''Lỗ hổng'' thẩm định trong vụ lừa đảo 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng
Pháp luật - Ngày đăng : 05:58, 10/03/2023
Vụ án này kéo dài từ năm 2018 đến nay, từng được đưa ra xét xử nhưng nhiều lần bị Tòa án hoãn phiên tòa và trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Tại vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (sinh năm 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng 25 bị cáo khác bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Trong số này có tới 17 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên của 3 Ngân hàng: PVcomBank, VietABank và NCB. Các bị cáo này bị cáo buộc đã lợi dụng các “lỗ hổng” trong thẩm định tài sản, không thẩm định hồ sơ chặt chẽ… nhằm vi phạm các quy định về cho vay, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của ngân hàng.
Trong số 26 bị cáo, có 7 bị cáo bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm: Nguyễn Thị Hà Thành; Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark); Nguyễn Thị Thu Hương (nhân viên VietABank); Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh VietABank); Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô VietABank); Trịnh Trung Kiên (Giám đốc công ty xây dựng); Nguyễn Thanh Bình (kế toán công ty xây dựng).
Hai bị cáo bị truy tố về cùng 2 tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" gồm: Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank); Nguyễn Hồng Trung (nhân viên NCB).
11 bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" gồm: Trần Thị Hoa (Giám đốc NCB chi nhánh Hà Nội); Đặng Thị Thu Hòa và Phạm Thị Ngọc Lan (đều là nhân viên NCB); Đỗ Minh Đức (kiểm soát viên VietABank); Bùi Văn Tuấn (cán bộ PVcombank); Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trịnh Phương Ngân, Phạm Thu Hiền, Lê Thị Hiên (đều là giao dịch viên VietABank); Đỗ Thị Liên và Bùi Thị Na (đều là thủ quỹ VietABank).
Sáu bị cáo bị truy tố về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" gồm: Triệu Đình Hoan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hải Linh); Nguyễn Thị Là và Triệu Thị Hạnh (đều là nhân viên Công ty Hải Linh); Phạm Thế Tuấn (giao dịch viên NCB); Nguyễn Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Giang Hòa (lao động tự do).
Theo cáo trạng, năm 2010, Nguyễn Thanh Tùng tham gia thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Eurocell Việt Nam (viết tắt là Công ty Eurocell). Đến năm 2012, do mâu thuẫn cổ đông nên Tùng được giao hồ sơ để làm thủ tục giải thể công ty, song Tùng không thực hiện. Năm 2015, Công ty Eurocell bị thu hồi mã số thuế. Năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội đã thu hồi giấy phép kinh doanh công ty nhưng Tùng vẫn giữ hồ sơ, con dấu công ty. Do có nhu cầu vay tiền ngân hàng, Nguyễn Thị Hà Thành và Tùng đã bàn nhau sử dụng các pháp nhân gồm Công ty Jeongho Landmark, Công ty MHD và Công ty Eurocell để thực hiện vay tiền tại các ngân hàng.
Cụ thể, tại NCB, Thành và các đồng phạm thực hiện 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt 47,5 tỷ đồng. Đơn cử, vào cuối năm 2017, Thành gặp Nguyễn Hồng Trung - chuyên viên cao cấp Bộ phận Quan hệ khách hàng của NCB. Thành thỏa thuận với Trung sẽ giới thiệu khách hàng Đặng Nghĩa Toàn đến gửi tiền tiết kiệm và thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn khi cần. Từ ngày 18.6.2018 đến ngày 21.8.2018, Thành vay ông Đặng Nghĩa Toàn 50 tỷ đồng bằng hình thức, ông Toàn gửi tiền tiết kiệm vào NCB rồi đưa cho Thành giữ. Để thực hiện khoản vay, Thành và Tùng sử dụng tài sản đảm bảo là 2 sổ tiết kiệm đứng tên Đặng Nghĩa Toàn để vay 19 tỷ đồng.
Các bị cáo lập khống hợp đồng kinh tế “cung cấp dây truyền đùn phôi nhôm 6 inch” giữa Công ty Jeongho Landmark và Công ty Eurocell. Mặc dù Công ty Eurocell bị thu hồi giấy phép song Tùng vẫn giả mạo chữ ký giám đốc trên các hợp đồng, chứng từ vay.
Viện Kiểm sát xác định, khi tiếp nhận hồ sơ, Nguyễn Hồng Trung không gặp gỡ khách hàng, chủ sở hữu tài sản bảo đảm, không thẩm định chủ sở hữu có đồng ý dùng tài sản để bảo đảm cho khoản vay Công ty Jeongho Landmark không, đồng thời phải giải thích cho họ hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của bên bảo đảm trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ ngân hàng. Do thiếu sót trong thẩm định tài sản nên Trung không phát hiện việc Công ty Eurocell đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi ngân hàng giải ngân, Thành rút tiền để chi tiêu cá nhân. Trong khi đó, vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn khai báo không biết và không đồng ý cho Thành dùng sổ tiết kiệm để cầm cố ngân hàng.
Tương tự, tại PVcombank, ngày 17.10.2018, Thành và Tùng làm giả hồ sơ vay vốn bằng cách cầm cố 5 sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng Đặng Nghĩa Toàn để chiếm đoạt 49,4 tỷ đồng của ngân hàng này.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định hồ sơ cho vay thuộc trường hợp cấp tín dụng không có bảo đảm (do người có tài sản bảo đảm không đồng ý bảo đảm cho khoản vay). Hành vi của các cán bộ tín dụng vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện cấp tín dụng, không thực hiện đúng quy trình thẩm định cấp tín dụng và giải ngân của ngân hàng.
Cụ thể, bị cáo Bùi Văn Tuấn - chuyên viên phát triển khách hàng không thẩm định hồ sơ, không phát hiện các chứng từ về mục đích vay vốn, phương án sử dụng vốn là khống. Theo quy định, Tuấn có trách nhiệm giám sát khách hàng và chủ tài sản đảm bảo ký trên hợp đồng cho vay và hợp đồng cầm cố sổ tiết kiệm khi ký kết ngoài trụ sở. Nhưng Tuấn đã đưa hồ sơ cho Thành để lấy chữ ký hộ dẫn đến việc Thành, Tùng giả mạo chữ ký của chủ tài sản.
Còn bị cáo Đỗ Minh Đức - Giám đốc phát triển khách hàng PVCombank là người duyệt tờ trình cấp tín dụng. Đức biết Tuấn không gặp gỡ khách hàng và chủ tài sản, hồ sơ còn thiếu 2 giấy tờ quan trọng là “biên bản bàn giao giấy tờ có giá” và chữ ký của chủ sở hữu tài sản trên “giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ” nhưng vẫn duyệt cấp tín dụng và duyệt giải ngân cho Công ty Jeongho vay 49,4 tỷ đồng là vi phạm quy định ngân hàng.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 15 ngày.
Theo TTXVN