ thanh niên ở thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX lên đường ra trận. 200 câu thơ đã tóm tắt toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông bên người vợ thân yêu. Có những câu thơ da diết:

“...Bảy ngày sau lễ cưới
Anh lên đường ra trận
Em ở lại hậu phương
Chờ đón tin chiến thắng…"


Ngày 28.6.1972, ngay giữa mưa bom bão đạn khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị, ông được kết nạp vào Đảng. Ông vẫn nhớ như in ngày hôm đó khi đang ở trên chốt thì nhận được điện báo: “Đồng chí Nguyễn Lấp trở thành Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) từ giờ phút này". Trong suốt 81 ngày đêm ác liệt, ông đã cùng đồng đội giữ chốt, giữ thành, chứng kiến biết bao đồng đội đã nằm xuống.

Sau hòa bình, ông phục viên về địa phương làm Bí thư Đoàn xã. Năm 1978, Chiến tranh Biên giới Tây Nam diễn ra, ông tái ngũ công tác tại Huyện đội Chí Linh cho đến năm 1980 chuyển ngành về Nông trường Chí Linh. Những năm tháng tiếp theo, phát huy tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, ông phấn đấu công tác, giữ nhiều vị trí khác nhau và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Trong bất cứ công việc gì, ở bất cứ địa vị nào, dù trong thời chiến hay thời bình, trong lĩnh vực quân sự hay dân sự thì ông đều được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen, huân huy chương các loại, trong đó có 2 Huân chương Chiến công, 1 Huân chương Lao động…

Gương mẫu đời thường

Khu vực Đình Non và Nhà truyền thống khu dân cư Thanh Trung là nơi giáo dục truyền thống quê hương cho các thế hệ học sinh

Năm 2008, ông về nghỉ chế độ. Trở về cuộc sống đời thường trên quê hương Thanh Trung, bằng ý chí, trách nhiệm của người cựu chiến binh và những kinh nghiệm đúc rút qua các cương vị công tác, ông mạnh dạn đóng góp ý kiến với cấp ủy địa phương về phương pháp vận động quần chúng, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là hội cựu chiến binh trong việc gương mẫu thực hiện các dự án, chương trình xây dựng nông thôn mới. Biết để vận động người dân hiến đất là rất khó nên gia đình ông đã tiên phong hiến 250 m2 đất và hỗ trợ xóm làng gần 400 triệu đồng để phá dỡ, xây lại tường bao và làm đường. Giờ đây, diện mạo quê hương Thanh Trung đổi thay nhờ những con đường được trải asphalt rộng tới 7,5 m.

Để ghi nhớ sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Chí Minh, ông đã đứng ra huy động thêm được 600 triệu đồng để đóng góp xây dựng di tích Đình Non vào năm 2014 (tổng giá trị công trình là 1,2 tỷ đồng). Được nhân dân tin tưởng, ông sưu tầm, thống kê danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương bệnh binh, các kỷ vật chiến tranh… Những tư liệu quý giá này hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Nhà truyền thống khu dân cư Thanh Trung - công trình do ông cùng nhân dân địa phương đóng góp xây dựng vào năm 2017. Ngoài ra, ông còn sáng tác bài hát “Chí Minh anh hùng" và xây dựng bộ phim “Chí Linh bát cổ" để dành tặng cho quê hương và thế hệ trẻ mai sau. 

Ông Nguyễn Văn Huệ, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Thanh Trung đánh giá: “Ông Lấp sau khi về hưu rất quan tâm đến công việc ở khu dân cư, đặc biệt là việc xây dựng và tôn tạo khu di tích Đình Non và Nhà truyền thống. Hằng năm, các nhà trường thường tổ chức cho học sinh đến đây để học tập, giáo dục truyền thống quê hương. Khi tham gia triển khai nhiều công việc ở khu dân cư thì ông Lấp được nhân dân rất tin tưởng".

Năm 2022 khi kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ông cùng các đồng đội về thăm lại chiến trường xưa, ôn lại một thời oanh liệt và thắp nén hương tri ân những người đã nằm xuống. Nhân chuyến đi này, ông đã cùng đồng đội ủng hộ 30 phần quà cho những cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó. Trước đó, năm 2020 khi miền Trung bị bão lụt tàn phá, ông cũng tích cực vận động quyên góp giúp đỡ đồng bào khó khăn với những chuyến xe nghĩa tình hướng về miền Trung.

Năm tháng đi qua, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng người chiến sĩ giữ thành cổ Quảng Trị năm xưa vẫn miệt mài với những công việc của địa phương. Ông tâm niệm rằng phải sống có tâm, yêu thương làng xóm, giúp đỡ nhân dân, làm việc nhiều việc thiện đóng góp cho quê hương. Đây cũng là cách ông giáo dục con cháu của mình. 

LINH LINH