Hai người đồng chí
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:30, 03/02/2023
Xuống xe, vợ chồng tôi quyết định đến thẳng bệnh viện. Thấy tôi có biểu hiện choáng váng, Nghĩa - chồng tôi nói:
- Đi xe suốt chặng đường dài em mệt rồi, để anh gọi taxi.
Tôi lắc đầu:
- Em không sao. Say xe nên hơi váng vất chút thôi. Bệnh viện ở cách đây một đoạn, vợ chồng mình đi bộ cũng được.
Nghĩa tôn trọng ý kiến của tôi. Anh mang hết ba lô, túi xách để tôi đi người không cho đỡ mệt. Lâu không về quê, phố phường thay đổi nhiều nét không còn nhận ra.
Tôi, một cô giáo miền xuôi sau khi tốt nghiệp sư phạm lên miền núi nhận công tác. Lúc đầu dự định sau một thời gian cắm bản sẽ tính chuyện chuyển về xuôi nhưng rồi lại gắn bó với vùng núi cao và các bản làng cho đến tận bây giờ. Lý do đủ lớn để tôi quyết định chọn miền núi là quê hương thứ hai chính là tình yêu với Nghĩa, chàng sĩ quan biên phòng. Quê anh ở vùng châu thổ sông Hồng nhưng vì cảm phục cha là bộ đội hy sinh trong chiến tranh biên giới nên Nghĩa chọn khoác lên mình màu xanh áo lính. Từ khi cưới nhau, bằng tình yêu, chúng tôi đã vun vén, dựng xây gia đình đầm ấm, hạnh phúc với hai đứa trẻ dễ thương. Tuy vật chất không hẳn đủ đầy song vợ chồng tôi thấy hài lòng vì cuộc sống bình dị ấy. Điều khiến vợ chồng tôi canh cánh là do điều kiện công tác, đường sá xa xôi, mỗi năm chúng tôi về thăm gia đình hai bên không được nhiều. Mấy năm rồi vì dịch Covid-19 căng thẳng, Nghĩa phải cùng đồng đội dựng lều, cắm chốt trong rừng, thay nhau túc trực, tuần tra kiểm soát, giám sát biên giới 24/24 giờ, không để người dân qua lại biên giới trái phép, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh nên việc về thăm người thân dưới xuôi càng khó khăn hơn. Đến hạnh phúc gia đình hằng ngày vợ chồng tôi cũng phải gác lại. Đó là những thiệt thòi tôi đã xác định khi chấp nhận trở thành hậu phương người lính.
Nhưng việc ông nội ốm phải nhập viện lần này thì tôi không thể không về. Bà nội tôi thì đã mất cách đây chục năm. Nghĩa quyết định cắt phép về cùng tôi. Ông nội không chỉ là ruột thịt mà còn là tuổi thơ của tôi. Mặc dù ông bị hỏng hai mắt song từ bé đến khi tôi bước chân vào đại học, tôi luôn được ông dạy dỗ những bài học thấm đẫm nhân văn. Từ khi lên miền núi cắm bản dạy học, người mà tôi nhớ nhất cũng là ông nội.
Đã liên lạc điện thoại trước nên bố mẹ tôi ra tận cổng bệnh viện đón hai đứa. Vừa thấy bố mẹ, tôi ôm chầm lấy, vội vàng hỏi:
- Ông sao rồi ạ - tôi sụt sùi.
Thấy con gái thế, mẹ tôi cũng xúc động. Bố tôi nói:
- Kìa. Hai mẹ con hay nhỉ. Gia đình được đoàn tụ phải vui chứ sao lại ủy mị thế. Nhất là con gái lớn. Đã là cô giáo chứ không còn là cô bé hay khóc nhè ngày xưa đâu đấy. Ông được các bác sĩ chăm sóc đã hồi phục rồi. Bác sĩ bảo chỉ vài ngày nữa là có thể ra viện.
Bố tôi là lính đảo Trường Sa, dù đã về nghỉ hưu, chất lính vẫn vẹn nguyên nơi bố. Thấy mọi người đã trở lại vui vẻ, bố quay sang nói với tôi:
- À mà Nguyệt này, hôm nay đến thăm ông còn có một người đặc biệt. Xem con có nhận ra ai không?
Nghe bố nói, tôi cũng thấy hồi hộp. Và người đặc biệt mà bố nói quả đã khiến tôi bất ngờ.
- Ông nội. Bà Son - tôi nhào tới ôm lấy cả hai trong sự sung sướng ngỡ ngàng.
- Ngạc nhiên lắm phải không- bà Son nói-nghe ông nội cháu đau bệnh nên bà nóng ruột tìm về thăm.
Sau một hồi hỏi han ông nội, tôi quay sang trò chuyện với bà Son. Thật không ngờ lại có ngày tôi được gặp bà ở đây. Bà Son và ông nội tôi đều đã ở ngưỡng trăm tuổi. Mái tóc bà bạc trắng, làn da đã điểm những vết đồi mồi song giọng nói vẫn thanh thoát. Với gia đình tôi, bà không chỉ là chỗ gần gũi thân thiết mà còn là ân nhân. Chính bà đã đứng ra làm chứng để ông nội tôi được hưởng chế độ trợ cấp vì nuôi giấu cán bộ bị Pháp bắt tra tấn mù hai mắt.
Bà Son là một cán bộ tiền khởi nghĩa, sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, cha từng có các hoạt động tham gia chống Pháp. Khi mới 13 tuổi, bà được một người anh họ xin vào làm chân phục vụ tại một tổ bếp của người Pháp ở nhà máy tơ. Lúc đó, người anh họ là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đang sinh hoạt tại chi bộ bồi bếp đã hướng cho bà tham gia các hoạt động của thanh niên ở đây. Qua thời gian, bà giác ngộ và hăng hái tham gia hoạt động rồi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Sau đó, do giặc Pháp lùng sục gắt gao, bà được tổ chức cho trở về địa phương gây dựng phong trào. Những ngày đó, bà tích cực về các vùng quê xây dựng tổ chức Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ quần chúng, vận động công nhân đấu tranh.
Để bảo đảm bí mật, bà phải cải trang là thợ dệt thuê đến ở nhờ nhà cụ nội tôi. Đói khát, khổ cực, lại bị giặc vây ráp nhưng do được bà con cưu mang, giúp đỡ nên bà và các đồng chí đã gây dựng tốt phong trào cách mạng. Ông nội tôi kể, lần đó, trên đường đi công tác, bà Son cùng một đồng chí nữ đến ở nhà cụ nội tôi. Hôm đó, do lặn lội qua cánh đồng nên hai người về đến nơi quần áo ướt hết cả. Nhà cụ nội tôi vốn nghèo, cụ bà lúc đó chỉ có hai chiếc váy. Thấy bà và người đồng chí phải mặc quần áo ướt, cụ nội tôi bảo nhà có ba người phụ nữ mà chỉ có hai chiếc váy thì mặc thế nào được. Rồi cụ bảo cụ bà đi mua vải về may quần cho bà Son và đồng chí mình thay.
Bản thân ông nội tôi khi đó là một thanh niên mới lớn cũng được bà Son giác ngộ tham gia hoạt động. Nhờ có các tổ chức Đảng được khôi phục, phong trào cách mạng ở địa phương đã có những bước phát triển. Các cán bộ thường xuyên tổ chức rải truyền đơn, tuyên truyền binh lính địch bỏ hàng ngũ đi theo cách mạng. Để vận động quần chúng, vận động binh lính, bà Son tự sáng tác các bài thơ vần cho dễ nhớ, dễ đi vào lòng người.
Để rải truyền đơn, bà và các đồng chí mình thường tìm cách lân la, tiếp cận binh lính địch để tìm cơ hội. Bởi vậy, lính khố đỏ, khố xanh ở các đồn bốt địch khá quen mặt. Từ sự quen biết đó, bà và các đồng chí nắm được những hoạt động sẽ diễn ra của giặc để rải truyền đơn, binh vận. Có lần, bà và một đồng chí nữ được giao nhiệm vụ lên thị xã rải truyền đơn. Nắm được lịch của địch hôm đó sẽ tập luyện ngoài thao trường, đến khu vực bãi tập, các bà tìm cách tiếp cận chuyện trò. Sau đó, đồng chí nữ đi cùng giả vờ vào trại lính đi vệ sinh nhờ rồi lấy truyền đơn giấu trong người tung ra khắp nơi. Hoàn thành nhiệm vụ, bà và các đồng chí bí mật rút lui.
Sau này, ông nội tôi bị giặc Pháp bắt trong một lần mang tài liệu vượt sông. Tài liệu ông thả theo dòng nước nên không bị rơi vào tay địch nhưng ông bị bọn mật thám nhận mặt. Chúng dùng đủ cách mua chuộc để ông khai ra nơi che giấu cán bộ. Không khai thác được gì, ông bị chúng đánh đập, tra tấn dã man, đến lúc được thả ra đã trở thành người tàn phế mù hai mắt. Về phần bà Son và các đồng chí trong tổ chức, để tránh bị lộ nên được bố trí sang địa phương khác hoạt động. Sau bà bị bắt tù đày đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công mới được trả tự do.
Sau cách mạng, bà Son thoát ly công tác nhưng tình cảm với những nơi đã từng cưu mang mình trong những ngày hoạt động vẫn không thể phai nhòa. Trong một lần trở lại thăm, biết ông tôi bị giặc Pháp bắt tra tấn mù hai mắt vì tội che giấu cộng sản, bà đã đến các cơ quan chức năng đề nghị và làm chứng để ông nội tôi được hưởng chế độ trợ cấp. Từ đó, tình cảm giữa bà và gia đình tôi càng khăng khít. Mọi người đều coi bà là một thành viên trong gia đình. Không chỉ với gia đình tôi, các cơ sở đã từng nuôi giấu cưu mang bà trong những ngày hoạt động, bà đều trọn vẹn như thế. Mặc dù tuổi đã cao nhưng năm nào bà cũng về những nơi mình hoạt động năm xưa thăm bạn bè, đồng chí, những gia đình đã từng cưu mang. Trong những chuyến đi của bà có cả những chuyến lặn lội bảo vệ công lý, cuộc sống của những người đã từng hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho đất nước từ những ngày đen tối, những gia đình đã không ngại hiểm nguy nuôi nấng, che giấu cán bộ như ông tôi.
Việc bà về thăm khi ông nằm viện hôm nay khiến những người trong gia đình tôi không khỏi xúc động. Khi gia đình tôi nói lời cảm ơn, bà cười hiền bảo: “Cả đời tôi đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ. Nghe theo lời dạy của Bác, lúc nào cũng phải nghĩ đến dân, tôi luôn phấn đấu làm đúng như vậy. Nó không chỉ là tình cảm yêu quý chân thành, sự nhung nhớ, biết ơn những mảnh đất, những con người đã cưu mang, che chở những tháng năm hoạt động cách mạng đầy khó khăn, hy sinh mà còn là nghĩa tình, trách nhiệm của người cách mạng”.
Rồi bà hỏi ông tôi còn nhớ bài thơ bà và các đồng chí đã làm để vận động quần chúng, vận động binh lính không. Ông nội tôi gật đầu bảo có. Rồi cả hai cùng nhẩm đọc lại như thể vừa mới hôm qua: “Anh Quyền ơi, đoái trông quần chúng nước non nhà/ Bị người hà hiếp đến bao giờ mới được tự do/ Bổn phận anh phải tính lo/ Việc tuyên truyền vận động đắn đo anh phải làm/ Phải tổ chức phải kết đoàn/ Cùng anh em vô sản thế giới phá tan sự bất bình...”.
Ngoài cửa sổ, mưa xuân rắc trên những lộc non mơn mởn vừa đâm chồi.
Truyện ngắn củaĐINH NGỌC HÙNG