An toàn công trường xây dựng
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:54, 10/01/2023
Câu chuyện về vụ bé Hạo Nam (10 tuổi, ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) bị rơi vào trụ bê tông rỗng tại công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi) chắc chắn là một trong những thông tin thời sự được nhiều người chú ý nhất tuần qua. Hàng triệu trái tim Việt Nam hướng về Đồng Tháp, ngóng theo từng nỗ lực cứu hộ cháu bé, cầu nguyện mong vào một phép màu. Rồi từ hy vọng đến thất vọng, thương xót vô cùng khi phép màu đã không xảy ra.
Đằng sau câu chuyện này, nhiều người nêu ý kiến về những bài học trong công tác cứu hộ, nhưng đáng chú ý nhất, được bàn đến nhiều nhất là việc bảo đảm an toàn của các công trường xây dựng. Việc này đang thực sự đáng báo động không phải chỉ ở Đồng Tháp, mà ngay tại Hải Dương.
Hiện trường vụ tai nạn người đi xe máy lao xuống cống đang thi công và tử vong. Ảnh tư liệu
Đến giờ, khung cảnh tang thương vẫn bao trùm căn nhà trọ cấp 4 của gia đình chị Nguyễn Thị Diễm ở phố Hoàng Lộc, phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương). Cháu Nguyễn Ngọc Trung N. con chị Diễm đã ra đi mãi mãi trong một vụ tai nạn tại khu vực đang thi công hạ tầng khu dân cư Trái Bầu chiều 9.10.2022. Hôm đó, đám trẻ con ở phố vui chơi trong sân nhà văn hóa, gần sát công trường xây dựng. Thấy không có rào chắn, con chị cùng bạn tò mò rủ nhau vào công trường, chẳng may cháu N. bị rơi xuống hố sâu chứa nước nên tử vong. Câu chất vấn của chị Diễm chắc chắn sẽ khiến không ít người phải trăn trở: “Công trình xây dựng sát khu dân cư đông đúc mà lại không rào chắn, người trông nom cũng chẳng thấy đâu. Cháu mới 12 tuổi, còn cả tương lai phía trước... không đau xót nào bằng”.
Trước đó, ngày 27.9.2022, em Đỗ Tùng L. 16 tuổi, ở phường Tân Hưng cũng tử vong thương tâm tại khu đô thị Tân Phú Hưng (cùng TP Hải Dương). Vị trí em L. gặp nạn chưa giải phóng mặt bằng xong, chủ đầu tư làm đường dang dở, không có rào chắn và cảnh báo khu vực nguy hiểm. Em L. đi xe máy lúc trời tối, quan sát khó khăn nên đã rơi xuống hố sâu tử vong.
Các công trình đang thi công tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ không chỉ với người lao động trực tiếp làm việc tại công trường mà cả người dân không liên quan cũng sẽ gặp nạn nếu nhà thầu không chú trọng khâu an toàn. Công trường xây dựng thường ngổn ngang vật liệu, hạ tầng chưa hoàn thiện nên có thể gây ra tai nạn bất cứ khi nào. Các công cụ và thiết bị nặng có thể rơi từ trên cao xuống gây họa cho công nhân hoặc người qua đường gần khu vực thi công; rồi nguy cơ rơi xuống hố sâu, bị điện giật…
Một điều dễ nhận thấy ở các vụ tai nạn vừa xảy ra trên các công trường xây dựng tại Đồng Tháp cũng như Hải Dương là đơn vị thi công chưa chú ý và chấp hành tốt quy định bảo đảm an toàn cho khu vực đang thi công như không có rào chắn, cảnh báo nguy hiểm, để người không có nhiệm vụ vẫn có thể ra vào công trường. Các cháu nhỏ có thể ra vào công trường một cách tự do và tai nạn chết người đã xảy ra. Sau tai nạn, những tấm biển cảnh báo mới được dựng lên.
Có thể vài tháng nữa, dư luận sẽ dần lãng quên, sẽ bị cuốn theo những mối quan tâm khác. Nhưng nỗi đau mà những vụ tai nạn thương tâm này gây ra với gia đình nạn nhân sẽ là mãi mãi. Siết chặt quản lý an toàn tại các công trường xây dựng là nhiệm vụ cấp thiết mà những người có trách nhiệm phải làm ngay. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công, nêu cao trách nhiệm của chủ đầu tư… Có như vậy mới hạn chế được những vụ tai nạn đau lòng. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
KIM THANH