Đình Xạ Sơn đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 09:30, 20/02/2023

Đình Xạ Sơn ở xã Quang Thành (Kinh Môn) thờ 5 vị thành hoàng làng có công dựng làng, giữ nước. Ngôi đình lưu dấu tích của kiến trúc thời Lê và giữ được nhiều đồ tế tự quý.


Đình Xạ Sơn thờ 5 vị thành hoàng có công dựng làng, giữ nước


Chiến công dựng làng, giữ nước

Căn cứ thần tích đình Xạ Sơn được phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), đầu thời kỳ tiền Lê (thế kỷ thứ X), Lỗ Vương họ Đô tên Lỗ, người trang Từ Sơn, trấn Kinh Bắc làm nghề đánh cá trên sông. Cuối đời, Đô Lỗ xuôi thuyền đến địa phận Xạ Sơn thấy phong cảnh hữu tình, ông dừng thuyền buông lưới. Lỗ Vương đã gắn bó với dòng sông và mất tại địa phận Xạ Sơn. Vào một năm trời hạn hán kéo dài, dân làng Xạ Sơn lập đàn cầu đảo, được mưa lớn cứu nhiều ruộng vườn, hoa màu và gia súc. Người dân cho rằng có sự phù giúp của ông Đô Lỗ nên lập miếu thờ hương khói quanh năm.

Đến thời nhà Lý, giặc Ai Lao chiếm bờ cõi, nhà vua cho chiêu hiền, đãi sĩ, tìm người đánh giặc cứu nước. Đích thân nhà vua cầm quân đánh giặc, đánh một trận lớn mà chưa phân thắng bại, nhà vua lui quân về đóng tại Xạ Sơn. Tại đây, vua thấy có 4 chàng trai làng khôi ngô tuấn tú tên là Đào Thành, Phạm Minh, Nguyễn Triết và Vũ Oai, cả 4 thanh niên đều thông minh, dũng lược. Nhà vua bèn thử tài cho tu tạo cầu Điền, trong 3 ngày đã hoàn thành. Thấy đây là những người tài giỏi, vua liền thu nhận vào đội quân, phong quan tước. Đêm đó nhà vua đang nằm ngủ, bỗng có một ông lão đến quỳ trước nơi vua nằm mà tâu rằng: “Thần chính là do thiên đình giáng xuống làm Phúc Thần của bản trang này. Nay nghe tin Hoàng Đế thân chinh cầm quân đi đánh giặc, thần nguyện âm phù, dương trợ để đền ơn quốc lộc”. Vua tỉnh dậy biết là thần nhân báo mộng, liền làm lễ tạ. Sau đó cùng 4 tướng công và các đình thần xuất binh tiến thẳng đến đồn giặc. Đang giáp chiến, bỗng trời mưa như trút nước, gió thổi ào ào, sóng dâng cuồn cuộn, quân giặc đại bại. Từ đó đất nước thanh bình.

Kiến trúc của đình mang dấu ấn thời Lê

Thắng trận, vua cùng Tứ Công về đồn sở ăn mừng chiến thắng. Trong lúc yến tiệc chưa kịp mở, 4 vị tướng công ra bờ sông nơi cầu mới, rồi cả 4 tướng công cùng hóa ngay bên sông. Vua lập tức ban cho tiền bạc làm hương hỏa, phong tước cho 4 ông; cho lập đền thờ và cho rằng trong chiến công thắng giặc có ông Đô Lỗ phù giúp nên phong tước cho cả ông. Đô Lỗ được phong Lỗ vương Thành vũ Đại vương, Đào Thành được phong Hoàng Tế Đại vương, Phạm Minh được phong Phổ hộ Đại vương, Nguyễn Triết được phong Hiển linh Đại vương và Vũ Oai được phong Doãn phủ Đại vương. Dân làng Xạ Sơn đã tôn cả 5 ông làm thành hoàng. Các đời vua đều phong mỹ tự “Thượng đẳng phúc thần” và ban sắc cho các ông.

Lưu giữ nhiều đồ tế tự quý

Đình Xạ Sơn lúc đầu chỉ có 3 gian quay mặt về hướng nam. Sau lần trùng tu, đình có 5 gian và hướng đình được thay đổi về phía tây. Nguyên nhân thay đổi hướng đình được dân làng lý giải vì tuổi thọ của dân làng thấp so với các làng xung quanh. Họ cho rằng bởi tại hướng đình nên cả làng họp và thống nhất thay đổi hướng của ngôi đình. Ngôi đình được chạm trổ tinh xảo. Hiện nay dấu tích của kiến trúc thời hậu Lê của ngôi đình vẫn còn ở các đầu dư của gian trung tâm và một số bức chạm ở các mảng cốn. Đến thời Nguyễn, vào năm 1848, đình được tu bổ lại, sắm thêm nhiều đồ tế tự. Hàng cột cái đồ sộ, đường kính tới 55 cm cùng hàng cột quân cũng bằng gỗ lim đã tạo thế vững chắc cho toàn bộ phần kiến trúc và điêu khắc. Hậu cung dài 6 m, rộng 5,5 m được ngăn cách với gian giữa bằng bộ cửa bức bàn chấn song con tiện. Kiến trúc hậu cung theo kiểu kèo cầu không có chạm khắc. Bên trong hậu cung có sập thờ lớn trên có 5 ngai thờ, trên các ngai thờ đều có đài quả, sơn son thếp vàng, hộp đựng sắc phong, kiếm thờ. Phía trước ban thờ có đặt 1 long đình cao gần 2 m, sơn son thếp vàng, nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Đình Xạ Sơn có nhiều đồ tế tự quý, tuy chiến tranh và thiên tai đã làm hư hại mất một phần. Hiện tại đình còn một số cổ vật gồm 4 tấm bia đá, 1 quyển thần tích bằng chữ Hán và 12 đạo sắc phong các đời vua: Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định.

12 đạo sắc phong các đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định được lưu giữ tại đình


Đình Xạ Sơn là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Quang Trung (nay là xã Quang Thành). Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đình là nơi tập kết của các đơn vị bộ đội để đánh Bốt Tuần Mây, phục kích đánh địch, cứu chữa thương binh.

Vào ngày 25-26 tháng giêng hằng năm, nhân dân thôn Xạ Sơn lại tưng bừng mở lễ hội để thành kính bày tỏ sự biết ơn đối với các bậc thành hoàng đã có công dựng làng, giữ nước. Trong lễ hội có tổ chức tế, rước và các trò chơi dân gian như cờ tướng, bịt mắt bắt vịt… thu hút nhân dân và khách thập phương. Đình Xạ Sơn được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001.

Theo anh Hoàng Gia Lực, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Xạ Sơn, thôn thường xuyên quan tâm, làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ, khai thác các giá trị di sản văn hóa. Quan tâm huy động nguồn vốn từ công tác xã hội hóa xây dựng cảnh quan khuôn viên khu di tích ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đình Xạ Sơn được trùng tu lần gần đây nhất vào năm 2017 với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng.

HUYỀN TRANG