Quyết tâm thực hiện thắng lợi đa mục tiêu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 01/01/2023

Nhân dịp bước sang năm mới 2023, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Hải Dương về những nỗ lực của tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và những định hướng lớn trong năm 2023.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng quảng bá vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh trong chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại tỉnh Kagoshima (Nhật Bản), tháng 7.2022

- Thưa đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2022 đã khép lại với nhiều biến động và bất lợi nhưng phải khẳng định Hải Dương đã nỗ lực, cố gắng vượt bậc. Đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được?

- Hải Dương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến rất khác biệt so với thời điểm xây dựng kế hoạch. Các diễn biến liên quan đến cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraine gây ảnh hưởng lớn tới cục diện kinh tế thế giới. Chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc không chỉ khiến nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất bị hạn chế mà còn ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa. Ở trong nước, dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, nhất là áp lực từ lạm phát làm giá cả hàng hóa, nguyên liệu, chi phí vay vốn tăng cao…
Mặc dù phải đối mặt với khó khăn, thách thức khó lường nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022 của Hải Dương tiếp tục có nhiều gam màu tươi sáng. Kinh tế phục hồi khá, hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh dần trở lại quỹ đạo thời điểm trước dịch Covid-19 và bắt nhịp theo tình hình mới. Tỉnh cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát. 

Năm 2022, Hải Dương thực hiện hiệu quả hơn việc cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch nhanh sang ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năm 2021, tỷ lệ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 9,5%, công nghiệp, xây dựng chiếm 60,2%, dịch vụ là 30,3%; sang năm 2022 tỷ lệ này tương ứng là 8,9% - 62% - 29,1%. 

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là điểm sáng nổi bật trong năm 2022 của tỉnh. Dù bối cảnh, tình hình nhiều bất lợi nhưng thu ngân sách vẫn đạt khá, vượt hơn 30% so với dự toán năm. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng tốt, nhất là sản xuất công nghiệp đã khởi sắc và giữ đà tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9%, cao hơn 0,4% so với năm 2021. Du lịch nội địa được thúc đẩy gắn với an toàn dịch bệnh. Tỉnh đón, phục vụ hơn 1,2 triệu lượt khách, tăng gần 90 lần và thu gần 600 tỷ đồng, tăng gần 48 lần so với năm 2021. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục tạo được bứt phá. Trong điều kiện khó khăn, nhiều địa phương linh hoạt, chủ động để về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hết năm 2022, toàn tỉnh có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, Hải Dương đặc biệt chú trọng, quan tâm tới lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội nên gặt hái được nhiều “quả ngọt”. Chất lượng phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì, nâng cao khi giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn khẳng định vị thế. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia tiến bộ vượt bậc với vị trí thứ 3 toàn quốc. Tỉnh tổ chức thành công môn bóng bàn Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và vận động viên Hải Dương đoạt huy chương vàng bóng bàn duy nhất cho Việt Nam, qua đó góp phần tạo dựng, quảng bá hình ảnh Hải Dương thân thiện, mến khách, năng động, phát triển trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. An sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được duy trì, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội.

 Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra mô hình nuôi cá lồng ở xã Nam Tân (Nam Sách)

- Đồng chí có thể phân tích kỹ hơn về những điểm nhấn trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của tỉnh ta?

- Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Hải Dương nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Để khơi dậy tinh thần, khí thế sản xuất, kinh doanh bị suy giảm bởi dịch bệnh, tỉnh có nhiều sáng kiến, tổ chức thành công các chương trình, lễ hội thu hút đầu tư, thương mại hiệu quả, đọng lại ấn tượng sâu sắc. Lễ hội cà rốt, vải thiều, rươi cáy là điểm nhấn nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp. Vượt lên trên những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nông nghiệp Hải Dương khẳng định vai trò trụ đỡ. Các hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản chủ lực đã mở ra nhiều cơ hội mới cho nông nghiệp Hải Dương.

Hải Dương cũng đón nhận những tín hiệu tích cực về môi trường đầu tư khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 tăng 34 bậc, đứng thứ 13 cả nước. Từ nền tảng này, Hải Dương quyết liệt triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, khơi thông các nguồn lực. Thường xuyên rà soát, nắm bắt những vướng mắc của doanh nghiệp để chủ động, tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp, chính sách được cụ thể hóa bằng hội nghị xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản, tọa đàm xúc tiến vốn đầu tư nước ngoài Hàn Quốc…

Một trong những dấu ấn quan trọng trong năm 2022 của Hải Dương là tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển liên kết vùng ngày càng đi vào thực chất, đi vào chiều sâu theo nguyên tắc chia sẻ, đồng thuận, cùng phát triển. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đã tập trung triển khai dự án giao thông kết nối liên tỉnh là cầu Đồng Việt và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối với tỉnh Bắc Giang; cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối với tỉnh Bắc Ninh. Thỏa thuận xây dựng mô hình liên kết kinh tế theo trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái của 4 địa phương Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đường trục Đông - Tây dài 36,5 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng được khởi công, khi hoàn thành sẽ mở rộng liên kết mạng lưới đường 393, 391, 396, 392C với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 38B và 37, mở rộng liên kết giao thương khu vực phía nam tỉnh với các địa phương bạn. Hải Dương còn hợp tác với hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang trong việc hoàn thiện hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. 

Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Công tác lập quy hoạch tỉnh còn chậm so với kế hoạch đề ra. Việc triển khai một số đề án, dự án ưu tiên theo quy hoạch, chương trình phát triển đô thị chưa được như mong đợi. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước gặp khó khăn do bối cảnh không thuận lợi. Vẫn còn một số dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm. Giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu đề ra. Cải cách hành chính tuy có chuyển biến tích cực song chưa có sự đột phá trong một số lĩnh vực như cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Vẫn còn một số cuộc thanh tra kéo dài thời gian so với quy định; việc đôn đốc, thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra đạt tỷ lệ chưa cao. Chất lượng thực thi công vụ, trách nhiệm, sự tận tuỵ của một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế…

- Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2026. Xin đồng chí cho biết những giải pháp lớn để Hải Dương bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ?

- Năm 2023 dự báo sẽ có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình cũng có thể biến chuyển ngoài dự báo. Hải Dương sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, tập trung chuyển từ chiến lược “mục tiêu kép” thành chiến lược “đa mục tiêu”. Vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm năng lực y tế, an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của các cấp, các ngành trong năm 2023. Tỉnh đề ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, gồm 6 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội và 2 chỉ tiêu về môi trường. Hải Dương đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 trên 9% so với năm 2022.

Hải Dương sẽ tập trung hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, chậm nhất trong quý I.2023 phải hoàn thành để tạo tiền đề phát triển, dẫn dắt các lĩnh vực khác. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Rà soát, kiến nghị kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là những chồng chéo trong pháp luật về đầu tư, đất đai làm cơ sở khai thông nút thắt trong thu hút đầu tư. Quyết tâm, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ cho các thành phần kinh tế phát triển. Kiên trì các hoạt động tư vấn, xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư. Linh hoạt, chủ động trong đối thoại, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, uy tín cao, các dự án có chất lượng đầu tư vào tỉnh. Nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc hợp tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Kiên quyết xử lý những cá nhân sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Quan tâm hỗ hợ phát triển doanh nghiệp địa phương, làm tốt công tác quản lý nhà nước sau cấp phép đầu tư. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Hải Dương sẽ quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, quan trọng có sức lan tỏa để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Trước hết sẽ tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị-xã hội, các ngành nội chính của cấp huyện tham gia vào giải phóng mặt bằng để nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kết nối vùng theo chương trình, nội dung thống nhất với các tỉnh, thành phố bạn. 

Liên kết hợp tác phát triển sản xuất và cung ứng sản phẩm nông sản sạch, đào tạo nguồn nhân lực, dịch vụ vận tải kho bãi, dịch vụ tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng. Quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm năm 2023 giải ngân hết 100% vốn giao của các cấp ngân sách. Xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Tỉnh tiếp tục đánh giá, rà soát các nguồn thu, dự án tạo nguồn thu. Trên cơ sở phương án rà soát đất đai, tài sản công đã được phê duyệt để xây dựng phương án sử dụng, xử lý có hiệu quả, tạo thành nguồn lực lớn phục vụ đầu tư phát triển. Đẩy nhanh việc tính tiền sử dụng đất của các dự án khu đô thị, khu dân cư đã lựa chọn xong nhà đầu tư. Kịp thời xác định nghĩa vụ tài chính và tổ chức thu tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà đầu tư đã được giao đất nhưng còn nợ tiền sử dụng đất. Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Dồn lực cho phát triển kinh tế, Hải Dương cũng quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Phát huy các giá trị văn hóa, tạo nền tảng xã hội an toàn, ổn định, an sinh. Tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nâng cao chất lượng toàn diện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tăng cường cơ sở vật chất ngành y tế, giáo dục, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khám chữa bệnh. Trước mắt, phải bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Để triển khai hiệu quả các giải pháp trên, tỉnh sẽ phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát hiệu quả. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác cán bộ, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm. Tất cả vì sự phát triển của Hải Dương.

Nhân dịp năm mới 2023, qua báo Hải Dương, tôi xin gửi lời chúc tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp sức khỏe, hạnh phúc, đạt được nhiều thắng lợi, góp sức xây dựng quê hương Hải Dương ngày càng giàu đẹp!

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh!

PV(thực hiện)

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, mục tiêu năm 2023
(Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII)

Kết quả năm 2022

- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9% (kế hoạch tăng 10% trở lên).

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá, tăng hơn 30% so với dự toán năm.

- Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 21.100 tỷ đồng (kế hoạch năm 21.300 tỷ đồng), tăng 3,4% so với năm 2021. 

- Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 330.100 tỷ đồng (kế hoạch năm 328.100 tỷ đồng), tăng 11,8%; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đạt 309.400 tỷ đồng (kế hoạch năm là 306.600 tỷ đồng), tăng 11,9%.

- Tổng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt 46.800 tỷ đồng (kế hoạch năm là 45.400 tỷ đồng), tăng 8,4%.

- Giá trị hàng hóa xuất khẩu 10.514 triệu USD (kế hoạch năm 10.700 triệu USD), tăng 6,6%; hàng hóa nhập khẩu 8.655 triệu USD (kế hoạch năm 8.360 triệu USD), tăng 13,8%.

- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 345,5 triệu USD, tăng 8,2%.

- Đến hết năm 2022, dự kiến có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 33,1%; 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 7,9%, vượt mục tiêu đề ra (kế hoạch năm 6,2%).

- Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được giữ vững; chất lượng học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, lần đầu tiên xếp thứ 3 toàn quốc về số lượng giải. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022 mới có 661 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 78,5% (kế hoạch năm 82,8%).

- Giải quyết việc làm mới cho trên 41.000 lao động (kế hoạch năm là 36.000 lao động), tăng 14,4%, vượt mục tiêu đề ra.

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,75% (kế hoạch năm 1,75%), giảm 0,4% so với kết quả rà soát năm 2021, đạt mục tiêu đề ra.

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 91,75% số dân (kế hoạch năm là 92%), đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (theo Quyết định số 564/QĐ-TTg ngày 29.4.2022).

Mục tiêu năm 2023

- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 9%.

- Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP đạt 33%.

- Thu ngân sách nội địa phấn đấu tăng 10% so với dự toán năm.

- Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 194 triệu đồng.

- Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đến cuối năm đạt 12,4%. 

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15% so với thực hiện 2022.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ đạt 32,5%.

- Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có bảo hiểm xã hội đạt 48,6%.

- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,6%. 

- Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia: mầm non 70,4%; tiểu học 94,3%; THCS 88,8%; THPT 67,9%.

- Cuối năm 2023 đạt 32 giường bệnh/10.000 dân (không tính trạm y tế xã); đạt 9,7 bác sĩ/10.000 dân.

- Tỷ lệ làng, khu dân cư văn hóa đạt 93%; tỷ lệ cơ quan văn hóa đạt 87%.

- Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,6% (theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021- 2025).

- Tỷ lệ các cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%.

- Tỷ lệ các doanh nghiệp được phê duyệt đánh giá tác động môi trường đạt 100%.